Tóc mẹ màu gì nhỉ?
Mẹ gửi bức ảnh mẹ cùng người bạn thuở thanh xuân phải hơn nửa thế kỷ mới gặp lại vào nhóm gia đình. Ba cô con gái sau một hồi chí chóe nhắn tin, giao nhiệm vụ cho cô con gái gần nhà đưa mẹ đi cắt tóc ngắn, uốn xoăn lên cho có phần trẻ trung, bỗng như ngẩn ra khi có người hỏi: Tóc mẹ màu gì nhỉ?
Tóc mẹ màu gì nhỉ? Ba cô con gái vốn cũng chữ nghĩa ào ạt lắm mà nay chẳng biết bắt đầu từ đâu để miêu tả màu tóc của mẹ qua 75 năm sương gió cuộc đời. Em gái nói, trắng muốt. Chị gái bảo, màu trắng chủ đạo là đúng rồi, nhưng không phải trắng muốt, vì xen lẫn trên mái tóc bạc trắng của mẹ vẫn còn đôi sợi chẳng rõ đen, cũng chẳng rõ nâu nâu.
Chỉ vậy thôi mà như sóng gợn lòng, ba chị em chuyển sang nhắn nhóm riêng, bồi hồi nhớ về mái tóc xưa của mẹ. Nhớ những khi tủi thân, lại dụi dụi mặt vào lưng mẹ khóc vụng, để mặc những sợi tóc đen dài của mẹ chạm vào má dịu dàng như vỗ về, an ủi. Nhớ về nồi nước gội đầu ngát hương bồ kết, hương lá đinh nhu, hương lá sả của mấy mẹ con gái vừa được bưng từ trên bếp ra đặt cạnh bên chiếc giếng đầu hồi nhà như một khúc đoạn của cuộc đời rồi cũng phải đi qua. Nhớ những ngày chẳng có máy sấy, chẳng có quạt điện hong cho mái tóc nhanh khô, mẹ chỉ biết dùng khăn lau sơ, rồi một tay giữ chặt tóc phía đỉnh đầu, một tay nắm suối tóc đen dày vung vẩy lên không trung như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã viết “Mẹ tôi hong tóc buổi chiều/Quay quay bụi nước bay theo gió đồng”.
|
Đâu rồi mái tóc dài, mềm, đen óng ả; đâu rồi làn da trơn láng mịn; đâu rồi những bước chân nhanh nhẹn, tấm lưng thẳng gọn nữa. Chỉ còn tấm lưng bè bè và cong cong theo tháng năm, để rồi mỗi khi bước lên thềm, mẹ phải thường vịn gối. Chỉ còn mái đầu bạc phất phơ những lằn vôi trắng xóa dần đi cả một đời người. Chỉ còn những nếp nhăn trên gương mặt, những đốm đồi mồi trên cánh tay hằn rõ màu của thời gian.
Mái tóc bạc ấy, tấm lưng còng ấy và cả những nếp chân chim trên khóe mắt, nốt sần sùi, đồi mồi trên đôi bàn tay gầy guộc ấy đâu chỉ có bước đi của vòng đời sinh lão mà còn chất chứa cả những nỗi buồn khi các con chưa vâng lời, nỗi lo khi cuộc sống của các con còn trắc trở, chưa như ý, trọn vẹn.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần nhìn mái tóc bạc phơ của ông bà mà kinh ngạc, lớn lên rồi lại nhìn mái tóc bạc của mẹ cha mà suy tư. Từng sợi bạc như màu thời gian vẽ lên trên mái tóc từng có ngày đen nhánh, dài óng ả. Từng sợi bạc là ẩn chứa bao lo toan từ những phiên chợ sớm, bao lầm lũi giữa chang chang nắng của vùng đất gió Lào cát trắng, bao lặn lội giữa những cơn mưa bão xối xả đến thối đất thối cát để cho các con được ngang dọc rộng dài.
Màu tóc bạc của mẹ, sợi ngắn, sợi dài, rụng dần mỏng manh được cột cụt lủn sau gáy mà sao gợi thương, gợi nhớ. Tâm tư như trôi qua muôn nẻo đường, qua bao khúc đoạn của cuộc đời, qua bao nhiêu tiếng thở thời gian lặng lẽ. Cũng mái tóc ấy, khi dài, đen óng ả mới chớm đôi sợi bạc, những chiều thong thả, mấy cô con gái còn trong trẻo, hồn nhiên vòng quanh tìm tóc sâu, tóc bạc. Mới đầu còn hăng say đếm một sợi, hai sợi, ba sợi.... Chỉ qua năm sau, màu thời gian, màu nhọc nhằn phủ dần, tóc bạc nhân lên, tóc đen vơi đi, làm sao mà đếm được những lo toan của mẹ, làm sao mà cưỡng cầu được bước đi của thời gian.
Bao lo toan phủ bóng xuống những niềm vui rất nhỏ của cuộc đời, mẹ dường như chẳng có thời gian để nghĩ đến chuyện nhuộm lại mái tóc. Vẫn với mái tóc sợi trắng sợi đen bới gọn gàng phía sau gáy, mẹ sáng sáng lên lớp dạy học, chiều chiều lo toan cho đàn heo ủn ỉn, nấu cơm, ủ men cho mấy chục cân cơm rượu, đến ngày hè lại thêm chạy ngược chạy xuôi bán buôn từ chợ này sang chợ khác.
Giống như mẹ cả một đời lo toan, các cô con gái cũng đến ngày nhẩm theo từng sợi tóc bạc. Sợi trắng, sợi đen, sợi dài, sợi ngắn. Biết chẳng ai có thể cưỡng lại vòng quay sinh, lão, bệnh, tử của cuộc đời nhưng trong câu chuyện miên man qua điện thoại mỗi dịp cuối tuần, thỉnh thoảng lại cảm thán cùng mẹ về chân tóc mình ngả bạc vượt mặt thời gian.
Câu hỏi vu vơ “Tóc mẹ màu gì nhỉ?” đưa mấy chị em về trong miên man suy tưởng, càng thấm hiểu hơn những nhọc nhằn của mẹ. Lại thấy bóng dáng người mẹ tuổi đã về chiều với mái tóc bạc xen lẫn những sợi chẳng rõ nâu chẳng rõ đen cột cụt lủn thành nắm nhỏ sau gáy, trong đêm tối quýnh quáng tra chìa khóa mở cánh cổng đón con về.
NGUYÊN PHÚC