Trường làng
Đứng trước cửa, ngó ra thênh thang cỏ hoang trước mặt, bỗng Hà nao nao nhớ ra, mình đã ở đây được hai năm học rồi.
Hà đẩy cánh cửa đan bằng tre, treo những chùm tua nhuộm màu khá diêm dúa cũng làm từ tre nốt, là “quà tặng” của học sinh, bước ra ngoài. Hôm nay là thứ Bảy, học sinh nghỉ học, bạn đồng nghiệp cũng về thăm nhà nên điểm trường vắng vẻ.
Ở đây, ngoài đồng nghiệp, dân làng, hiếm hoi lắm mới thấy người lạ ghé qua. Và gần như ai cũng rất vội vàng, thời gian của họ đã phai và rơi rụng theo cuộc hành trình dài, với quanh co đèo dốc, với hoang vu núi rừng.
Gió thổi rì rào, lùa đám cỏ tranh ngã rạp xuống. “Cái giống cỏ này sống mãnh liệt thấy ghét. Chỉ ít ngày không để ý là đã muốn che kín mấy luống rau. Có lẽ chiều nay phải nhờ người phát dọn bớt đi”– Hà nghĩ.
|
Cô chợt nhớ tới tuổi thơ lam lũ nơi ruộng rẫy. Chiều chiều ba cuốc đất đằng trước, anh em cô lủi thủi theo sau để lượm rễ cỏ tranh. Sau đó gom lại thành đống, chờ vài ba nắng, khi đã khô thì đốt, gặp gió cháy đùng đùng, khói đen cuồn cuộn làm mắt mũi đứa nào cũng ràn rụa.
Thỉnh thoảng ba quay lại nhắc “nhặt cho kỹ nghe con”. Cái giống cỏ này sống dai nhách, nếu nhặt không kỹ, chỉ cần sót một mẩu bằng ngón tay thôi, ít lâu sau sẽ thấy một vài ngọn cỏ mọc lẫn lên.
Rồi chỉ cần lơ đễnh ít ngày, chúng đã cao vụt lên, mọc thành từng đám, cao hơn cây mì, xanh hơn, mạnh mẽ hơn. Nên cả tuổi thơ của cô cứ thênh thang cỏ tranh.
Đứng trước cửa, ngó ra thênh thang cỏ tranh trước mặt, bỗng Hà nao nao nhớ ra, mình đã ở đây được hai năm học rồi.
Nhưng sự nao nao ấy chỉ lướt qua mà thôi. “Cũng tại “cô” tự nguyện mà, ai biểu cứ xung phong ở lại điểm trường làm chi”- Hà tự cười mình.
Hà biết, cô không thể rời xa, hay đúng hơn là chưa sẵn sàng rời xa điểm trường cheo leo trên núi cao, và những đứa trẻ tóc khét nắng, chân trần, tay dính đầy bùn đất.
Mỗi lần nắm níu có ý định từ giã, nghe bà con nói “cô giáo ở lại với dân làng lâu thật lâu nhé ”, cô lại xao xuyến, lại thấy mình như kẻ trốn chạy, lặng lẽ giấu tờ đơn xin chuyển trường vào ngăn tủ.
Gọi là điểm trường, nhưng thực ra đó chỉ là một gian nhà cấp 4 xây gạch nằm giữa làng, bên trái nhà rông, chia thành 2 phòng học. Nhà ở của giáo viên là gian nhà dựng bằng tre, lợp mái tranh nằm phía sau.
Và dù trên giấy tờ, đây là điểm trường, nhưng bà con ở đây toàn gọi là trường làng. Cô cũng thích gọi như vậy. Nó gợi lên sự gần gũi, thân thương
Còn nhớ hôm đầu tiên đến làng, con đường ngập ngụa bùn đất, cô và một đồng nghiệp phải bỏ xe, đi bộ vượt núi, băng qua những rẫy mì, rẫy bắp. Đến nơi thì đêm đã khuya, nhưng trưởng thôn và già làng vẫn đợi.
|
Lạ thay, trưởng thôn là một phụ nữ còn trẻ, khi đi đón cô giáo còn địu con trên lưng. “Cô giáo thông cảm, cháu không ngủ một mình được”- chị trưởng thôn ái ngại nói. Còn đứa bé thì cố ngọ nguậy chui ra khỏi tấm choàng thổ cẩm sau lưng mẹ, nhoẻn cười với cô.
