Thơm ngon ổi sẻ
Hôm rồi về quê, ông cậu khoe mới “săn” được một cây ổi sẻ trồng trong chậu cảnh với giá mấy chục triệu đồng đẹp lắm. Nhìn vẻ vui mừng của cậu mà tôi giật bắn cả người.
Ông cậu đưa tôi ra vườn chỉ cây ổi sẻ làm cảnh mới mua nằm trong chiếc chậu to phải đến năm, bảy người kiêng mới xuể, trông cũng đẹp mắt. Tôi xăm xoi từng chiếc lá ổi, rồi đặt mũi mình kề vào mấy chiếc lá để ngửi, đúng là mùi lá ổi quen thuộc.
Thật sự là chưa bao giờ tôi nghĩ đến một ngày, cây ổi sẻ mọc khiêm nhường nơi góc vườn, tường rào mỗi nhà, gần gũi và quen thuộc với bao đứa trẻ thôn quê, lại có lúc khan hiếm, được săn lùng, thu mua với giá cao. Càng không thể hình dung được cái ngày nó “chễm chệ” trên chậu cảnh, đặt trong sân, được chăm bón, nâng niu mỗi ngày.
Ông cậu nói để “săn” được cây ổi sẻ này cũng khá mất công, và nó có giá mấy chục triệu đồng.
Sao mà đắt vậy cậu? Sao cậu không về trên quê tìm bờ rào ai đó, xin đào một cây về trồng? Tôi hỏi.
Cậu cười: Bây giờ ở trên quê ổi sẻ cũng hiếm lắm con. Thấy cây ổi sẻ mang nét đẹp dân dã, mộc mạc, quả có mùi thơm đặc trưng, lại nhớ về một thời gian khó nên cậu mua về trồng.
|
Thú thật, mỗi khi về quê, tôi cũng chẳng có nhiều thời gian để ý lắm đến cây ổi sẻ. Nghe cậu nói, tôi ngẫm lại thấy đúng thiệt. Hình như đã lâu lắm rồi tôi cũng không nhìn thấy cây ổi sẻ và thưởng thức vị thơm ngon của loại trái gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của mình.
Khác với những giống ổi mới bây giờ như nữ hoàng, xá lị, ổi lê, ổi đào, ổi không hạt, ổi sẻ có lá nhỏ, trái cũng nhỏ chút xíu, như tên gọi của nó. Điều làm nên sự khác biệt của nó, tôi nghĩ, là sự “quê kiểng” và sum xuê trái khi vào mùa.
Khi còn nhỏ tôi thích ngắm nhìn những cây ổi sẻ chi chít trái, trái nào trái nấy nho nhỏ, xinh xinh rất đẹp mắt. Trái già ăn có vị chan chát, nhưng chín thì ngọt ngay, thơm lừng cả góc vườn.
Ở quê tôi ngày trước, gần như vườn nhà nào cũng có cây ổi sẻ. Có nhà không trồng cũng có, và chẳng ai mất công đi tìm hiểu xem nó từ đâu tới; rồi có nhà có tới vài ba cây. Nhà tôi cũng có một cây ổi sẻ mọc trong góc vườn, cạnh mấy luống rau thơm của má, mùa nào cũng sum xuê trái.
Không chỉ trong vườn, ổi sẻ còn mọc khắp nơi ở ven đường, mé ruộng, bờ ao, trên đồi. Chẳng cần bón phân, tưới nước gì, trên đất khô cằn, ổi sẻ vẫn vươn cành, lá xanh mướt, cho trái sum xuê quanh năm, hết lứa này lại trổ bông, kết trái lứa khác.
Hồi đó, cây trái vườn nhà chỉ có mít, xoài, ổi là quen thuộc. Nhưng mùa mít, mùa xoài lâu đến hơn, nên bọn con nít chúng tôi “quý” cây ổi sẻ hơn cả, vì chúng cho trái liên tục. Từ khi trái ổi hơi bóng vỏ một chút cho đến khi chín, trên thân chi chít những vết bấm móng tay của trẻ nhỏ để xem thử quả ổi sắp chín chưa.
