• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Truy điệu, an táng 26 liệt sĩ hy sinh tại Lào và Campuchia    Quốc hội thảo luận Tổ về các dự án luật    Trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân nước bạn Lào và Campuchia    Hội thảo khoa học Các nghiên cứu mới về sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng    [INFOGRAPHIC] Các bước lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên VNeID   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Thơm thảo măng le

30/06/2024 13:02

Bạn từ huyện về trong cơn mưa mịt mù. Dừng xe trước cổng, bạn gọi váng lên. Tôi vừa ra thì bạn đưa cho một cái túi bê bết bùn đất: Gì vậy? Tôi hỏi. “Măng le đầu mùa đấy. Ăn lấy thảo. Hàng hiếm đấy nhé”- bạn cười, hàm răng lấp lóa, rồi lại vội vã quay xe vọt đi.

Măng le đầu mùa? Tôi ngỡ ngàng trong giây lát. Và chợt nhớ ra, đã lâu lắm rồi mới cầm trên tay những ngọn măng le tươi roi rói thế này.

Trong rừng có bao nhiêu giống tre thì có bấy nhiêu loại măng, nhưng nhiều nhất, ngon nhất vẫn măng le bởi đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng, cũng không chát, chỉ luộc một nước là ăn được, lại rất lành, dễ chế biến, xào, luộc hay nấu canh suông đều được.

Thông thường, mùa măng le thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Nhưng cũng xin nói luôn rằng, để tới cuối mùa mới đi kiếm măng hẳn là đã muộn, nên người ta chỉ đi lấy măng le trong vài tháng đầu mùa. Nếu lấy muộn hơn, những mụt măng sẽ cao vút lên thành cây.

Mùa khô, những bụi le trông te tua, xơ xác. Nhưng khi những cơn mưa đầu mùa về tắm mát núi rừng, chúng lại xanh um, như khoác lên mình tấm áo mới. Ủ sâu dưới đất, những mầm măng mập mạp bắt đầu cựa mình.

Ngày càng vắng bóng những gùi măng le tươi bán trên đường. Ảnh: Sông Côn

 

Qua mấy cơn mưa, chúng trỗi dậy từ lòng đất. Bắt đầu là những mầm măng nhọn như mũi chông, cũng nâu đen, xỉn màu như đất, không quen khó mà nhận ra. Chỉ vài ba hôm, những “mũi chông” ấy đã thành “cây chông”.

Chưa tới 10 ngày, “cây chông” đã hùng dũng vươn lên, bắt đầu rũ bỏ các mo nang phần gốc, nên hình hài của cây le. Nên người già thường dặn con cháu, hái măng là phải hái ngay khi mới nhú lên chừng nửa gang tay.

Để chậm ít ngày, măng đã già đi, thân cứng lại, bộng ra, lúc này có lấy cũng không còn ngon, phần sử dụng được thì ít, bỏ đi thì nhiều. Nhưng cũng không nên đào măng quá sớm. Cắt sớm, thân măng đặc, mềm, ngon nhưng mụt (mầm) còn nhỏ, lượng măng ít, lãng phí lắm.

Khi hái măng, không bao giờ người ta đào hết tất cả các mụt măng trong một bụi, mà ít nhất cũng để lại vài ba mụt "giữ bụi". Vì vậy mà cây le vẫn quấn quýt, đùm bọc nhau sống mãi với thời gian, dù ở rừng già thâm u hay khoảnh đất ven đường.

Để đào được măng le, người hái măng phải vào núi từ sáng sớm. Ảnh: HL

 

Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, trên phố đã thấy thấp thoáng bóng các mẹ, các chị, các em từ những làng vùng ven gùi măng le ra phố. Những gùi măng tươi tắn, non mỡ màng sáng cả vệ đường luôn có sức hút mãnh liệt, khiến bao người đi qua phải dùng dằng, dừng xe lại hỏi mua.

Ngày trước, dọc theo Quốc lộ 24, đi Kon Rẫy, Kon Plông, là những ngọn đồi lúp xúp ken dày le. Và từ giữa những bụi le rậm rạp ấy, thế nào cũng có những ngọn măng thẳng tắp mới nhô lên, chóp nhọn còn dính đất.

Để ý một chút, sẽ thấy bóng người đang ngó ngiêng, vai đeo gùi, trên tay cầm dao (loại dao cán bọc đồng, lưỡi dài, mũi nhọn), hoặc cuốc (loại cuốc ngắn, lưỡi nhỏ cỡ 3 ngón tay, sắc lẻm).

Từng có thời gian, theo lời “bày vẽ” của anh em cán bộ xã, tôi và đồng nghiệp cũng “thủ” sẵn một con dao như vậy để… đào măng.