Tối hôm ấy, trong căn nhà sàn của già làng, dân làng mừng đón cô giáo mới. Trong bếp, củi gỗ thông cháy rừng rực, thỉnh thoảng nổ lép bép, bắn tung ra những tràng hoa lửa. Gió thổi miên man trên triền đồi, luồn vào từng góc nhà, đưa hương rượu ghè bay xa bay xa.
Suốt 2 ngày sau đó, Hà cùng trưởng thôn đi khắp làng, ghé vào từng nhà, xem người già đan lát, phụ nữ dệt vài; theo thanh niên xuống suối lưới cá, lên núi săn chuột rừng; cùng đám trẻ đi chăn trâu (vùng này nuôi nhiều trâu, con nào cũng ục ịch như trái sim rừng). Và nhất là nắm tình hình, hoàn cảnh thực tế của từng học sinh.
Điều làm cô hài lòng là dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng bà con khá quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Vùng căn cứ cách mạng mà- cô thầm nghĩ. Còn chị trưởng thôn thì cười cười: Cũng nhờ có trường làng.
Cô yêu quý những ngôi nhà, những nụ cười, những ánh mắt thân thiện và bữa cơm ấm cúng bên bếp lửa từ đó.
Những lúc rảnh rỗi hay ngày nghỉ cuối tuần, nếu không về thăm nhà, cô thích được đi bộ trên những lối đi ngoằn ngoèo, hai bên đầy hoa dại, dẫn tới những ngôi nhà sàn nhỏ, những khoảnh sân đất líu ríu đàn gà kiếm ăn, vài con heo dũi đất bên bể nước; bầy trẻ con chạy giỡn, mặt mũi lem luốc mà cười trong veo.
Cô ngẩn ngơ với những hàng rào bên đường trở nên sặc sỡ với váy áo, chăn màn hong nắng. Vài người phụ nữ tắm gội xong ra sân phơi tóc mỉm cười khi thấy cô, nụ cười thật thân thiết, dịu dàng, ấm áp, không phải kiểu cười xã giao, cười “cho có”.
Người già ngồi hút thuốc phía đầu hồi, rất sẵn lòng mời khách vào nhà thưởng thưởng cang rượu ủ bằng men lá rừng và hạt kê, nhấm nháp miếng mây nhân nhẩn đắng mà ngọt hậu. Và khi khách về, thể nào cũng được dúi vào tay trái dưa nước trồng trên rẫy mập mạp, nhìn thôi đã muốn cắn một miếng cho đã.
Đôi khi, học sinh sẽ ríu rít đến đón cô giáo. Hành trình của cô trò nhẩn nha, không vội vã, bắt đầu từ sáng tinh mơ và trở về lúc chiều phai.
Trong cuộc đi về xuôi ngược khắp núi rừng ấy, cô trò hay bất chợt ghé lại những ngôi nhà bên đường, viện cớ xin ly nước đỡ khát. Và khi ra về, bao giờ cô trò cũng lỉnh kỉnh xách theo quà của chủ nhà, như nắm măng khô, trái bắp, bó rau, thậm chí là xâu thịt khô.
Những tia nắng đầu tiên nhẹ nhàng đậu xuống. Hà nhắm mắt lại để cảm nhận sự tinh khôi, dịu nhẹ, mát mẻ của nắng mai đang tắm lên mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của cô.
Hà yêu biết bao những buổi sáng nơi non cao, đứng giữa đất trời lồng lộng, núi rừng phập phồng thở, hít vào lồng ngực thanh xuân khí trời lành lạnh, trong lành, thoang thoảng hương thơm hoa cỏ còn ngái ngủ.
Có tiếng cười nói lao xao. Hôm nay cô tổ chức họp phụ huynh, hẳn là dân làng đang tập trung.
Bắt đầu hành trình mới nào- Hà nói nhỏ, rồi đi về phía nhà rông. Trong nắng sớm, lá cờ Tổ quốc nổi bật lên, rực rỡ.
THÀNH HƯNG