Mùa ổi sẻ chín, trưa nào cũng vậy, cứ đi học về, chỉ kịp quăng cặp sách ra giường là chúng tôi nhảy tót lên cây ổi hái trái, giã muối ớt chấm ăn.
Trái ổi sẻ lúc già có màu xanh đậm, cắn vào miệng cảm nhận có vị chát. Trái chuẩn bị chín, da sẽ chuyển sang màu xanh nhạt hơn, vỏ trông mỏng hơn, và hơi bóng, cắn vào miệng cảm nhận có vị chua chua, ngọt ngọt. Trái chín hẳn, da chuyển sang màu vàng, cắn vào miệng lớp vỏ không còn chát nữa mà bùi bùi, ruột chuyển từ trắng sang hồng, ngọt thanh, thơm lừng.
|
Chúng tôi thường hay hái những trái ổi chín thơm lừng đem biếu ông bà, vì mềm, dễ ăn. Còn chúng tôi ăn những quả ổi bắt đầu ươm ươm chín, vỏ giòn, vừa chát, vừa chua, vừa ngọt.
Mà chẳng phải con nít không đâu, người lớn đi làm đồng, khi nghỉ giữa buổi, thấy cây ổi mọc ở mé ruộng hay bờ ao cho quả cũng tiện tay vặt vài trái nhai cho đỡ đói, đỡ khát.
Ngoài ăn quả, lá ổi sẻ còn được các bà, các mẹ, các chị dùng chế biến các món ăn, đặc biệt lá ổi sẻ dùng để gói nem chua, trở thành đặc sản nổi tiếng ở quê tôi; hay dùng làm các bài thuốc dân gian chữa một số bệnh thường gặp như ghẻ lở, rôm xảy, đau bụng.
Tôi nhớ hồi nhỏ, mỗi lần bị đau bụng là bà tôi lại ra vườn ngắt mấy đọt ổi vào rửa sạch cho vào miệng nhai kèm với mấy hạt muối. Khi nhai chỉ thấy chan chát và mặn mà hay thật, phút chốc đã giảm đau, rồi hết. Bọn trẻ chúng tôi thấy thế cũng học theo cách của bà mỗi khi đau bụng.
Sau này mới biết, trong đông y, lá ổi được xem là một vị thuốc có tính ấm, vị đắng nên rất tốt để giải độc, tiêu thũng và cầm máu. Đặc biệt trong lá ổi non có chứa khoảng 3% nhựa và 7-10% là tannin (chất kháng khuẩn rất tốt), thường dùng để cầm máu, chế thuốc viêm ruột, tiêu chảy.
Ấy vậy mà, cho đến một ngày, cây ổi trong góc vườn quê gần như biến mất. Ở vườn nhà tôi cũng không còn. Ba tôi kể, từ thời chị em tôi vào đại học, cây ổi cao ngồng, bị bật gốc trong một cơn bão. Rồi chẳng hiểu sao, ổi sẻ cũng không còn tự mọc ở các góc vườn như trước đây nữa. Điều này không riêng đối với vườn nhà tôi, mà ở cả vùng quê tôi cũng vậy, dù mảnh vườn nhà nào cũng trồng nhiều loại cây ăn quả. Những hàng rào mọc đầy ổi sẻ ngày trước giờ cũng đã thay bằng những hàng rào xây khang trang.
Ba tôi kể, mới thấy nhà ông Hai ở tận xóm trên còn giống ổi sẻ nên đã “đặt hàng” xin cây giống về trồng lại trong góc vườn. Chịu khó chăm bón, ít năm nữa là sẽ có trái thôi.
Nghe ba nói, tôi lại như thấy mình khi còn nhỏ, buổi trưa đi học về, quăng cặp sách ra giường, rồi leo tót lên cây ổi sẻ.
Sông Côn