Trong vườn Xuân
Tết đến Xuân về, nhà nào cũng mong muốn được trang hoàng thật đẹp đẽ. Cùng với việc sửa sang lại nhà cửa tinh tươm, thì mảnh vườn luôn được quét dọn, sắp xếp mọi thứ cho gọn gàng, tươm tất, đặc biệt là trồng nhiều loại hoa, chăm chút kỹ lưỡng hơn để kịp đón Tết.
Chưa đến Tết mà cư dân mạng đã khoe rầm rầm những bức ảnh về vườn xuân nơi quê nhà. Làm cho mỗi người con xa quê càng thêm nôn nao, thêm sốt ruột đếm ngược thời gian từng ngày để được trở về.
Mỗi bức hình vườn nhà ngày Tết mang những nét đẹp riêng của mỗi vùng miền, nhưng có điểm chung đó là đều có sự hiện diện của các loại hoa truyền thống như mai, đào, cúc, vạn thọ, mào gà. Sắc hoa làm cho không khí xuân tươi thêm phần rộn ràng, và mỗi ngôi nhà, mỗi mảnh vườn thân yêu chốn quê hương thêm đẹp đẽ hơn, xuân sắc hơn.
Với mỗi bức hình ấy gắn thêm bao dòng trạng thái “Mẹ mong con về”, “Tết này con sẽ về”, “Mong chờ đến Tết”, “Cố lên… sắp được về quê ăn Tết rồi” khiến ai vô tình lướt qua cũng phải quay lại để ngắm nhìn, để trầm trồ, cũng là để bày tỏ cảm xúc, bằng những dòng bình luận đầy háo hức, vui vẻ hay mang tâm trạng nôn nao mong chờ đến Tết để được về nhà.
Và tôi cũng vậy! Mỗi lần nhìn thấy những bức ảnh vườn xuân nơi quê nhà là cứ háo hức mong Tết mau mau đến Tết để được trở về nhà, được hòa mình vào không khí tết quê, giữa không gian vườn xuân, được hít thở đến căng tràn lồng ngực mùi hương của cỏ hoa đồng nội cho thỏa nỗi mong chờ, nhớ nhung sau một năm dài xa cách.
|
Cùng với phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, giờ đây ở quê tôi, từ nhà cửa đến đường làng ngõ xóm trông đẹp đẽ hơn, hiện đại hơn. Nhưng dù vậy, vẫn vương vấn nét quê bình dị với mảnh vườn nhiều cây trái, bông hoa quê kiểng. Và khi Tết đến Xuân về, cùng với việc trang hoàng đường làng ngõ xóm, nhà cửa thật đẹp đẽ, thì mảnh vườn cũng được trồng nhiều loại hoa, chăm chút kỹ lưỡng hơn để kịp đón Tết.
Nhiều người ở quê hay nói vui, thấy hoa là thấy Tết nên trong công tác chuẩn bị đón Tết mừng Xuân, điều trước tiên mỗi nhà cần làm đó là vườn nhà phải có hoa. Hoa cho ngày Tết phải được trang trí từ ngoài ngõ, trong sân rồi đến bên trong nhà, nên góc vườn quê chuẩn bị cho ngày Tết bao giờ cũng được quy hoạch, sắp xếp, gieo trồng thật tinh tươm. Nói cụ thể hơn đó là, chỗ nào trồng hoa, chỗ nào trồng rau đều được chọn lựa kỹ lưỡng để làm sao tô điểm cho vườn nhà đẹp hơn trong ngày Tết.
Nói lại mới nhớ, việc chuẩn bị hoa cho Tết này đã được chuẩn bị ngay từ khi Tết trước vừa “đi” khỏi cửa. Chỉ qua Giêng là nhà nhà đã lo lặt hoa mai, rồi cắt cành, tỉa chồi cho cây để chuẩn bị cho Tết năm sau. Hoa mai là loài hoa rất khó tính, nếu không biết cách chăm sóc thì rất khó cho hoa đúng Tết- ba tôi, một người “nghiện” hoa mai thường dặn dò con cháu.
