Thành phố Kon Tum: Dân phàn nàn vì… đợi giống lúa hỗ trợ
Việc gieo sạ lúa vụ mùa phải triển khai từ tháng 5, nhưng đến giữa tháng 7 khi việc xuống giống đã hoàn tất, Phòng Dân tộc thành phố Kon Tum mới cấp giống lúa hỗ trợ cho các hộ khó khăn thuộc diện được thụ hưởng. Sự chậm trễ này khiến các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất.
Dựa vào thời tiết tại địa phương, Phòng Kinh tế thành phố có văn bản hướng dẫn bà con tại các thôn, làng bố trí gieo trồng lúa mùa vụ chính từ 20/5 đến 5/6; cấy từ ngày 5/6 đến 20/6 để phù hợp với thời kỳ cây lúa trổ bông vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Thế nhưng, đến giữa tháng 7/2017, khi việc gieo sạ đã hoàn tất, 349 hộ nghèo trên địa bàn thành phố mới được nhận giống lúa hỗ trợ từ Phòng Dân tộc theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Việc cấp giống chậm trễ khiến các hộ dân rơi vào thế bị động, nhiều hộ phải cuống quýt mượn giống gieo trồng cho kịp thời mùa vụ.
|
Thành phố Kon Tum có 5 xã: Kroong, Ngọc Bay, Chư Hreng, Đăk Blà, Đăk Rơ Wa được thụ hưởng theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Theo đó, các hộ nghèo trong 5 xã sẽ được hỗ trợ giống: bời lời, bắp, lúa, gà… để phát triển sản xuất.
Thực hiện theo quy định, Phòng Dân tộc thành phố Kon Tum tiến hành cấp giống cho các hộ dân. Tuy nhiên, điều đáng nói, đến giữa tháng 7 khi việc sạ giống đã hoàn tất, Phòng Dân tộc thành phố mới cấp 7.671,351kg lúa HT1 cho 349 hộ dân. Việc cấp giống chậm trễ khiến nhiều hộ phải vay tiền mua lúa giống gieo sạ cho kịp mùa vụ.
Bao lúa giống được cấp vào tháng 7 vẫn được chị Y Nanh ở thôn Kon Jri Xut, xã Đăk Blà cất giữ cẩn thận trong nhà. Chị bảo, các năm trước nhà chị vẫn chủ động giống lúa để gieo sạ. Năm nay, khi nghe thôn trưởng thông báo được hỗ trợ giống lúa, chị chờ đợi giống về để sản xuất. Thế nhưng đợi mãi đến mùa vụ vẫn chưa thấy cấp nên chị đành phải lấy lúa giống từ vụ năm ngoái để gieo sạ cho kịp. “Mình sạ từ giữa tháng 6 mà giữa tháng 7 mình mới được nhận giống. Giống này không gieo sạ kịp nên mình để đến vụ sau thôi” - chị Y Nanh chia sẻ.
Tại xã Đăk Blà, 156 hộ được nhận giống lúa hỗ trợ đều trong tình trạng chờ đợi. Anh A Ruy ở thôn Kon Jri Xut nói: Nhà mình được hỗ trợ 17kg lúa giống nhưng lúa về thì muộn thời vụ rồi, để dành vụ sau thôi.
Tương tự xã Đăk Blà, tại xã Đăk Rơ Wa, 41 hộ nghèo đến cận ngày sạ vẫn chưa có giống, nhiều hộ dân cuống quýt đi tìm mua hoặc mượn giống từ hàng xóm cho kịp vụ. Chị Y Thắt thôn Kon Klor chia sẻ: Nhà mình làm 1 sào ruộng thôi. Nghĩ có giống cấp về nên không chuẩn bị giống. Đến cận ngày sạ mà vẫn chưa có giống về, mình phải mượn tiền mua 15kg lúa giống về làm cho kịp.
Trưởng thôn Kon Klor 2, ông A Banh cũng nói: Bà con gieo sạ hơn 1 tháng giống lúa hỗ trợ mới về, đa số phải để giống đến vụ đông xuân, chứ vụ chính là trễ rồi.
Theo quan sát của chúng tôi, bao lúa giống HT1 do Phòng Dân tộc cấp về có thời hạn đến tháng 4/2018. Nếu không gieo sạ vụ này, bà con vẫn có thể sử dụng gieo trong vụ đông xuân vào tháng 11 dương lịch. Tuy nhiên, việc cấp lúa giống cho vụ mùa chính chậm trễ đã làm người dân chờ đợi. Hơn nữa, mỗi mùa vụ thích hợp với 1 giống lúa khác nhau, chỉ khi gieo sạ đúng vụ, đúng giống mới đem lại hiệu quả trong sản xuất.
Trao đổi về nguyên nhân cấp giống lúa chậm, bà Sô Linh Mai - Trưởng phòng Dân tộc thành phố Kon Tum giải thích: Do việc phối hợp với xã, phường rà soát các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg năm 2017 cũng như việc thực hiện quy trình, các bước chào hàng cạnh tranh, gói thầu cung ứng giống cây trồng, vật nuôi năm 2017 kéo dài. Vì vậy, việc cung cấp cho bà con bị chậm trễ.
Từ những bất cập trong quá trình hỗ trợ này, thiết nghĩ, các cấp, các ngành khi triển khai hỗ trợ cần khảo sát nhu cầu, nắm bắt thời vụ, thời điểm một cách thấu đáo; đồng thời, giải quyết các thủ tục cần thiết một cách nhanh chóng, tiến hành giao giống kịp thời cho bà con, giúp việc gieo trồng đúng thời vụ, đem lại hiệu quả trong sản xuất.
Hoài Tiến