Trường Mầm non Pô Kô: Cần sớm thống nhất phương án chi trả tiền ăn cho học sinh
Mặc dù nằm trong diện được nhận tiền hỗ trợ ăn trưa ngay từ đầu năm học theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, nhưng đến ngày 6/1/2018, khi đã hết học kỳ I năm học 2017-2018, các em học sinh Trường Mầm non Pô Kô (xã Pô Kô, huyện Đăk Tô) mới nhận được tiền hỗ trợ này. Nguyên nhân là do giữa nhà trường với phụ huynh học sinh chưa thống nhất phương án chi trả khoản tiền này.
Nhận được tin báo của phụ huynh học sinh về việc Ban Giám hiệu Trường Mầm non Pô Kô sau hơn 4 tháng mới tổ chức chi trả tiền hỗ trợ ăn trưa của Chính phủ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã có mặt kịp thời để phản ánh tình trạng này, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh học sinh đối với việc chăm sóc sức khỏe của con em họ.
Anh A Thiêm – phụ huynh học sinh điểm trường mầm non làng Tu Dốp 1, xã Pô Kô cho hay: Mình muốn nhà trường phát tiền để mình mua mắm cho con ăn được ngon cơm, chứ uống sữa miết con mình nó ngán lắm, không nuốt nổi à!
|
Chị Y Gôn – phụ huynh học sinh điểm trường mầm non làng Đăk Rao Nhỏ, xã Pô Kô nói trong bức xúc: Phụ huynh học sinh cả làng mình không ai muốn cho con uống sữa cả, mà đề nghị nhà trường phát tiền để phụ huynh mua cá, thịt nấu cho con ăn đảm bảo sức khỏe hơn, nhưng đến nay đã hơn 4 tháng nhà trường mới mời đến cấp phát tiền.
Chị Nguyễn Thị Hiền - Phụ huynh học sinh mầm non điểm trường làng Tu Dốp 1, xã Pô Kô than thở: Đầu năm học, nhà trường lấy ý kiến phụ huynh học sinh và tất cả đều nhất trí phương án nấu thức ăn cho các cháu. Nhưng 2 tháng 9 và 10 nhà trường không tổ chức nấu ăn gì cả, đến tháng 11 và 12 nhà trường tổ chức cho các cháu uống sữa. Cứ ba giờ chiều hàng ngày là các cháu được cô giáo phát cho một hộp sữa để uống, nên về nhà các cháu biếng ăn cơm lắm, vì lúc này trong bụng các cháu ê sữa.
Trường Mầm non Pô Kô thuộc địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, có 300 học sinh, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, được hưởng tiền hỗ trợ ăn trưa của Nhà nước 120.000 đồng/em/tháng. Số tiền này đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo chuyển về trường ngay từ đầu năm học 2017-2018 để nấu thức ăn bữa trưa, hoặc cấp tiền cho các em theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Thế nhưng, đến ngày 6/1/2018, sau hơn 4 tháng học tập, những em không ăn và các em uống sữa tại các điểm trường lẻ còn thừa tiền mới được nhận tiền hỗ trợ, với tổng số tiền trên 60 triệu đồng.
Cô giáo Trương Thị Phụng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pô Kô giải thích: Mỗi lần tập trung phụ huynh rất khó, vì họ đi làm rẫy hết. Trong lúc đó, muốn chi trả thì phải có sự phối hợp giữa UBND xã, hoặc mời đại diện Phòng Giáo dục-Đào tạo đến giám sát đầy đủ mới đúng với phương án đã đưa ra. Một nguyên nhân chưa phát tiền nữa là vì đến ngày 29/12/2017 nhà trường mới tổng hợp lại số tiền rồi chi trả cho phụ huynh.
Từ tháng 9 đến tháng 12/2017, tại điểm trường chính đã tổ chức nấu thức ăn, còn một số điểm trường lẻ thì các cháu uống sữa, chỉ có lớp mầm non ở làng Đăk Rao Nhỏ do cô Thi chủ nhiệm là không uống sữa, nên lần này nhà trường cấp tiền hỗ trợ ăn trưa cho học sinh trên 60 triệu đồng - Cô Phụng giải thích thêm.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô khẳng định: Thay vì học sinh đi học trưa về nhà, chiều đi học lại, nay các em được ở lại ăn trưa, ăn đúng giờ, ngủ đúng lúc, nên suy dinh dưỡng giảm hẳn so với những năm học trước. Vì thế, chúng tôi vẫn duy trì hình thức này cho đến bây giờ, trên cơ sở được sự đồng thuận của phụ huynh. Nếu phụ huynh không thống nhất thì phải trả tiền cho phụ huynh. Vấn đề này, Phòng sẽ chấn chỉnh.
Hiện nay, nhà trường vẫn tiếp tục vận động phụ huynh học sinh cho các cháu uống sữa thay cho việc nấu thức ăn bữa trưa tại các điểm trường lẻ, nhưng phần lớn phụ huynh học sinh không nhất trí. Và từ đầu tháng 1/2018 đến nay, các cháu chưa được hỗ trợ tiền ăn bằng hình thức nấu thêm thức ăn bữa trưa, hoặc uống sữa xế chiều. Về vấn đề này, nên chăng, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cần vào cuộc, cùng với phụ huynh học sinh tháo gỡ để các cháu khỏi bị thiệt thòi về chất lượng cuộc sống.
Bài và ảnh: Nguyên Hà