Về làng
Hắn hí hửng về làng. Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu hắn về làng. Nhưng lần nào cũng vậy, hắn đều có cảm giác hí hửng như một đứa trẻ khi được khám phá một vùng đất mới. Hắn nghĩ, có lẽ vì nghề nghiệp, vì lỡ mê “chủ nghĩa xê dịch” của cụ Nguyễn Tuân và cũng có lẽ vì cảm giác thân thuộc, chân chất khiến cho hắn dù đã bao nhiêu lần về làng rồi nhưng đều hí hửng, vẹn nguyên như mới lần đầu.
Về làng, việc đầu tiên là hắn dạo một vòng quanh làng để ngắm nhìn, tận hưởng nếp sống bình yên. Dẫu chỉ cách cây cầu treo, vòng vèo thêm đoạn đường trải nhựa phẳng lì, nhưng cảm giác như những ồn ã, xô bồ ngoài phố thị kia khó mà len lỏi về đến làng. Có chăng là những chiếc xe máy cho dân làng làm phương tiện đi lại, những chiếc ti vi làm phương tiện nghe nhìn, những chiếc smart phone làm phương tiện liên lạc. Còn nếp sống yên bình, thuần hậu như mạch nguồn từ bao đời gửi lại, kết nối từng thành viên trong gia đình, kết nối từng thành viên trong cộng đồng làng vẫn mãi đằm sâu.
Ngay đầu làng, mấy em nhỏ tuổi trứng gà trứng vịt, cách nhau tầm một, hai tuổi ngồi chơi đồ hàng với những hoa lá, những cây cỏ mọc quanh làng, với những chai, những hộp cũ. Cũng bắt chước bán bán, mua mua, cũng tổ chức tiệc tùng y như người lớn. Vậy mà chỉ cần nghe các bà, các mẹ, các anh chị í ới gọi là tất tả chạy nhanh ra bến sông của làng tắm táp, giặt giũ, để đón chờ bữa cơm tối đoàn viên, ấm áp của gia đình. Những lần về làng, hắn hay ngắm nhìn các em nhỏ. Nghe tiếng cười của các em trong veo, hồn nhiên như hòa trong tiếng gió thổi, trong tiếng nước lững lờ trôi của dòng Đăk Bla như khiến mọi buồn phiền trong hắn tan vào hư vô.
|
Vì sao hắn thích về làng? Tự hỏi và tự trả lời, quả thực hắn cũng không biết nữa. Hắn chỉ biết cảm giác như được quay về những ngày khi hắn là cô bé mặt mũi, chân tay đen nhẻm cùng đám bạn rúc rỉa bờ rào, bờ ruộng hái hoa, hái quả về chơi đồ hàng thơ bé, những ngày được ướp đẫm trong màu xanh cây cỏ, trong đất quê, ruộng làng. Hắn chỉ biết về làng luôn có cảm giác chân chất, yên bình, còn những chống chếnh, vô định bất chợt đến vào một lúc nào đó như ở tận xa lắc xa lơ, như là chuyện của ai chứ chẳng phải là chuyện của hắn.
Về làng, sau khi dạo một vòng thể nào hắn cũng đến ngồi hóng gió trên bậc thang lên nhà rông, nhà sàn. Mỗi khi ngồi trên những bậc thang đó, hắn cảm giác vừa nên thơ vừa gần gũi. Còn gì nên thơ hơn khi được ngồi ngắm trời xanh chẳng thể nào xanh hơn, mây trắng chẳng thể nào trắng hơn và nắng vàng chẳng thể nào vàng hơn để miên man trong hương đất, vị làng. Còn gì gần gũi hơn khi được ngồi trên những bậc thang gỗ mà có khi chính chủ nhân của nó chẳng nhớ nổi đã đi qua bao nhiêu mùa mưa, nắng. Nên mở album ảnh của hắn lưu trữ trong điện thoại ra, thôi rồi vô số các kiểu ảnh hắn ngồi trên bậc thang lên nhà rông hay nhà sàn ở các làng.
Quê ở vùng ven biển miền Trung nên ngày nhỏ chẳng bao giờ hắn biết đến nhà rông, nhà sàn. Ngày mới lên Kon Tum lập nghiệp, những chuyến đi về làng qua cầu treo lắc lẻo hay bước từng bậc thang lên nhà rông luôn khiến hắn như run rẩy. Nhưng đi miết thành quen, cảm giác thân thuộc khi ngồi dựa lưng bên những bậc thang nhà rông, nhà sàn đến với hắn khi nào chẳng rõ. Mỗi lần ngồi trên những bậc thang đó, hắn hay khe khẽ ngân nga đôi câu trong bài hát “Chín bậc tình yêu”: “”Chín tháng mẹ hiền từng bậc lo âu và thương nhớ/Chín tháng mẹ hiền nhà sàn đơn sơ mẹ sinh con/Những bước đi đầu tiên mẹ dìu lên từng bậc/ Chín cung đàn, chín cung đàn bên nôi mẹ ru”. Hắn biết từ âm điệu cho đến bối cảnh và cả những bậc thang lên nhà sàn trong bài hát là của Tây Bắc chứ không phải của Tây Nguyên có mái nhà rông cao vút, có những căn nhà sàn mà người làng vẫn luôn gìn giữ, nâng niu. Nhưng, mỗi lần ngồi lên bậc thang đó, mạch liên tưởng lại khiến hắn ngân nga những câu hát, khiến hắn ngẫm ngợi về những bậc thang của đời người. Trong dìu dắt của mẹ, của cha, rồi lớn hơn chút nữa là sự dìu dắt của thầy cô, của anh chị, của bạn bè mà hắn và bao người nữa chập chững bước đi từng bước nhỏ. Như những con người ở làng, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác dìu dắt nhau mà bước từ những bậc thang nhỏ lên căn nhà sàn, rồi lớn dần mà bước lên nhà rông và bước ra mênh mông của cuộc đời.
Lang thang cả chiều, chia tay làng, hắn thầm nghĩ sẽ thêm nhiều lần trở lại. Để hắn được lắng nghe nụ cười trong trẻo, hồn nhiên mấy em nhỏ dưới “mây che trên đầu và nắng trên vai” của đất trời ở làng, để ngắm nhìn sắc màu thổ cẩm lấp lánh, nhìn ánh nắng vàng xiên qua những bậc thang, qua thềm căn nhà sàn và để có những khoảnh khắc thư thái bên những bậc cầu thang tình yêu, như ý tứ hắn mượn từ lời bài hát mà mơ xa.
NGUYÊN PHÚC