Tiện lợi kèm rủi ro
Khi các cửa hàng kinh doanh thực phẩm online (trực tuyến) nở rộ, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet, người tiêu dùng ở nhà vẫn có thể mua được những thực phẩm mình muốn, mình cần. Thế nhưng, bên cạnh sự tiện lợi, khi mua hàng online những “thượng đế” phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
|
Tôi có chị bạn, ngoài việc làm ở cơ quan, chị còn kiếm thêm thu nhập bằng cách bán thực phẩm qua trang facebook, zalo. Vào trang facebook của chị không khác một cửa hàng tạp hóa. Chị bán sâm dây, bánh kẹo, mứt rồi cả cá khô, rượu... Chị khoe, vì bán hàng uy tín, chất lượng nên hữu xạ tự nhiên hương; hàng bán rất chạy, khách từ trong Nam đến ngoài Bắc đều tin dùng, nhiều lúc không có hàng để bán.
Không riêng chị, ngày nay, việc bán thực phẩm online trở thành xu thế. Chỉ cần lên google, gõ cụm từ “bán thực phẩm trên facebook”, ngay lập tức nhận được 148.000.000 kết quả trong vòng 0,38 giây. Bởi vậy, mỗi sáng, cứ lướt trang facebook cá nhân từ trên xuống, “thượng vàng hạ cám” đều có. Người bán đồ gia dụng, người bán quần áo, mà nhiều nhất vẫn là bán đặc sản địa phương: sâm dây, sầu riêng, bơ… và cả những thực phẩm chế biến sẵn: trà sữa, trà chanh, gỏi, bánh bột lọc, khô gà lá chanh, chân gà sả ớt…
Không khó để nhận thấy những “tiểu thương online” rất nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường. Với phương châm mùa nào thức nấy và đánh vào tâm lý chung của người tiêu dùng: thích hàng sạch, hàng an toàn, không chất bảo quản, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên họ luôn bán đồ với những thông tin bắt mắt: hàng nhà trồng, nhà làm kèm với việc khẳng định hàng sạch, hàng chất lượng và giao hàng miễn phí tận nơi nên càng hút khách.
Với tâm lý tin là chính, nhiều người từ quen đến lạ, cứ nghe ai giới thiệu hàng ngon, tự làm, nhà trồng, không chất bảo quản là “ưng cái bụng”, cứ thế chọn hàng để được giao sản phẩm tận nhà. Tất nhiên, khi gửi thông tin đi, họ luôn đặt niềm tin và nuôi hy vọng người bán “có tâm với nghề”.
Chia sẻ về việc mua thực phẩm online, nhiều chị bảo rằng, ít ra mua thực phẩm trên facebook vẫn an toàn hơn mua ngoài chợ, nhất là hàng trái cây, bởi họ biết người bán, biết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Và, nhỡ có đau bụng hay gặp vấn đề, họ có thể “mắng vốn” hoặc đòi hoàn lại tiền. Trái ngược, một số người dù đã bỏ ra số tiền cao hơn so với ở ngoài chợ nhưng vẫn hoang mang, lo lắng về chất lượng sản phẩm mua được.
Có thời điểm, tỉnh ta xuất hiện vài trường hợp ngộ độc rượu, nhưng những hũ rượu đã được ngâm sẵn sâm dây, đinh lăng và cả rượu ghè của chị bạn tôi vẫn được khách online từ khắp mọi miền ưa chuộng. Khi tôi hỏi, lấy rượu ở đâu, chị chỉ cười: Người dân họ tự nấu bằng men đàng hoàng, cứ yên tâm mà sử dụng. Nói là vậy nhưng thực tế, chính bản thân chị cũng không biết người nấu rượu có lên men, nấu rượu thật hay giả, vì chị cũng mua rượu và cũng chỉ biết tin vào lời người bán…
Mua hàng online tiện lợi nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi lẽ, đa số những “tiểu thương online” không có giấy phép kinh doanh hay giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; và việc bán buôn cũng không được thẩm định, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng.
Bên cạnh yếu tố chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, điều đáng quan tâm chính là việc an toàn sản phẩm. Đa số những người chế biến không được học qua các lớp bổ sung về thực phẩm cũng như không nắm được quy trình chế biến thực phẩm an toàn. Đặc biệt, vì tự làm, tự bán mà lại không được khám sức khỏe định kỳ nên họ có thể đưa nguồn lây bệnh của bản thân vào trong thực phẩm trong quá trình chế biến. Hơn thế, nhiều trường hợp, người bán cũng chỉ là mắt xích trung gian, họ nhập hàng từ các nơi về và nhận tự làm để lấy lòng tin của khách hàng mà không biết sản phẩm có thực sự sạch, an toàn.
Mua online tiết kiệm được thời gian nhưng để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn những địa chỉ bán hàng uy tín, có kiểm nghiệm rõ ràng. Nên là người tiêu dùng thông thái để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và cả gia đình!
Hoài Tiến