Theo những cánh ong bay
Gã gà gật giấc trưa trong cái lều bạt của “lãng tử chăn ong”. Còn trên những tầng lá cao su xanh non đang dập dìu những cánh ong.
Vậy là đã 2 ngày qua, thay vì lang thang trên đường, gã theo chân cậu thanh niên nuôi ong, mà gã gọi là “lãng tử” ấy.
Nhưng bù lại, sống giữa mênh mông trời đất, gã thấy tâm hồn trở nên thanh thản, mọi suy nghĩ đơn giản, thẳng băng, bớt vẩn vơ nghĩ về những thứ phiền não.
Ban đầu, gã chỉ lang thang như một thói quen. Cho đến khi bắt gặp những cánh ong vấn vít trên tầng hoa cà phê ven đường, như có một sức hút kỳ lạ từ những đôi cánh mỏng đem theo nắng gió tháng Ba về, khiến gã phải mải miết đi theo.
Gã mải miết đi theo những cánh ong vo ve trên đầu. Rẽ vào con đường mòn, trước mắt gã là hàng trăm thùng ong xếp ngay hàng thẳng lối; những cánh ong dày đặc quần trên tầng lá cao su chằng chịt. Một bóng người đang lúi húi bên những thùng ong.
|
Xin chào- gã đánh tiếng trước khi bước vào. Gã hiểu rằng, nghề gì cũng có những quy tắc của nó. Người nuôi ong không muốn khách lạ vào khu vực cắm lều, đặt thùng.
Bóng người ngẩng lên, nở nụ cười loang loáng nắng. Cứ nghĩ sẽ gặp một “tay chăn ong” trung niên khó gần và hay cáu gắt, ai dè trước mặt gã là một cậu trai trẻ. Trên khuôn mặt dù đã in dấu phong trần vẫn còn phảng phất vẻ non nớt vốn có của độ tuổi.
Sau cái bắt tay thân thiện, gã và cậu trai thành bạn. Và gã đặt cho cậu ta nickname là “lãng tử”. Cậu ta cũng khoái vì “em cứ lang thang khắp nơi theo cánh ong, ăn lùm ngủ bụi, không lãng tử là gì”.
Mấy tháng nay, 200 thùng ong của “lãng tử” tạm cư giữa vườn cao su này. Mấy tháng trước, cậu ta đưa đàn ong đi “đánh” mật hoa tràm, hoa keo ở Quảng Ngãi, bây giờ vào mùa cà phê bung hoa, cao su ra lá non thì quay về.
Căn lều được dựng tạm dưới lùm cây để tránh cái nắng hừng hực tháng Ba. Bên trong có đủ giường chiếu, mùng mền, bếp gas, gạo, dầu ăn, mắm muối các loại; đồ bảo hộ lao động, máy quay mật, vật dụng để chứa mật.
Nuôi ong là nghề khó, vất vả và cô đơn. Người theo đuổi công việc này không nhiều, mà hầu hết là trung niên. Sao còn trẻ như em lại chọn nghề này. Phải chăng là có cơ duyên nào đó? Gã ướm hỏi khi đã thân quen.
Em ấy à- “lãng tử” cười- Em đến với nghề nuôi ong đơn giản lắm, ban đầu là vì kế sinh nhai, sau này thấy hợp, thấy muốn gắn bó. Vậy thôi ạ.
17 tuổi, “lãng tử” đã rời nhà vào Bình Phước học nghề và đi cạo mủ cao su thuê. Hàng ngày lao động cực nhọc trên những cánh rừng cao su, cậu thấy người ta đem những thùng ong mật đến đặt ở đấy nên lân la dò hỏi. Khi biết nuôi ong cho thu nhập cao, cậu xin được đi theo làm thuê.
Sau vài năm, tích lũy cho mình được ít kinh nghiệm và vốn, cậu xin mua lại 20 thùng ong của chủ. Cậu đã tìm hiểu kỹ, ở quê nhà có diện tích cà phê và cao su lớn, chưa kể các mùa hoa khác, rất thuận lợi phát triển nghề nuôi ong.
Vậy là bén duyên. Đến nay đã được 7 năm. Suốt từng ấy năm em "du cư" bao nơi theo những cánh ong. Vì vậy nói làm nghề nuôi ong là phải có thể trạng sức khoẻ tốt, có nghị lực phi thường để sống cuộc sống khác biệt cũng không sai- “lãng tử” triết lý.
|
Suốt 2 ngày, gã được “lãng tử chăn ong” kể cho nghe những câu chuyện lạ kỳ mà hấp dẫn về loài ong. Tập tính sinh hoạt của chúng như thế nào? Khi nào thì tiếng ong vo ve? Con ong trinh sát bay bao nhiêu cây số để đi kiếm nguồn mật? Với mỗi loại hoa thì ong sẽ đi lấy mật vào lúc nào?
Hay như mật cao su không chỉ hoàn toàn lấy từ hoa, mà còn từ… lá. Ít ai biết những lá cao su úa vàng cũng tiết ra một lượng mật khá lớn, làm đàn ong mê mệt.
Người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong. Trong từng việc đều phải nhẹ nhàng, khéo léo như chăm bẵm trẻ nhỏ, bởi ong mật thường bị nhiều loại bệnh, nhất là giai đoạn ấu trùng.
Bên cạnh đó, người chăn ong luôn phải có sự hiểu biết nhất định về khu vực định cho ong đánh mật, bởi vào mùa hoa cũng là thời điểm dễ phát sinh sâu bệnh, chủ vườn có thể phun thuốc bảo vệ thực vật, "dính" vào là có thể mất đàn như chơi.
Và nhất là nghề nuôi ong mật luôn gắn liền với những chuyến du cư miệt mài theo cánh ong và theo mùa hoa. Vì đàn ong luôn phải có nguồn thức ăn mới, nếu không, chúng sẽ nhanh chóng ăn hết lượng mật đã lấy về tổ và bỏ đi.
Khi Tây Nguyên vào mùa mưa, người chăn ong sẽ di đàn xuống các tỉnh Miền Trung, như Bình Định, Quảng Ngãi "đánh" mật keo, tràm, điều; sau đó ra Bắc "đánh" mật vải, nhãn.
Và bây giờ đến mùa “đánh” mật cà phê, cao su. Những cánh ong lại dập dìu trên những cánh rừng cao su, cà phê, đem theo tháng Ba về.
THÀNH HƯNG