Trung thu xưa, Trung thu nay
Đứng bên bậu cửa ngước nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm là vầng trăng tròn vành vạnh soi ánh vàng bàng bạc khắp không gian. Đêm đã về khuya, phố phường tĩnh mịch, yên ắng. Cái tĩnh mịch ấy, cái màu bàng bạc ấy khiến cho người từng là trẻ con bỗng dưng khó ngủ lại cảm nhận như có điều gì đó xưa cũ, như có điều gì đó tươi mới len lỏi trong tâm hồn.
Trung thu mà. Trung thu với ánh trăng tròn vành vạnh, với tiếng trống, chiếc đèn ông sao… khiến cho ai từng là trẻ con nhớ về một thời đã xa, rất xa; khiến cho những ai đang là trẻ con và cả những ai từng là trẻ con rộn ràng với những niềm vui mới, với những điệu múa lân say mê, với những chiếc đèn lồng muôn màu sắc…
Trung thu cho những ai từng là trẻ con mấy chục năm trước chẳng có đầu lân, chẳng có lồng đèn sắc màu nhấp nháy, bình dị thôi nhưng ấm áp vô cùng. Chỉ riêng khâu làm lồng đèn ông sao thôi cũng đã rộn ràng xóm nhỏ. Trước Trung thu cả chục ngày, đám trẻ con nhờ người lớn chặt tre, hì hụi chẻ nan, kiếm giấy màu. Ngày đó, giấy trắng đã hiếm, giấy màu còn khan hiếm hơn. Đứa nào “sang” lắm mới có vài tấm giấy màu nho nhỏ. Có đứa khung hình đèn ông sao đã dựng xong rồi mà giấy chẳng có, đành lấy giấy vở của những năm học trước rồi kiếm mấy thứ hoa lá có tí màu đo đỏ, vàng vàng phết ngoài. Chữ viết xanh xanh, tim tím nổi lên trên nền màu tự chế, nhìn nhau mà tự an ủi “cũng như tranh bích họa”. Đêm Trung thu gom góp mấy trái khế ngọt, mấy trái ổi xanh, trái bưởi vườn nhà…. Trống cũng hiếm, ngoài chiếc trống to đùng để ở góc trường báo hiệu giờ ra chơi, giờ vào lớp, trẻ nhỏ làm gì mà biết đến những chiếc trống nho nhỏ xinh xinh để vui chơi. Thôi thì, đành tự kiếm chiếc thùng, chiếc xoong cũ vứt chỏng chơ xó xỉnh nào đó đánh lên cho rổn rảng. Chỉ thế thôi mà cũng “tùng dinh dinh”, rước đèn phá cỗ, rộn ràng cả xóm nghèo. Chỉ vậy thôi mà vị chua, vị chát của cây trái chưa đến độ chín của mâm cỗ xen lẫn vị ngọt ngào của hạnh phúc tuổi thơ theo mãi…
Trung thu cho những ai đang là trẻ con nay lấp lánh sắc màu, rộn ràng thanh âm. Nào là những chiếc bánh Trung thu vuông vuông, xinh xinh đặt trong những bì bóng, hộp giấy muôn màu. Nào là các loại lồng đèn, đâu chỉ chiếc đèn lồng ông sao xanh đỏ năm cũ mà còn cả những lồng đèn chạy pin biết hát véo von, nhảy múa đủ vòng. Nào là những điệu múa lân rồng cùng tiếng trống, tiếng thanh la rộn rã… Tất cả khiến những ai đang là trẻ con háo hức, say mê; khiến cho những ai đã từng là trẻ con neo đậu tâm hồn với những điều xưa cũ và len lỏi cả những gì tươi mới.
|
|
Mà Trung thu xưa hay nay vẫn vậy, vẫn mang đến những giá trị không thể nào đong đo, thay đổi. Là được đắm mình trong thế giới cổ tích của tuổi thơ với chị Hằng, chú Cuội, để rồi cứ thế lớn lên hồn nhiên như cây cỏ, hiền hòa như ánh trăng. Là vệt sáng trong tâm hồn lấp lánh với mâm cỗ là những cây trái vườn nhà hay những củ sắn, củ khoai nướng chia đôi sẻ nửa, với ánh trăng bàng bạc chiếu xuống những con đường đất gồ ghề cát bụi, với những lần nắm vạt áo nối đuôi nhau hát bài đồng dao bên những chiếc đèn ông sao tự ca tụng nhau như “bích họa đồng quê”. Là những lần bỏ cả cơm để đi theo những đội múa lân rồng nghễu nghện khắp làng trên xóm dưới, là tiếng cười con trẻ vang lên như nắc nẻ theo cơn gió thu vọng vào không gian. Là những đêm cả nhà cùng ngồi ngắm trăng, chiếc bánh Trung thu cắt khéo chia thành từng phần nhỏ, mỗi người nhấm nháp chút vị lấy thảo thơm mà tiếng nói cười ríu ran cả khoảng sân nhà…
Đong đo, thay đổi sao được. Cứ nhìn ánh trăng bàng bạc tỏa xuống từ trên cao kia đấy, dù cho vật đổi sao dời, dù cho bao thế hệ trẻ con cứ thế mà nối tiếp, mà lớn lên, vẫn hiền hòa, vẫn huyền ảo, bàng bạc chiếu khắp không gian. Vẫn thâm trầm kín đáo, lặng lẽ ngắm nhìn những ai đang là trẻ con và những ai từng là trẻ con một thuở. Vẫn thả cái thanh tao, mê hoặc vào lòng người và cả sự trường tồn vĩnh cửu của đất trời, của thiên nhiên diệu vợi.
Mà không hiểu sao khi nhìn ánh trăng vằng vặc trong không gian tĩnh mịch, nhìn mấy cành lộc vừng bên khung cửa sổ như được dát ánh vàng lấp loáng của dòng sông trăng đêm Trung thu đung đưa khe khẽ..., lòng lại chầm chậm trôi theo hình hài những năm tháng. Những năm tháng đã xa và cả những năm tháng, phút giây hiện hữu... để luôn lắng đọng những mùa Trung thu xưa, mùa Trung thu nay.
Nguyên Phúc