Thành phố Kon Tum: UBND xã phân lô, bán đất và kiến nghị của một hộ dân
Bức xúc vì đất của gia đình mình khai hoang, bỗng dưng chính quyền xã đem ra phân lô để bán đấu giá với lý do đất đã được đền bù khi xây dựng công trình thủy điện Ya Ly, ông Nguyễn Thành (thôn 2, xã Kroong, thành phố Kon Tum) làm đơn kiến nghị lên các cấp, các ngành...
Theo đơn thư và lời trình bày của ông Nguyễn Thành, khu đất nằm cạnh Tỉnh lộ 675, đầu làng Kroong Klah vốn thuộc diện tích đất (khoảng 10.000m2) của gia đình ông khai hoang từ năm 1992 và sản xuất ổn định mấy năm sau đó.
Đến năm 1997, khi thực hiện di dân tái định cư lòng hồ thủy điện Ya Ly trên địa bàn xã Kroong, Ban quản lý dự án thủy điện 4 (Ban 4) đã quy hoạch khu dân cư tại đây, tiến hành đo đạc, thống kê đất đai và hoa màu để đền bù trước khi phân lô, xây nhà tái định cư cho một số hộ dân thôn 4. Gia đình ông Nguyễn Phê (bố ruột ông Nguyễn Thành, đã mất năm 2000) có 7.000m2 đất nằm trong khu vực quy hoạch khu dân cư và gia đình ông đã ký nhận tiền đền bù.
|
Sau khi nhận tiền đền bù đối với 7.000m2 này đến nay, gia đình chúng tôi không có thắc mắc gì và mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như gia đình tôi tiếp tục được canh tác trên diện tích đất còn lại. Đằng này, chính quyền xã lại phân lô, bán đấu giá cho 4 hộ gia đình khác vào năm 2002 với giá 7,2 triệu đồng/lô - ông Thành bức xúc cho biết.
Cũng theo ông Thành, khi biết diện tích đất của gia đình mình bị xã đem ra đấu giá, ông đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 3 cấp, cũng như làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng, gia đình ông vẫn không được sản xuất trên diện tích đất đã đổ mồ hôi công sức khai hoang.
Ông Thành bày tỏ: Điều làm cho gia đình tôi bất bình là trong nhiều lần trả lời đơn kiến nghị, chính quyền xã đều khẳng định rằng, diện tích đất trên đã được đền bù, bố tôi (ông Nguyễn Phê - PV) đã ký nhận tiền, nên là đất công, do xã quản lý. Nhưng khi tôi đề nghị cung cấp hồ sơ, giấy tờ đền bù thì không cung cấp được gì. Có gì xuống Ban 4 hỏi nhé - họ trả lời như vậy. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn trả lời rằng, hiện nay xã không có thẩm quyền giải quyết đơn của gia đình tôi, nếu gia đình không đồng ý thì có thể làm đơn gửi cho Ban quản lý dự án thủy điện 4. Rõ ràng đây là kiểu thoái thác trách nhiệm, bởi khi đo đạc, lập hồ sơ đền bù, thu hồi đất đều có chính quyền xã tham gia; rồi khi chia lô, bán đấu giá đất cho người khác là xã làm, sao bây giờ lại đẩy sang cho Ban 4?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, việc chính quyền xã Kroong tiến hành phân lô, bán đấu giá khu đất được ông Nguyễn Thành phản ánh là có thật.
Theo văn bản số 32/CV-UB, ngày 26/12/2005, ông Đặng Công Nữa - Chủ tịch UBND xã Kroong (nay đã nghỉ) xác nhận, có 4 gia đình đã đấu giá trúng và được giao đất gồm Trần Thanh Lân, Trần Thị Kim Liên, Lê Ngọc Đức và Nguyễn Văn Hiển.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, do có tranh chấp nên khu đất này tiếp tục bỏ trống. Đến năm 2016, trong khi vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm thì bỗng dưng UBND xã Kroong tiến hành hoán đổi 4 lô đất của 4 gia đình đã trúng đấu giá sang vị trí khác. Cũng từ đây lại tiếp tục phát sinh vụ tranh chấp, khiếu kiện mới.
Câu hỏi đặt ra là, vào năm 2002, chính quyền xã Kroong có vượt thẩm quyền khi tiến hành đấu giá đất? Và phải chăng có gì khuất tất phía sau việc phân lô, đấu giá khu đất đang tranh chấp của gia đình ông Nguyễn Thành, nên khi liên tiếp có đơn kiến nghị của gia đình ông, chính quyền xã mới phải hoán đổi vị trí khác cho 4 gia đình trúng đấu giá?
Làm việc với phóng viên Báo Kon Tum, ông Nguyễn Thành Đức - Chủ tịch UBND xã Kroong cho hay, đây là vụ việc phát sinh từ lâu, nhưng các nhiệm kỳ trước đều không giải quyết dứt điểm được. Một trong những nguyên nhân là do trước đây, việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ, bản đồ không tốt, bây giờ không còn đủ chứng cứ để chứng minh rõ ràng nguồn gốc đất đai.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn giữ quan điểm: Đây là diện tích đất Ban 4 đã đền bù và bàn giao cho xã quản lý, ngoài thực địa và trên bản đồ thì không còn diện tích đất nào khác chưa được đền bù. Sở dĩ trước đây không bố trí được cho dân làm nhà vì là khi làm Tỉnh lộ 675, đơn vị thi công đã đào đất, tạo nên các hố sâu. Từ năm 2004 đến năm 2016, ông Thành không có kiến nghị gì nữa, đến nay mới có đơn trở lại, UBND xã không thụ lý, giải quyết và trả lại đơn vì đã giải quyết nhiều lần- ông Đức phát biểu.
Về việc phân lô, bán đấu giá khu đất trên vào năm 2002, ông Đức thừa nhận xã không có thẩm quyền đấu giá đất. Tuy nhiên, khi đó xã có nhu cầu mua sắm tài sản, máy móc, trang thiết bị làm việc, trong khi kinh phí khó khăn, nên đã xin chủ trương và được chính quyền thành phố “bật đèn xanh” bán thanh lý một số diện tích đất do xã quản lý để lấy kinh phí mua sắm. Nguồn thu từ đấu giá đất đều được sử dụng vào việc công, đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Ông Đức cũng đồng ý rằng, việc tiến hành hoán đổi vị trí đất trúng đấu giá cho 4 hộ gia đình là “không hay lắm”, có thể tạo nên dư luận xấu về nguồn gốc lô đất. Ông lý giải: Thực tế, cả 4 hộ gia đình trúng đấu giá đều ngại va chạm, không muốn rắc rối vì đất có tranh chấp nên yêu cầu xã đứng ra giải quyết, nên mới có phương án hoán đổi như trên.
Trong thời gian tới, UBND xã sẽ làm việc với Ban 4 và các bên có liên quan để tìm lại toàn bộ hồ sơ đền bù, bản đồ đất đai... làm cơ sở cho việc giải quyết dứt điểm vụ việc. Đúng, sai thế nào chúng tôi sẽ có trả lời cụ thể- ông Đức cho biết.
Về phần mình, ông Nguyễn Thành cho hay, mong muốn của gia đình là được tiếp tục canh tác trên diện tích đất đã đổ mồ hôi, công sức khai hoang từ hơn 20 năm về trước. Muốn như vậy, các cấp chính quyền cần có sự vào cuộc khách quan, công tâm, xem xét thận trọng vụ việc này để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân- ông kiến nghị.
Hồng Lam