Mỗi lần đi công tác thường để ý hai bên đường, gặp bụi le nào tươi tốt là dừng lại tìm kiếm, kiểu gì cũng sẽ thấy những mầm măng nhú lên. Khi ấy chỉ cần cắm lưỡi dao xuống gốc, lách nhẹ một cái là được một mụt măng bỏ vào bao đem về.

Nếu dọc đường gặp bà con bán cá suối nữa thì không còn gì bằng. Hôm ấy có một nồi măng nấu cá suối ngon tuyệt.

Nhưng phần nhiều là được anh em ở xã hay các thầy cô giáo ở các trường vùng sâu biếu cho mấy túi về “ăn lấy thảo”. Với tôi, những mụt măng mập mạp, còn nguyên lớp bẹ lông lá xù xì, lấm lem bùn đất ấy mang theo biết bao nghĩa tình.

Đem về nhà, lột bỏ đi lớp vỏ khô cứng, đầy lông ở bên ngoài là đã có một rổ nõn măng như những ngón tay thon dài nhuốm màu xanh cốm. Chỉ cần luộc chín kỹ, chấm với nước mắm thôi cũng đủ khiến người ta hít hà khi thưởng thức những miếng măng giòn, ngọt nơi đầu lưỡi.

Sang hơn thì nộm măng với tôm khô, thịt ba chỉ hay ninh măng cùng xương heo, nấu với cá suối. Lúc ấy tô măng le mang theo vị ngọt núi rừng dễ dàng làm vừa lòng bất cứ người khách khó tính nào.

Nếu bữa nào xuống cơ sở, ở lại một làng nào đó, được dân làng đãi món măng nấu cá suối thì không còn gì tuyệt vời hơn.

Măng le bóc vỏ, rửa sạch rồi thái mỏng. Cá suối rửa sạch, những con to mổ bỏ ruột rồi cứ để nguyên con. Cho măng vào nồi nấu trước, khi măng chín, chắt bỏ đi nước đầu, sau đó cho nước mới, nấu sôi thì cho cá vào rồi nêm mắm muối, gia vị.

Tiếp tục đun trên bếp khoảng 10 phút cho cá chín và vị ngọt của cá thấm đều vào măng. Để làm tăng thêm hương vị và khử mùi tanh của cá suối, bà con thường cho thêm một ít lá é.

Khỏi phải nói cũng biết, đó luôn là bữa cơm nhớ đời. Vị ngọt tươi thơm ngon của cá suối cùng với vị giòn sần sật của măng le khiến những ai đã từng một lần thưởng thức khó có thể quên.

Bây giờ, lấy măng không hề dễ dàng. Người đi đào măng phải khăn gói vào núi từ sáng sớm, hì hụi đào, bới mới lấy được măng. Không buổi lấy măng nào tránh được gai cào rách da, thậm chí còn bị rắn cắn, ong đốt.

Hơn nữa, ngày nay măng khô thành mặt hàng hút khách, nên đa phần bà con lấy măng về nhập cho cơ sở chế biến măng khô với giá ổn định. Điều này cũng lý giải vì sao mùa măng đã đến mà vẫn không thấy những gùi măng tươi tắn, non mỡ màng bán bên vệ đường như trước đây, khiến cho bao người nhớ, bao người nhắc.

Có người còn dạo mấy vòng quanh các con phố và nơi họp chợ để tìm mua măng le nhưng không được. Và mỗi lần như thế lại phải thở dài: Sao măng le càng ngày càng hiếm vậy trời?

Bởi vậy, càng thơm thảo biết bao túi măng tươi lấm lem bùn đất mà bạn đội mưa đem về.

HẢI LÊ

   

Các tin khác

  • Đứa trẻ bị bỏ rơi
  • Viết trong Ngày của Mẹ
  • “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ”
  • Khắc ghi chuyện kể của bà
  • Mùa rẫy tới
  • Một ly cà phê đen
  • Màu thời gian
  • Mưa trái mùa
  • Cơn mưa ngang qua
  • Sương sâm ngày nóng
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Thông cáo báo chí số 12, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
  • Gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Tiểu đoàn 304
  • Hội thao Báo chí khu vực Tây Nguyên mở rộng năm 2025 diễn ra thành công tốt đẹp
  • Hội nghị triển khai các nhiệm vụ liên quan Đề án sáp nhập tỉnh trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo
  • Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
  • Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng
  • Thầy giáo đa tài
  • An toàn là bạn

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt

Đất & Người Kon Tum

  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Thời gian qua, dù xã hội có nhiều thay đổi, nhưng cộng đồng người Xơ Đăng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Không cầu kỳ, không phô trương, kỹ nghệ này vẫn được người Xơ Đăng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn qua các thế hệ.
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by