Thao thức mùa lũ
Thay vì những đêm thức khuya học bài, tôi thao thức cùng với bố mẹ trong đêm, để quan sát dòng nước lũ lên xuống. Có thức đêm như thế, mới biết đêm dài thế nào, mới cảm thấu được bao nỗi nhọc nhằn của người dân quê tôi. Cày sâu cuốc bẫm, quần quật cả năm nhưng chỉ cần một trận bão hay một trận lụt xuất hiện là mất trắng mọi thứ sau một đêm.
Theo quy luật tự nhiên mỗi năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng quê tôi lại có thêm một mùa nữa, đó là mùa mưa lũ. Cứ mỗi năm đều đặn, mùa lũ như một vị khách không mời mà đến.
Mùa lũ trong suy nghĩ của thế giới người lớn và trẻ con khác lắm. Mưa rả rích bên thềm cửa, tụi nhỏ cười khúc khích, sung sướng vì sắp được nghỉ học. Nước bắt đầu kéo vào sân trường. Hàng cây trụi lá như đang run rẩy trước cái lạnh se sắt. Trống trường uể oải nằm trên giá. Mưa lụt là thời gian đám trẻ được nghỉ học, được dầm mình trong vũng nước, kéo nhau cắt bẹ chuối làm thuyền trôi. Tiếng cười đùa vang cả khu xóm nhỏ. Với chúng, mưa bão không phải là hiện tượng tự nhiên, là thiên tai, mà đó là trận đánh giữa hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh trong bài học sách giáo khoa chúng được cô giáo dạy hôm nao. Và dù mưa bão có dầm dề bao nhiêu ngày đi chăng nữa, chúng biết rằng cuối cùng mưa cũng sẽ tạnh, mọi thứ sẽ trở lại như cuộc sống thường nhật. Vì Sơn Tinh luôn chiến thắng Thủy Tinh.
|
Ngẫm lại tuổi thơ của mình, có đôi lúc tôi phải cảm ơn những trang truyện cổ tích thấm đượm tính nhân văn và tinh thần lạc quan. Tình yêu cuộc sống, niềm hi vọng được hình thành qua những trang truyện ấy.
Đối lập với thế giới hồn nhiên của trẻ thơ, thế giới của người lớn bao giờ cũng bề bộn những nỗi lo toan. Ao cá cha vừa thả nuôi hôm trước, mưa ngập bờ ao, lũ đến cuốn phăng cá đi. Vườn rau xanh mướt chờ phiên chợ của mẹ cũng tơi tả. Nỗi buồn như dâng lên trên khóe mắt của cha mẹ, vết chân chim như dài ra. Và bữa cơm ngày mưa bão cũng khác so với ngày thường, chén mắm kho quẹt cùng vài ba con mắm khô quắt queo nằm giữa mâm. Bầy con quây quần dưới ánh đèn dầu đang cháy.
Phải chăng mảnh đất khắc nghiệt của miền Trung đã tôi luyện nên bản chất kiên cường của người dân quê tôi. Trong lúc chúng tôi nằm ngủ co ro trong cái lạnh ngày mùa, cha mẹ tôi cùng bao người trong xóm thao thức vì mất ngủ. Bầy heo con kêu eng éc trong đêm, hay bầy gà con chiêm chíp lạc mẹ. Nước lũ lên nhanh trong đêm. Mọi người bất lực nhìn rau màu dập nát, và tài sản trôi theo dòng nước. Nhưng chỉ cần thấy chúng tôi an toàn, thì nỗi lo của cha mẹ như vơi đi một nửa. Vì con cái là tài sản vô giá. Sau mùa lũ, sau những đợt thiên tai bất ngờ kéo đến, người dân quê tôi bắt đầu xây dựng lại mọi thứ.
Thay vì những đêm thức khuya học bài, tôi thao thức cùng với bố mẹ trong đêm, để quan sát dòng nước lũ lên xuống. Có thức đêm như thế, mới biết đêm dài thế nào, mới cảm thấu được bao nỗi nhọc nhằn của người dân quê tôi. Cày sâu cuốc bẫm, quần quật cả năm nhưng chỉ cần một trận bão hay một trận lụt xuất hiện là mất trắng mọi thứ sau một đêm.
Tôi từng xúc động khi thấy từng giọt nước mắt của người nông dân rơi. Bao nhiêu tiền của, công sức đổ vào từng hồ cá, hồ tôm nhưng chỉ cần sau một đêm lũ, họ lại trắng tay. Và những giọt nước mắt ấy trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Để sau này mỗi khi đi công tác xa nhà, xem tin tức về mưa lũ là tôi lại giật mình, lo sợ. Tôi biết rằng, sẽ có những đêm cha mẹ thao thức vì mùa lũ, sẽ có những giọt nước mắt cay xè của những diêm dân quê tôi. Và cũng có vài đứa trẻ bỏ học sau trận lũ.
Và điều khiến tôi không thể quên được sau mỗi mùa lũ quê, ngoài những sự mất mát, là những tình cảm cao đẹp, thấm đẫm tình người của người dân quê. Họ yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau từng bát gạo, gói mì…
Sau trận lũ tôi lại về quê. Ánh mặt trời chói chang tỏa nắng xuống cánh đồng. Và tôi biết rằng, những chồi cây xanh mơn mởn sẽ lại phủ đầy một màu xanh lên vùng đất sau lũ, một màu xanh đầy sức sống của cuộc sống bình yên. Và những ánh mắt sâu hoắm vì mất ngủ sẽ không còn nữa.
Thanh Trâm