Tiết kiệm điện là quốc sách
Ông bà ta có câu: Tiết kiệm là quốc sách, trong mùa khô, lượng sử dụng điện năng cao, mỗi người càng nên tự ý thức tiết kiệm điện để giảm chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình.
Đi nộp tiền điện trở về, hàng xóm tôi tá hỏa vì hóa đơn hơn 600.000 đồng. Chị gấp gáp nhờ thợ điện đến kiểm tra đường dây, các thiết bị điện, máy móc… Đường dây mới thay, tủ lạnh, máy giặt mới mua, mọi thứ vẫn ổn, không rò rỉ, không hư hại. Nghĩ đi nghĩ lại, chị than phiền nói: Chắc do lãng phí điện.
Ngôi nhà nhỏ chỉ có 4 người ở nhưng từ nhà trên đến nhà bếp phải có đến 12 bóng điện. Dù nhà có cửa sổ, khá sáng sủa nhưng ban ngày cũng như ban đêm, lúc nào chị cũng bật điện sáng choang trừ lúc đi ngủ. Bóng điện sợi đốt trong nhà vệ sinh luôn sáng 24/24, dù ít khi sử dụng. Không chỉ bóng điện, phòng khách có 2 quạt tường, mỗi lần dùng xong, nhà chị cũng chẳng tắt. Có hôm, cả gia đình đi vắng, quạt vẫn quay đều. Chưa kể việc gần đây, chiếc ti vi hoạt động gần như hết công suất để phục vụ 2 cậu con trai được nghỉ học. Nhiều lúc người đã ngủ hay đã đi chơi, ti vi vẫn mở rôm rả cả buổi.
Nhiều lần nhìn thấy gia đình chị lãng phí điện, nhiều hàng xóm đã góp ý. Nhưng rồi, câu chuyện vẫn cứ: biết rồi, khổ lắm nói mãi. Và điều gì đến cũng phải đến, cái giá của sự lãng phí trước hết là sự chi trả. Mấy tháng nay, tháng nào gia đình chị cũng phải trả tiền điện ở mức cao. Đồng tiền đi liền khúc ruột, cầm hóa đơn trên tay, chị xót xa rồi nhanh chóng đi tắt tất cả những bóng điện không sử dụng.
|
Không riêng chị, thực tế vẫn còn rất nhiều người không có thói quen tiết kiệm điện. Họ vẫn suy nghĩ rằng, việc tắt đi một bóng đèn, một chiếc quạt hay bóng điện ngủ cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Nhưng thực tế, chỉ cần rút các thiết bị điện không sử dụng hoặc dùng các thiết bị điện trong gia đình đúng cách đã có thể tiết kiệm chi phí điện từ 10-15%/ tháng.
Tiết kiệm điện vừa giúp giảm chi tiêu hàng tháng vừa đem lại những lợi ích thiết thực. Khi sản xuất điện, lượng khí thải từ nhà máy điện thường gây các hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như làm ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, chiến dịch giờ trái đất với những thông điệp: Hãy tắt đèn bất cứ khi nào có thể… để kêu gọi mọi người tiết kiệm điện, qua đó chung tay tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Không chỉ thế, điện năng không phải là nguồn năng lượng vô tận, tiết kiệm điện là giải pháp hữu hiệu, nhất là khi nguồn cung còn thiếu.
Thực chất, việc tiết kiệm điện không khó và nằm trong tầm tay của mỗi người. Nguyên tắc tiết kiệm điện thật sự đơn giản: Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, không dùng thì tắt. Công tắc có sẵn, chỉ cần với tay lên bấm tắt… là xong. Thậm chí nay có nhiều thiết bị hiện đại điều khiển từ xa, chỉ cần ý thức, bấm nút off khi không sử dụng, là đã có thể tiết kiệm. Cùng với đó, mỗi nhà, mỗi người có thể tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, chọn mua các thiết bị điện phù hợp, rút phích cắm tất cả các thiết bị không sử dụng, thay thế các thiết bị điện cũ… là đã có thể tiết kiệm được nguồn điện. Điều quan trọng, chính là cách suy nghĩ, ý thức của mỗi người.
Ông bà ta có câu: Tiết kiệm là quốc sách, trong mùa khô, lượng sử dụng điện năng cao, mỗi người càng nên tự ý thức tiết kiệm điện để giảm chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Không khó để hình thành thói quen tốt, chỉ cần thay đổi ý thức, thay đổi từ hành động nhỏ là đã góp sức rất lớn trong việc giảm chi phí cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, qua đó chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Tiết kiệm điện vì chính mình và mọi người, hành động nhỏ để tạo ra thay đổi lớn, tại sao không?
Hoài Tiến