Trung thu sớm ở vùng sâu
Lâu lắm rồi tôi mới được vui Trung thu cùng các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Nhìn các em đội mưa đến nhà rông của làng để tham gia Chương trình “Vui hội trăng rằm”, tôi lại nôn náo nhớ về những mùa Trung thu thời thơ ấu ở làng.
|
Còn ít ngày nữa là đến Rằm Trung thu, anh bạn thông tin có kế hoạch tổ chức Chương trình thiện nguyện “Vui hội trăng rằm” ở một làng thuộc xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS tại huyện Tu Mơ Rông. “Đợt này chương trình làm bài bản đấy nhé. Có múa lân sư rồng, tặng quà Trung thu cho trẻ em”- anh bạn thông tin.
Tôi quyết định đăng ký tham gia ngay. Trong lòng háo hức lắm, cứ mong thời gian trôi qua nhanh để lên đường, cùng mọi người mang Trung thu sớm đến với các em nhỏ vùng cao.
12 giờ trưa, sau khi sắp xếp hàng trăm phần quà cùng những dụng cụ biểu diễn lân sư rồng lên xe ô tô tải, đoàn chúng tôi rời thành phố Kon Tum hướng về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tu Mơ Rông.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là tại nhà rông thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông. Không biết các em có mặt từ khi nào nhưng lúc đoàn xe đến, đã chạy ùa ra mừng vui reo hò.
Thấy các em học sinh mừng vui, thầy giáo Lê Văn Quốc- Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH-THCS Tu Mơ Rông tỏ vẻ lo lắng, vì không biết liệu đoàn có thể tổ chức múa lân được hay không, bởi từ sáng đến trưa có mưa lớn, trên sân nhà rông có những vũng nước to.
Với mong muốn mang niềm vui đến cho trẻ em vùng sâu, mọi người có mặt lúc đó đã quyết định cùng chung tay xử lý hết những chỗ nước đọng để có không gian tổ chức vui trung thu và biểu diễn múa lân phục vụ cho các em.
Rất nhanh chóng, những vũng nước đọng trước sân nhà rông đã được vét cạn. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và các thành viên trong đoàn thiện nguyện, hàng trăm em nhỏ đã xếp hàng ngay ngắn chuẩn bị để chương trình bắt đầu.
Khi tiếng trống lân rộn rã vang lên, tiếng các em cũng reo hò theo, xé tan không gian tĩnh lặng thường ngày ở ngôi làng vùng cao này.
Chị Y Thủy (thôn Đăk Neang, xã Tu Mơ Rông) nói trong niềm vui: “Từ 11 giờ sáng, hai đứa con của mình đã đòi chở ra nhà rông. Khi ra đến đây, đã thấy trẻ em ở các làng khác cũng có mặt rồi. Chúng háo hức và vui mừng lắm”.
Bé A Đăng, con trai chị Y Thủy năm nay học lớp 2 vui mừng hớn hở: “Con chỉ nhìn thấy múa lân trên ti vi thôi. Hôm nay con mới được trực tiếp nhìn thấy múa lân tại nhà rông. Con ước gì năm nào Trung thu đến, chúng con cũng được tặng quà, được xem múa lân như thế này”.
Nghe những lời chia sẻ của chị Thủy, của bé A Đăng và chứng kiến niềm vui, sự háo hức, mong chờ của các em nhỏ tham gia Chương trình “Vui hội trăng rằm” mà chúng tôi tràn ngập niềm vui, thấy việc làm của mình thêm ý nghĩa.
Chương trình diễn ra ngắn gọn, đoàn chúng tôi phải chia tay các em nhỏ để tiếp tục mang hàng trăm phần quà nữa trao tặng cho các em nhỏ ở các xã Văn Xuôi, Ngọc Yêu. Càng đi về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tu Mơ Rông, điều chúng tôi cảm nhận được là đời sống bà con càng có nhiều khó khăn, bởi vậy mà việc tổ chức Trung thu với các em nhỏ nơi đây là một “sự kiện” lớn.
Mặc trời mưa, các em nhỏ say sưa hòa mình vào các trò chơi do các thành viên trong đoàn tổ chức, thích thú reo hò mỗi khi đội múa lân đến gần biểu diễn.
Nhìn thấy sự đáng yêu trên từng gương mặt ngây thơ của các em nhỏ vùng cao, mọi người trong đoàn dường như quên hết những mệt nhọc sau khi vượt chặng đường đèo dốc.
Còn tôi lại nôn náo nhớ về những mùa Trung thu thời thơ ấu ở làng!
Ngày ấy, không có những đoàn từ thiện như bây giờ. Mùa Trung thu, đến, các cô trong chi hội phụ nữ và các anh chị đoàn viên thanh niên ở làng đi vận động mỗi gia đình đóng góp ít tiền để mua quà bánh, vật liệu làm đèn ông sao cho thiếu nhi.
|
Đến ngày Tết Trung thu, trẻ em trong làng được tổ chức Chương trình vui Tết Trung thu thật ấm áp và ý nghĩa. Chẳng cần thông báo, chưa đến giờ tổ chức, nhưng chúng tôi đã xếp hàng thật ngay ngắn ở khoảnh sân trường làng. Tiếng cười nói rôm rả, tiếng hò hét của mấy đứa con trai tinh nghịch khiến cho bầu không khí mùa Trung thu ở làng quê vui nhộn hẳn.
Các anh chị đoàn viên thanh niên bày các trò chơi, tổ chức các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do chính chúng tôi biểu diễn, chứ không có múa lân như bây giờ. Để tạo không khí cho Tết Trung thu, các anh chị đoàn viên thanh niên còn mượn trống trường để gõ nhịp “tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh”.
Đan xen tiết mục văn nghệ và trò chơi, chúng tôi được các cô trong chi hội phụ nữ phát những phần bánh kẹo, những chiếc đèn ông sao làm bằng nan tre quấn giấy bóng kính với các màu xanh, đỏ, tím, vàng thật đẹp.
Đêm Trung thu, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, chúng tôi nối đuôi nhau rước rèn từ đầu làng đến cuối xóm.
Chỉ đơn giản vậy thôi, mà chúng tôi chơi quên mệt. Cho đến bây giờ, Tết Trung thu ngày ấy vẫn là một phần ký ức đẹp trong tôi.
Giữa không gian trong trẻo ở ngôi làng vùng cao, bao bọc bốn bề là núi rừng, niềm vui, tiếng cười hòa cùng tiếng trống lân cứ thúc giục, rộn rã kéo dài đến khi màn đêm buông xuống từ lúc nào không ai hay biết.
Nhìn các em nhỏ gương mặt rạng ngời niềm vui ra về trên con đường làng với những chiếc lồng đèn rực sáng, tôi càng nhớ những mùa Trung thu đi qua tuổi thơ của mình. Hy vọng Chương trình “Vui hội trăng rằm” sẽ là một phần ký ức đẹp đối với các em nhỏ vùng sâu, vùng xa nơi đây.
Sông Côn