Vào năm học mới
Những ngày qua, bạn bè từ khắp nơi chia sẻ nhiều hình ảnh, khoảnh khắc của các cháu học sinh lớp 1 đến làm quen với trường, lớp, thầy cô. Vậy là, những ngày tháng nghỉ hè gần khép lại. Hơn 160.000 học sinh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024 với khí thế mới và quyết tâm mới.
Năm học mới, học sinh háo hức, phụ huynh hy vọng và thầy cô cũng sẵn sàng. Từ nhiều ngày trước, thầy cô đã đến lớp, dọn dẹp, chuẩn bị chu đáo nhất để đón các em học sinh đến trường. Có những nơi, phụ huynh mang tre nứa cùng thầy cô sửa sang khuôn viên trường lớp với hy vọng các con có điểm vui chơi, học tập lành mạnh, an toàn.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Những số liệu thống kê như tỷ lệ mẫu giáo được huy động ra lớp đạt 92,5%; tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 93,9%; kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh năm 2023 xếp thứ 38/63 tỉnh, thành và xếp thứ 2/5 tỉnh Tây Nguyên phần nào chứng minh công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn trong những năm qua luôn được quan tâm, chú trọng và có sự chuyển biến tích cực.
|
Những kết quả đạt được trong những năm học trước là bước đà vững chắc để triển khai năm học mới này hiệu quả. Nói là thế, nhưng vào đầu năm học mới, vẫn còn đó những băn khoăn cũ khi công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, một số trường, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Mặc dù đội ngũ nhà giáo được bổ sung về số lượng, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, nhưng việc thiếu hơn 800 giáo viên, chủ yếu ở cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cũng trở thành nỗi lo cũ trong năm học mới. Sau những xoay xở, gỡ khó với nỗi lo cũ từ nhiều năm trước, ngành GD&ĐT mong muốn các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho ngành và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong đơn vị giáo dục công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi trả.
Việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp cũng là một nỗi lo đến hẹn lại lên. Dù các trường nỗ lực nắm bắt số lượng, nhu cầu sách vở đầu năm học, có phương án không để xảy ra tình trạng học sinh thiếu sách, thiếu vở; kêu gọi học bổng, hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều đó vẫn khó để huy động được 100% học sinh ra lớp, duy trì sĩ số. Với đặc thù ở các xã vùng sâu, vùng xa, các em hay nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ, rồi nhiều nguyên nhân khác khiến con đường đến trường của các em thêm gập ghềnh.
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm một số trường trên địa bàn tỉnh và kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024. Trong chuyến thăm, bên cạnh những món quà ý nghĩa chia sẻ với những khó khăn về cơ sở vật chất với ngành GD&ĐT tỉnh nhà, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra những yêu cầu với giáo dục tỉnh nhà và một số lưu ý về một số vấn đề trong việc triển khai năm học mới.
Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và với quyết tâm cao nhất “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, trong năm học mới này, đòi hỏi ngành GD&ĐT trên địa bàn tỉnh chú trọng đặt ra những giải pháp trọng tâm, căn cơ mới có thể thực hiện tốt những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Ngày khai trường đã cận kề. Hơn 160.000 học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024. Dù còn đó những băn khoăn nhưng với khí thế mới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục vượt khó, tích cực nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục và đào tạo.
Hoài Tiến