Thiêng liêng hai tiếng “mẹ ơi”
Đã bao lần con cất tiếng gọi “mẹ ơi”? Làm sao mà con đong, làm sao mà con đếm được. Chẳng phải, những tất bật rồi cũng chảy qua ngày. Những nụ cười giòn tan và cả cái cau mày khó chịu của ai đó rồi cũng đi qua. Chỉ trong những góc rất lặng, mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi buồn, mỗi vui, hai tiếng “mẹ ơi” vẫn luôn khắc dấu trong tim, vẫn luôn thiêng liêng đến nao lòng.
“Mẹ ơi”! Âm thanh nghe như tiếng gió thoảng được thốt lên một cách tự nhiên như con tim con mỗi giây, mỗi phút đều đều đập nhịp. Là chỉ nói thầm với chính mình, là lời gọi mẹ yêu thương. Hai tiếng yêu thương đó được cất lên tự nhiên không phải cố gắng, yêu thương một cách tự nguyện khi con biết ở nơi xa có người luôn ngóng, luôn đợi, luôn chất chứa bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ về con.
Mỗi lần thầm cất tiếng gọi “mẹ ơi”, con lại thấy thấp thoáng đâu đó dáng ngồi của mẹ và cả đôi mắt dẫu đã trầm đục nhưng vẫn chất chứa bao lo âu vì có trăm công ngàn việc của các con vẫn cần phải lo. Lo cho con khi cơm chẳng được lành, canh chẳng được ngọt, lo cho con những khi ốm, khi đau, lo cho con khi bước trên đường đời gập ghềnh, trắc trở.
Mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi thấy mệt mỏi, mỗi khi thấy ức chế, mỗi khi thấy hạnh phúc, con đều thốt lên hai tiếng “mẹ ơi” một cách thiêng liêng. Thiêng liêng sợi dây tình mẫu tử. Thiêng liêng khi chất chứa bao yêu thương, tiếp sức cho con vượt qua muôn vàn gập ghềnh gian khó đường đời.
|
Thiêng liêng đến mức mà ngày còn nhỏ, con ngỡ hai tiếng “mẹ ơi” giống như một câu thần chú. Chỉ cần không gài được chiếc cúc áo, tìm không ra chiếc dép, bóc không được cái bánh là con cất tiếng “mẹ ơi” một cách nũng nịu. Cả buổi ở trường, chiều về nhà lại gọi “mẹ ơi” trong ngập tràn mong nhớ. Con được điểm 10, được thầy cô khen, gọi khoe “mẹ ơi”, con vấp ngã, con ốm đau, lại “mẹ ơi”, con đói, con khát, cũng “mẹ ơi” như một điểm tựa. Con ngỡ rằng, mẹ có khả năng siêu nhiên, có thể làm mọi việc trên đời, có thể giang tay giải quyết mọi vui, mọi buồn.
Con vẫn nhớ những buổi chiều hè, trời mỗi lúc mỗi sẫm màu, bóng tối dần tràn về, con mải chơi từ ngoài cánh đồng xa vội chạy về cất tiếng gọi “mẹ ơi”. Dẫu đang tất bật đủ việc, nào là cho đàn heo đang gầm gào réo đòi ăn, nào là chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà, nghe tiếng gọi, mẹ thể nào cũng ngoái đầu nhắc nhở, tắm rửa đi mà ăn cơm tối nghe con.
Nhớ những lần con ở phương xa về, từ ngoài ngõ đã rổn rảng cất tiếng “mẹ ơi”. Mẹ đang lúi húi từ trong bếp bước ra, gương mặt hằn bao nếp nhăn như phôi pha theo nụ cười rạng rỡ. Thời khắc đó con cảm giác như đứng yên cho dù cuộc đời ngoài kia có dịch chuyển, có xoay vần. Hình ảnh đó con khắc ghi, con hạnh phúc. Hạnh phúc khi được trở về, hạnh phúc khi được đón chờ, hạnh phúc khi tìm về với điểm tựa. Điểm tựa là mẹ như cây cổ thụ ngay đầu làng, vững vàng qua bão táp phong ba, dẫu già đi theo tháng năm nhưng vẫn luôn đứng yên ở chỗ ấy, vẫn luôn tỏa bóng mát chở che cho con trên mọi dặm đường.
Giờ đây, cũng đã là mẹ của hai con, tóc đã pha sương, con vẫn thầm gọi “mẹ ơi” như một phép nhiệm màu, như một điều khiến con trì níu. Tiếng gọi ấy có dấu ấn của những tháng năm yêu thương, tháng năm lo toan, tháng năm lam lũ. Tiếng gọi ấy có dấu ấn thanh âm của hạnh phúc chín muồi, của niềm yêu, của niềm thương trọn suốt một đời con mãi khắc ghi.
Biền biệt phương xa, trong miên man suy tưởng của con có một bà mẹ đã về chiều với mái tóc bạc trắng ngồi bên bậc thềm nhìn ra ngóng đợi con về. Đôi mắt đã đục màu theo năm tháng phôi pha của mẹ thay một nụ cười, giang rộng vòng tay chở che con suốt quãng đường. Đôi mắt ấy, ánh mắt ấy là niềm yêu, niềm thương như mạch nguồn ngày đêm thao thiết chảy.
Con chợt nhận ra, phải đi qua bao buồn, bao vui, phải đi qua bao nhớ quên sau trước của nửa đời người, mới càng thấm hiểu sâu sắc tình yêu của mẹ, mới càng thấm hiểu thanh âm ngọt ngào, thiêng liêng của hai tiếng “mẹ ơi”. “Mẹ ơi” mỗi khi con cần sự chở che, an ủi. “Mẹ ơi” khi con cần được yêu thương. “Mẹ ơi” vì con biết rằng “đi suốt cuộc đời lòng mẹ ở bên con”.
“Mẹ ơi”, âm thanh cất lên tự đáy lòng như lời yêu thương nhắc nhớ. Con biết, chẳng còn niềm hạnh phúc nào hơn khi mỗi sớm mai thức dậy, biết mẹ cha vẫn lụi cụi vào ra, vẫn đau đáu niềm chung về đứa con từng lớn lên trong căn nhà nhỏ. Còn niềm vui nào hơn khi háo hức đón ngày mới bình yên bằng nỗi nhớ, niềm thương và ê a những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối trong bản hòa âm của tháng ngày bắt đầu bằng âm thanh tha thiết “mẹ ơi”.
NGUYÊN PHÚC