Ứng phó với tin giả trong phòng chống dịch
Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin thất thiệt về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, khiến người dân hoang mang. Việc các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội và nhận được sự đồng thuận dư luận.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị chủ động vào cuộc bằng những hành động quyết liệt với tinh thần “chống dịch bệnh như chống giặc”, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Vậy mà, trong tình huống cấp bách này, trên mạng xã hội lại liên tục xuất hiện những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh của một số kẻ vì những mục đích, mưu đồ khác nhau; hoặc là hòng trục lợi từ tình hình dịch bệnh, hoặc là có mưu đồ gây rối loạn xã hội, hoặc là do kém hiểu biết vô tình chia sẻ thông tin thất thiệt, tiếp tay cho những kẻ xấu... gây hoang mang trong đời sống xã hội.
Những thông tin giả, thông tin thiếu kiểm chứng về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, đại loại như: Có hàng chục trường hợp nhiễm bệnh ở địa phương, ở địa phương khác đã có người nhiễm bệnh vi rút Corona, hay ngay bên cạnh bạn có người đã nhiễm bệnh, cần hành động gấp... xuất hiện nhiều và nhanh chóng được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội chỉ trong ít ngày qua.
Điển hình như sự việc ngày 26/1, trên tài khoản của một facebook đưa thông tin tại Hải Phòng có 1 ca nghi ngờ mắc vi rút Corona gây viêm phổi Vũ Hán đang được cách ly tại khoa Lây, Bệnh viện Việt Tiệp... Tất nhiên, sau đó đã được chủ tài khoản facebook này gỡ bỏ thông tin không đúng sự thật này, nhưng trong thời gian ngắn thông tin trên đã được nhiều người tiếp cận, chia sẻ với “tốc độ chóng mặt”, gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội.
Hay như ngày 27/1, trang facebook Trần Tùng (trú tại thành phố Vũng Tàu) đăng thông tin tại Bệnh viện Lê Lợi (thành phố Vũng Tàu) có 2 du khách người Trung Quốc nghi nhiễm vi rút Corona phải nhập viện. Trong khi trên thực tế, chỉ có 1 trong 2 du khách này vào viện là do bị nhiễm trùng đường tiêu hóa chứ không hề bị nhiễm vi rút Corona. Thông tin Tùng đưa lên facebook cá nhân chỉ tồn tại 21 phút, nhưng thu hút nhiều người vào xem, like, để lại hàng trăm lượt bình luận và được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ rất nhanh không chỉ khiến nhiều người lo lắng mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch của tỉnh này...
|
Ngày 29/1, tại Thừa Thiên Huế, một chủ tài khoản facebook đăng tải nội dung: “Huế đã có 1 trường hợp dịch cúm Corona, người Vũ Hán, đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế. Thông báo cho cả nhà phóng tránh, Xuân An Lành” trên trang cá nhân của mình và vào các nhóm “Hội các mẹ ở Huế”, “Hội mẹ và bé”, “Garasale Huế”. Dòng trạng thái này khiến người dân địa phương bất an, gieo rắc nỗi hoang mang, lo sợ trong cộng đồng...
Ngay tại tỉnh ta, gần đây có thông tin lan truyền về việc trên địa bàn tỉnh có một trường hợp phải nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị do nhiễm vi rút Corona làm nhiều người dân hoang mang. Nhưng theo thông tin chính thức từ ngành Y tế tỉnh thì tính đến 17 giờ ngày 1/2, tỉnh ta chưa ghi nhận ca bệnh nào.
Điều đáng nói là những thông tin thất thiệt này đã đánh trúng tâm lý sợ hãi nên thường được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, tạo ra những “hội chứng tâm lý đám đông” trong cộng đồng, điều này vô tình tạo ra sự hoang mang, lo sợ trong xã hội. Nếu như trước đây, các tin tức không chính thống chỉ gọi là “góp vui”, thì nay đã trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống, túi tiền của người dân. Hệ lụy chúng ta thấy rõ nhất là việc người dân đi xếp hàng, chen chúc, thậm chí là tranh giành nhau mua khẩu trang y tế, dung dịch vệ sinh diệt khuẩn để phòng dịch, điều này đã tạo cơ hội cho kẻ làm ăn bất chính găm hàng, tăng giá đột biến...
Rõ ràng, giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đang có những diễn biến phức tạp thì các thông tin sai sự thật được phát tán trên các trang mạng xã hội đã tác động lớn đến tâm lý người dân, gây ra sự hoang mang, lo sợ trong cộng đồng. Những đối tượng tung tin giả này vì mưu đồ trục lợi, hay có khi đơn giản chỉ là thu hút sự chú ý của mọi người nhằm có nhiều view, nhiều like, nhưng đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội.
Vì vậy, cùng với nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; thời điểm này, các cơ quan chức năng còn phải triển khai một “cuộc chiến” phòng chống tin giả, tin sai lệch về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Việc các cơ quan chức năng của nhiều địa phương nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội.
Có thể nói, tâm lý hoang mang của người dân về dịch bệnh đã bị kẻ xấu lợi dụng để đưa ra những thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội với những mưu đồ xấu. Do đó, thời điểm này, mỗi người dân cần tỉnh táo khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin, hiểu đúng về dịch bệnh để chủ động phòng tránh, không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ quá mức cần thiết, đây cũng là việc làm cần thiết nhằm góp phần vào “cuộc chiến” chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Thiên Hương