Tiếng gà gáy
Sáng sớm, khi màn đêm vẫn còn giăng phủ, đã nghe mấy con gà trống ở phía sau nhà cất tiếng gáy. Tiếng gà gáy buổi sớm mai nghe quen thuộc và thân thương làm sao, dội vào tâm thức tôi bao nỗi xao xuyến, bồi hồi.
Lâu lâu mới được về thăm quê nên tôi tự nhủ mình phải tận hưởng từng phút giây ấm áp và yên bình bên gia đình ở làng quê yêu dấu. Vì vậy, lần nào trở về quê, hễ được nghe tiếng gà gáy là tôi đều thức dậy, chạy ra vườn, vươn vai hít thở bầu không khí trong lành buổi sớm mai.
Trong màn sương giăng phủ, tôi đã thấy má ngồi nhặt rau ở góc vườn để lo bữa sáng cho gia đình. Má nói, mỗi buổi sớm, khi chú gà trống thức dậy gáy mấy tiếng là má cũng thức dậy theo. Nhiều lúc dậy sớm quá cũng chẳng có việc gì làm nhưng đã thành thói quen. Có hôm, trăng sáng vằng vặc, chú gà trống bị “đánh lừa”, tưởng trời sáng nên cất tiếng gáy vang, thế là cả nhà cũng được phen dậy sớm.
Tôi chạy ra phía sau nhà, chú gà trống đứng vững vàng trên thanh gỗ, phía dưới là ô chuồng của chú. Thấy có bóng người, chú gà trống nhìn ngơ ngác, nhưng rồi cũng chẳng ngại ngùng gì, lại cất tiếng gáy vang to, dõng dạc: Ò… ó… o, ò… ó…o.
Má nói đây là chú gà nòi, được ba đặt mua. Gà nòi nên thân hình cao to, bộ lông dài và dày dặn hơn mấy chú gà trống giống gà tre. Tiếng gáy của gà nòi cũng to hơn. Tiếng gáy của chú gọi những chú gà trống quanh vùng cùng thức dậy và gáy vang.
Tiếng gà gáy thân quen đã ăn vào tiềm thức của tôi, qua những bài học đã thuộc nằm lòng. Thế hệ 8X đến nửa đầu 9X như tôi trở về trước, chắc hẳn ai cũng còn nhớ môn Tiếng Việt lớp 1 với bài học đầu tiên là hình ảnh chú gà trống gáy một tràng: Ò ó o. Gần gũi, thân quen biết nhường nào. Bây giờ đã mấy mươi năm trôi qua, hình ảnh và bài học đầu tiên trong đời tôi vẫn còn nhớ mãi.
|
Tôi nhớ ngày trước, nhà chưa có đồng hồ báo thức, mỗi sớm mai, cứ nghe tiếng chú gà trống gáy phía sau nhà là như phản xạ tự nhiên, mấy chị em lại bật dậy ngồi vào bàn học chuẩn bị sách vở đến trường. Có những hôm ngủ say, ba thường đánh thức bằng việc dùng tay gõ lốc cốc mấy tiếng vào đầu giường và giả giọng chú gà gáy “ò ó o” đáng yêu làm sao.
Hết lớp 1, lên lớp lớn hơn, những câu thơ dễ đọc, dễ hiểu về chú gà trống cũng được giảng dạy ở trường học như bài thơ “Ò…ó…o” của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
“… Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe
Giục hàng tre
Đâm măng
Nhọn hoắt
Giục buồng chuối
Thơm lừng
Trứng cuốc
Giục hạt đậu
Nảy mầm
Giục bông lúa
Uốn câu
Giục con trâu
Ra đồng
Giục đàn sao
Trên trời
Chạy trốn
Gọi ông trời
Nhô lên
Rửa mặt
Ôi bốn bề
Bát ngát
Tiếng gà
Ò… ó… o
Ò… ó… o”.
Những bài thơ, bài tập đọc rồi đến bài tập làm văn miêu tả con gà trống nhà em… với lời văn mộc mạc kiểu như: “Nhà em có một chú gà trống choai rất đẹp”, “Sáng tinh mơ, chú trống choai nhà em đã thức dậy cất cao tiếng gáy ò…ó… o để đánh thức mọi người dậy sẵn sằng cho một ngày làm việc mới”… cho đến bây giờ tôi vẫn thuộc nằm lòng.
Bài học đầu tiên từ khi ngồi trên ghế nhà trường và âm thanh tiếng gà gáy sớm mai ở quê nhà mãi im đậm trong tâm trí tôi.
Bây giờ ở phố chẳng còn được nghe tiếng gà gáy. Nhiều khi bật chiếc đồng hồ báo thức lại nhớ da diết tiếng gà gáy mỗi buổi sớm mai ở quê nhà với cảm giác thật trong trẻo, yên bình.
SÔNG CÔN