Trăn trở của một thầy giáo
Thời gian qua, dư luận bức xúc khi xảy ra hàng loạt sự việc đáng tiếc trong ngành Giáo dục như: Cô giáo im lặng gần 4 tháng không giảng bài, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng hay vụ việc học sinh bóp cổ cô giáo, đâm thầy giáo trọng thương, rồi phụ huynh hành hung giáo viên đang mang thai...
Những vụ việc ấy được ngành chức năng rốt ráo vào cuộc xử lý nhằm mang lại niềm tin cho cộng đồng về một nền giáo dục tiến bộ, lành mạnh. Thế nhưng còn rất nhiều, rất nhiều việc “cần làm ngay” trong ngành Giáo dục mà chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Xin chia sẻ cùng bạn đọc trăn trở của một giáo viên THCS đang dạy tại một huyện vùng sâu.
Thầy T. (xin phép được giấu tên) công tác trong ngành Giáo dục đã hơn 10 năm. Phần lớn thời gian, thầy đứng trên bục giảng của một trường THCS vùng sâu.
Thầy tâm sự, giáo viên bây giờ áp lực đủ đường, giáo viên dạy ở vùng sâu cũng không ngoại lệ. Các thầy cô giáo đứng lớp buộc phải thực hiện cho được những chỉ tiêu nhà trường đưa ra như từ 90% đến 95% học sinh phải được phổ cập giáo dục. Không cần biết thầy dạy thế nào, trò học hành ra sao, tổng kết cuối năm các lớp đều phải đạt theo yêu cầu.
Chỉ tiêu này đưa ra cho các trường khu vực thuận lợi thì còn được, đằng này các trường ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện dạy và học hạn chế; hầu hết các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh chưa quan tâm đến việc học hành của con cái, hay bắt con cái nghỉ học làm nương rẫy; trong cùng một lớp, lực học các em không đồng đều; nhiều em tới lớp không chịu chép bài, học bài chứ chưa nói tới chuyện về nhà soạn bài, hay làm bài tập, còn có trường hợp khi kiểm tra để nguyên giấy trắng vì không biết làm...
“Mặc dù chỉ tiêu cũng chỉ là con số, nhưng lại vô cùng áp lực với giáo viên chúng tôi - thầy T. nói - Để hoàn thành chỉ tiêu, cho dù bài viết rất yếu, các thầy cô phải cố “phết phẩy” cho các em đủ điểm để qua được các kỳ thi...
Thầy T. băn khoăn: Không biết các em học sinh sẽ nghĩ gì khi làm bài yếu mà vẫn được các thầy cô cho đủ điểm, vẫn lên lớp đều đều mỗi năm... Giáo dục mà chỉ chăm chăm vào bề nổi hay chỉ chạy theo thành tích thì chất lượng cả một thế hệ tương lai đi đâu về đâu?
Thầy T. còn cho biết thêm: Học sinh bây giờ cũng “ranh mãnh” lắm, nắm được một số quyền cơ bản của trẻ em theo quy định của pháp luật nên đụng tới là đòi “quyền con người”. Nhận thức hạn chế, có em nghĩ lên lớp không học bài, làm bài, không tập trung nghe giảng, nói chuyện riêng trong lớp, thậm chí nghỉ học không có lý do... thầy cô cũng không dám làm gì. Nếu thầy cô phạt, đánh đòn hay đưa ra hình thức kỷ luật để làm gương cho các bạn khác là giở trò ăn vạ, về mách phụ huynh hoặc bỏ học giữa chừng. Nhiều khi vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường hay vì “miếng cơm” mà thầy cô phải “phớt lờ” cho qua.
“Trước kia, học sinh rất ngoan và lễ phép, gặp giáo viên là đứng cúi đầu chào, học sinh nào cũng đều sợ và kính trọng thầy cô. Còn giờ, nhiều khi gặp giáp mặt, có em không thèm chào, không hỏi, đứng nói chuyện thì ngang hàng hoặc thậm chí còn cãi lại ngay trong tiết dạy” - thầy T. bức xúc.
Nguyên nhân từ đâu? Do thầy cô không nghiêm khắc, không xử lý dứt khoát các trường hợp cá biệt hay do nền giáo dục buông lỏng việc dạy lễ nghĩa cho học sinh, mà chỉ chạy theo bệnh thành tích, hay vì lý do gì...? - thầy T. tự đặt câu hỏi và chúng tôi cũng chỉ biết thở dài chia sẻ sự bức xúc với anh.
Qua câu chuyện với thầy T., nhìn lại gia đình, tôi càng thêm cảm thông với những áp lực mà thầy chia sẻ. Có 2 cậu con trai, đôi lúc cậu út biếng học, ham chơi, không nghe lời một chút là mình đã gắt gỏng huống hồ gì các thầy cô phải dạy một lớp cả mấy chục em, chỉ cần dăm em nghịch ngợm, lười không chịu học hay hỗn láo thì... Rồi khi các em ngỗ nghịch, bỏ qua mọi lời khuyên răn... thì phải làm gì đây để các em vào khuôn phép, chăm chỉ học hành...?
Ngẫm lại, những trăn trở của thầy T. nào của riêng ai!
Gia Thịnh