Thành phố Kon Tum: Dân khổ vì xưởng mộc hoạt động trái phép, gây ô nhiễm
Không giấy phép xây dựng, nằm ngoài quy hoạch và hàng loạt những cái không khác, nhưng mấy năm qua, Xưởng chế biến và sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Khiêm Khang (tổ 2, phường Duy Tân) vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
“Di tản” tránh... ô nhiễm
Khi chúng tôi có mặt tại khu vực bên ngoài xưởng chế biến và sản xuất đồ gỗ dân dụng, gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH Khiêm Khang (số 355-366, đường Sư Vạn Hạnh, thuộc tổ 2, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) đã là 11h trưa, nhưng tiếng máy cưa gỗ, máy đục, máy bào, máy khoan vẫn rít lên đều đều, xoáy vào tai. Mùi sơn PU tỏa ra nồng nặc khiến chúng tôi muốn ngạt thở.
Khu vực nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông vốn là những khung sắt lợp tôn, xung quanh là bức tường thấp, phía giáp mái được che chắn bằng những tấm tôn cũ kỹ, cửa sắt đóng kín. Dọc bên bờ tường hướng ra đường dân sinh và khu dân cư là dãy ống nhựa lớn, bụi gỗ khi chà nhám, mùn cưa, mùi sơn PU cũng theo những ống nhựa này phát tán ra ngoài.
|
Chúng tôi chủ động tiếp cận một số nhà dân gần xưởng - gia đình anh Lương Viết Cường (số 351, đường Sư Vạn Hạnh) dù đã vào trong nhà, nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi vẫn bị “tra tấn” bởi tiếng máy cưa, máy đục. Anh Cường cho biết, từ khi xưởng đi vào hoạt động, do chủ yếu dùng máy móc, gây ra tiếng ồn và lượng bụi rất lớn.
Do phải chịu đựng tiếng ồn với cường độ mạnh trong thời gian dài nên nhiều người dân bị ảnh hưởng thính giác, mất ngủ. Còn các cháu học sinh bị tiếng ồn làm mất tập trung, ảnh hưởng đến việc học tập…
Bên cạnh đó, lượng bụi, mùn cưa, mùi sơn từ máy phun… bay vào tận ngóc ngách của mỗi hộ dân xung quanh, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Vì lo cho con không chịu được mùi sơn nồng nặc từ sáng sớm đến đêm khuya mà anh Cường đã phải “di tản” 2 đứa con nhỏ xuống quán cà phê 2 vợ chồng đang bán để tránh ô nhiễm.
Anh T - hàng xóm của anh Cường - còn khổ hơn. Vợ anh mới sinh con nhỏ, mấy tháng đầu phải chịu sự tra tấn của tiếng ồn, của bụi gỗ, của mùi sơn, đóng cửa ru rú trong nhà, vài tháng nay, cứ sáng sớm là anh chị lại bồng con... theo vợ chồng anh Cường.
Anh T bức xúc: Nhiều lần họp tổ dân phố, hay dự hội nghị tiếp xúc cử tri của HĐND 3 cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã phản ánh, đôi lần thấy chính quyền xuống kiểm tra, nói sẽ đóng cửa, nhưng như anh thấy đấy, đến tận bây giờ mọi chuyện vẫn vậy.
Một chị phụ nữ thấy vậy cũng kể khổ: Lạ lắm chú ơi, trước khi có đoàn kiểm tra là y như rằng xưởng sẽ nghỉ, khi đoàn kiểm tra đi lại hoạt động bình thường. Ban đầu chúng tôi cố gắng chịu và góp ý trực tiếp với chủ xưởng gỗ để tìm cách hạn chế tiếng ồn, bụi và mùi sơn, tuy nhiên, họ không nghe mà còn có thái độ không hay. Bây giờ chúng tôi đề nghị địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp di dời xưởng này ra khỏi khu dân cư.
Nhiều lần, người dân viết đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn tồn tại như một lẽ tất nhiên. Quan sát, chúng tôi phát hiện một khung sắt lớn phía sau đang được dựng lên, có lẽ là tiếp tục mở rộng nhà xưởng.
Đụng đâu sai đó
Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi phát hiện, xưởng chế biến và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH Khiêm Khang có nhiều sai phạm về mặt pháp lý. Theo một cán bộ thanh tra (đề nghị giấu tên), trong đó có nhiều sai phạm nghiêm trọng, mà chỉ cần một trong số các sai phạm ấy cũng đủ để... đóng cửa.
Cụ thể, về lĩnh vực tài nguyên, Công ty TNHH Khiêm Khang chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện diện tích đất làm nhà xưởng chỉ có giấy sang nhượng viết tay, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, không có sơ đồ vị trí chuyển nhượng, không xác định loại đất chuyển nhượng. Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Công ty TNHH Khiêm Khang không có hồ sơ bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định; không đảm bảo đúng quy định khoảng cách an toàn để bảo vệ môi trường đối với khu dân cư. Chưa kể hàng loạt những vi phạm cụ thể khác được phát hiện qua các đợt kiểm tra thực tế.
Đặc biệt, theo kết quả kiểm tra, rà soát của Phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum năm 2016, Công ty TNHH Khiêm Khang đã có hành vi xây dựng cơ sở sản xuất không có giấy phép. Vị trí xây dựng nhà xưởng nằm ngoài Quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Câu hỏi đặt ra là, những sai phạm của Công ty TNHH Khiêm Khang đã quá rõ ràng, nhưng vì sao doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân mà không bị xử lý? Có hay không sự làm ngơ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, dẫn đến những hành vi vi phạm kéo dài?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum khẳng định, không có chuyện chính quyền và cơ quan chức năng làm ngơ cho doanh nghiệp hoạt động dù có nhiều sai phạm. Bằng chứng là UBND thành phố Kon Tum đã xử phạt Công ty TNHH Khiêm Khang vì không có Bản cam kết bảo vệ môi trường; tháng 11/2016, đã ban hành Quyết định số 3083/QĐ-UBND đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất mộc mỹ nghệ của doanh nghiệp này tại đường Sư Vạn Hạnh do nằm ngoài quy hoạch...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các phòng ban chức năng thành phố Kon Tum đang lúng túng trong việc xử lý. Báo cáo số 106/BC-PKT ngày 4/4/2017, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho rằng, khó có thể xử lý triệt để, dứt điểm các vi phạm của doanh nghiệp bởi vướng mắc trong việc xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các quy định, chế tài xử lý cơ sở ngoài quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản chưa được cụ thể nên khó áp dụng...
Có thể chính sự lúng túng ấy đã “tạo điều kiện” để Công ty TNHH Khiêm Khang tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân trong khu vực.
Đến bao giờ sự lúng túng ấy mới được khắc phục, cơ sở gây ô nhiễm được xử lý triệt để? Và đến bao giờ người dân khu vực này thoát khỏi “bóng ma” ô nhiễm? Người dân đang mong chờ một câu trả lời thỏa đáng từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.
Hồng Lam