Trẻ em đuối nước, nỗi ám ảnh ngày hè
Ngày Quốc tế thiếu nhi, chị bạn tôi ở nhà lo đám giỗ cho người con trai duy nhất. Đã 4 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhìn di ảnh của con, chị lại đau lòng khôn xiết. Chị bảo, nếu con không theo bạn đi tắm hồ, bây giờ đã là học sinh cấp 3 rồi.
Năm đó, vừa khép lại năm học, vì hè oi bức nên con chị cùng một vài bạn nam trong lớp rủ nhau đi tắm hồ (người dân trữ nước tưới cà phê). Hồ sâu lại không biết bơi, con chị không may bị chết đuối. Đang đi làm, nhận được hung tin, chị ngất xỉu.
Chồng chị tật nguyền. Hai vợ chồng may mắn lắm mới có được mụn con trai. Vậy mà, điều không may đã xảy ra với gia đình chị...
Cũng như chị bạn tôi, khi mà cái ăn cái mặc còn chật vật, nhiều bậc phụ huynh mải mê mưu sinh, ít có thời gian quan tâm, trông nom con cái nên phải nhận lại kết cục đau lòng. Mới đây, 2 vụ đuối nước thương tâm cướp đi mạng sống của 8 em nhỏ ở Hòa Bình, 9 em nhỏ ở Quảng Nam, gióng lên hồi chuông thức tỉnh cho các bậc làm cha làm mẹ.
Những cái chết do đuối nước diễn ra hàng ngày. Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ…, nhà trường đều cảnh báo, “nhắc như cơm bữa” đó là học sinh không được tắm ao, hồ. Thế nhưng, với bản tính hiếu động, ham vui, khi trời nắng nóng lại thiếu sân chơi, các em lại luẩn quẩn bên ao, hồ, sông suối để vui chơi, tập bơi, tắm mát… Và rồi, điều gì đến sẽ phải đến.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2018, tỉnh ta có 15 trẻ em bị đuối nước, đa số đều do tắm ao, hồ, sông suối.
Những cái chết vì đuối nước dồn dập trong những ngày hè, lặp đi lặp lại trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều người phải suy nghĩ và hành động. Trong kế hoạch triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, đến năm 2020, phấn đấu 100% các trường học có bể bơi, hồ bơi; tăng cường công tác phối hợp liên ngành về phòng chống tai nạn đuối nước, dạy bơi cho học sinh. Việc phổ cập bơi và các kỹ năng phòng - chống đuối nước trong trường học là một trong những giải pháp hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường không có kinh phí xây dựng bể bơi. Một số trường có hồ bơi, bể bơi lại thiếu kinh phí phổ cập bơi cho học sinh, nên trường học vẫn chưa thể “xóa mù bơi” cho học sinh.
Trong cuộc chiến với nạn đuối nước, ngoài nhà trường, gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu. Lo cho các con, nhiều phụ huynh vùng thuận lợi cũng liên hệ tìm lớp, đăng ký cho con học bơi. Nhưng, không phải ai cũng có đủ điều kiện để cho con đi học bơi. Học phí và các khoản chi phí kèm theo khá cao lại thêm việc đón đưa…, nên dù muốn nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng ngậm ngùi đành chịu.
Tuy nhiên, không nên vì thế mà để việc dạy bơi, dạy cho trẻ kỹ năng an toàn dưới nước trở thành chuyện “biết rồi” nhưng phải “nói mãi”. Các bậc cha mẹ nếu đã biết bơi có thể dạy cho con trẻ, đó là phương pháp gần gũi, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở trẻ không nên ra sông, suối, ao, hồ khi không có người lớn đi cùng…
Thực tế đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người lớn có ý thức, nhà trường có trách nhiệm và chính quyền địa phương, cộng đồng cùng chung tay. Chính quyền địa phương cần tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới ở các địa điểm sông, hồ để trẻ hiểu, nhận biết và hạn chế đến nơi tiềm ẩn đuối nước. Cùng với đó, cần có chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về tai nạn đuối nước ở trẻ, giúp các em trang bị thêm kiến thức, cách xử lý khi bị đuối nước và kỹ năng cứu người đuối nước. Đặc biệt, cần có thêm các địa điểm vui chơi an toàn, lành mạnh, phát huy tính hấp dẫn ở các buổi sinh hoạt hè để thu hút các em tham gia.
Biết nguyên nhân, nếu thực hiện tốt các giải pháp, ắt hẳn, mùa hè sẽ không còn là nỗi ám ảnh mà đúng nghĩa là khoảng thời gian đẹp và nhiều ý nghĩa với con trẻ.
HOÀI TIẾN