Tiếng rao…
Khác với tiếng rao gọi mời tha thiết của bác bánh bao ở Huế, những ngày ở Kon Tum mình lại ấn tượng vô cùng với tiếng rao của bác bán bánh giò. Trong âm thanh hối hả của phố phường, mỗi lần nghe tiếng rao “Giò…” khàn đục, kéo dài của bác, mình lại dỏng tai lắng nghe...
Mãi đến ngày đi thi đại học, mình mới có cơ hội lần đầu từ quê ra phố. Tất cả mọi thứ đều mới lạ. Từ chiếc xích lô, xe thồ… đến loại trái có hình thù như su hào nhưng lại có màu đỏ được đặt ngay ngắn trên các kệ bán trái cây mà mãi sau này mình mới biết là trái thanh long. Rồi, những ly chè, ly kem thơm mát, nhiều màu sắc… mà hương vị của nó vẫn lưu luyến mình nhiều năm sau đó. Nhưng, cảm xúc về những thứ hào nhoáng đó cũng chóng qua, điều đọng lại trong ký ức của mình sau lần đầu tiên ra phố đó lại là tiếng rao.
Cả sau này cũng vậy. Mấy năm học đại học ở Huế và gần hai mươi năm sống ở thành phố Kon Tum, mỗi lần nghe tiếng rao, mình lại lắng tai nghe như để cảm nhận rõ hơn những âm thanh khắc khoải, gọi mời của cuộc sống. Tiếng rao nghe sao mà buồn buồn, xa vắng, nhất là vào những trưa vắng hay đêm khuya tĩnh lặng. Nghe tiếng rao ấy mình lại nao nao nhớ nhà, nhớ quê, dù quê nhà mình chẳng bao giờ có tiếng rao như thế.
Nhớ những ngày ở Huế, ngồi trên ban công căn gác xép của ông bà chủ nhà tốt bụng ở đường Bến Nghé, mình lại lắng nghe âm thanh phố phường. Mì nó…ng đ…ê…! L…ồ…ng đ…ê! Báo mới đê…! Ai l…ọ…c … k…h...ô…ng! Ai h…ế…n kh…ô…ng! Ai đậu xanh, đường cát nước d…ừ…a kh...ô…ng!...
Đã có lần, mình thử đếm nhưng vẫn không sao nhớ nổi mỗi ngày có bao nhiêu tiếng rao và bao nhiêu thứ hàng cần rao đi ngang qua. Nhưng có lẽ những năm ở Huế mình vẫn nhớ nhất là tiếng rao bác bán bánh bao nóng người vùng Hương Thủy mà có lần mình vừa mua vừa hỏi thăm. Tối tối, vào tầm 21h, bác lại còng lưng đạp chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất cũ, chở theo thùng bánh ngang khúc nhà trọ mình và cất tiếng rao “bao nóng đê…” gọi mời tha thiết. Tháng 11, 12, mùa đông, mưa dầm ở Huế, cũng tầm giờ ấy, bác bán bánh bao nóng lại cất tiếng rao. Đứng trên gác xép nhìn xuống đường, trong ánh đèn vàng hiu hắt và mưa bay nặng hạt, bác gò lưng, chân nhấn bàn đạp mạnh, cất tiếng rao quen thuộc. Tiếng rao của bác khi ấy trở nên lạc lõng, nhỏ bé và mình còn cảm giác như ướt sũng, trĩu nặng cùng với cơn mưa đêm. Nhìn theo tấm lưng gầy của bác hằn lên chiếc áo mưa nhấp nhô qua những lần đạp xe, nhìn theo làn khói tỏa ra từ chiếc nồi lớn hấp bánh bao và chút than hồng le lói dần xa khuất, chỉ vọng lại tiếng rao tha thiết nhưng trầm buồn hơn mọi hôm, mình rưng rưng đến lạ.
Sau này, vào Kon Tum, những tiếng rao bán hàng lại khiến mình nao nao kỷ niệm với những ngày ở Huế, nao nao nhớ về quê nhà. Nào là “Giò…”, nào là “Ai chổi lông gà”, nào là “Mài dao, mài kéo đê”… Và có khi, tiếng rao không phải cất bằng lời, phát bằng loa mà đơn giản chỉ là tiếng leng keng của bác bán kem ly hay tiếng gõ của cậu thiếu niên vào tầm 14 tuổi bán hủ tiếu.
Khác với tiếng rao gọi mời tha thiết của bác bánh bao ở Huế, những ngày ở Kon Tum mình lại ấn tượng vô cùng với tiếng rao của bác bán bánh giò. Trong âm thanh hối hả của phố phường, mỗi lần nghe tiếng rao “Giò…” khàn đục, kéo dài của bác, mình lại dỏng tai lắng nghe. Tiếng rao khắc khoải gọi mời, vang lên, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm rồi rơi vào thinh không khiến mình như cảm nhận được sự nhẫn nại, kiên cường của bác. Sau này, nhờ cô bạn đồng nghiệp tìm hiểu viết bài báo về bác mới biết, tiếng rao “Giò…” của bác đã gắn bó với người dân Kon Tum đã 23 năm nay. Cũng nhờ tiếng rao khàn đục ấy mà 4 người con của bác được nâng bước ăn học thành tài…
Có nhiều tiếng rao với những ấn tượng khác nữa hay hiện đại hơn là rao bán được thu âm sẵn phát trên loa kiểu như “Bánh mì Sài Gòn, hai ngàn một ổ, bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ” thân thuộc đến nỗi được đám trẻ con khu phố mình lại biến tấu vui vui “Bánh mì sữa bơ, hai ngàn một ổ, ăn vào mắc cổ, chết ngay tại chỗ, khổ ơi là khổ”…
Mình từng nghĩ, mình ấn tượng những tiếng rao bởi vì… đói, hoặc rảnh nữa là nghe tiếng rao để đoán giờ, để hình dung tiếng rao gọi mời tha thiết của bác bán bánh bao người Hương Thủy trên phố Huế năm nào hay tiếng rao khàn đục của bác bán bánh giò trên phố Kon Tum đã hơn hai chục năm nay… Nhưng đến bây giờ, ngẫm lại, mình đủ lớn để cảm nhận trong mỗi tiếng rao là một nỗi niềm, mỗi tiếng rao là một nỗi nhọc nhằn mưu sinh và mỗi tiếng rao là một mảnh đời, gồng gánh phía sau cả một gia đình khiến mình vô cùng yêu thương và trân quý.
Nguyên Phúc
Bình luận (1)