Rồi đến đầu tháng 10 âm lịch, qua những ngày mưa bão, nhà nhà đã lo quy hoạch lại mảnh vườn nhà để chuẩn bị mùa Tết này sẽ trồng những loại rau hoa gì. Thiếu gì thiếu chứ không thể vắng mặt mấy loại rau quen thuộc như xà lách, rau thơm, cải cúc, cải thảo, cà tím, cà chua, ít thì cũng phải mỗi thứ rau vài luống. Càng không thể không có mấy loại hoa dễ trồng, dễ chăm sóc và truyền thống nhất, như bông vạn thọ, mào gà, thược dược.
Ngày trước, ngoài thị trường chưa có bán nhiều cây giống như bây giờ, hết mùa tết, nhà nhà ở quê thường cắt những chùm bông vạn thọ treo gác bếp để làm giống. Đến tháng 10 âm lịch thì mang ra gieo hạt, rồi lấy cây giống mang đi trồng.
Bây giờ, tầm tháng 10 âm lịch ở chợ quê bán cây giống nhiều, nên chỉ việc canh đúng thời gian là ra chợ mua, vừa tiện vừa đỡ công làm đất ươm hạt. Đối với hoa mào gà, cúc đất thì thời gian sinh trưởng và cho hoa nhanh hơn nên trồng sau bông vạn thọ. Các loại cây giống rau củ thì cũng được ươm bán sẵn nên tầm tháng 11 âm lịch thì mảnh vườn được phủ kín đủ thứ loại rau, hoa như đúng quy hoạch.
|
Tôi thích dạo vườn xuân vào mỗi sớm mai. Từ tờ mờ sáng, mọi người ở quê dường như đều đã thức dậy. Ba tôi kéo ống tưới nước, má đã lúi cúi bắt sâu trong vườn, tôi cũng phụ ba má nhổ bỏ mấy cây cỏ mọc chen vào những luống rau. Nhìn những luống cải ngọt, cải cúc, xà xách, rau thơm mơn mởn trong tiết trời mát mẻ đầu xuân mà thấy lòng rất đỗi bình yên.
Nhà kế bên, ông bà Hai cũng đã rôm rả trò chuyện bên những luống rau mơn mởn, những chậu hoa đang chúm chím nụ xuân. Ông bà Hai già rồi nhưng giáp Tết góc vườn của ông bà bao giờ cũng có rất nhiều rau, hoa. Ông bà Hai nói, Tết đến phải có hoa trong vườn nhà mới ra ngày Tết; còn rau thì trồng nhiều một chút để con cháu về ăn.
Đúng là ở quê, 3 ngày Tết gần như chẳng có nhà nào đi chợ, mà chợ quê cũng không nhóm họp vào những ngày này. Vì vậy, đã thành thói quen nên nhà nhà đều phải chuẩn bị những lương thực cần thiết trong tủ lạnh, riêng rau thì có sẵn ở vườn. Đến bữa cơm, chỉ cần xách chiếc rổ chạy ra vườn hái nắm rau vào nấu canh hay ăn sống.
Nhà tôi đông con cháu nên mảnh vườn nhà được ba má thiết kế trồng đủ thứ rau. Ấn tượng và bắt mắt nhất với mọi người khi đi qua ngõ nhà tôi đó là một bờ rào lá giang xanh mướt. Mùa khô, trông chúng cằn cỗi, ít lá, dù vẫn được chăm sóc, tưới tắm đầy đủ, nhưng khi Xuân đến, như được đũa thần chạm vào, dây bò rất nhanh, từng ngọn mới vươn lá mơn mởn. Nhờ có vị chua chua mà Tết đến lá giang tiêu thụ rất nhiều với nhiều món ăn rất hấp dẫn như canh gà lá giang, lá giang và rau thơm hấp cá cuốn bánh tráng, canh tôm nấu lá giang. Giữa bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành, món canh lá giang làm cho người ta ăn ngon miệng hơn.
Ngày cuối cùng của năm cũ, sửa soạn mọi thứ thật tươm tất để đón giao thừa, tôi thường được giao nhiệm vụ ra vườn cắt tỉa những cành vạn thọ thật đẹp để vào cắm bình trưng trên bàn thờ gia tiên. Đứng trong góc vườn xuân với những bông hoa đang khoe sắc vàng, cam rực rỡ mà cảm nhận rất rõ hương vị Tết quê tràn ngập quanh mình.
SÔNG CÔN