Tháng Tư có ngày hội sách
Tháng Tư có ngày hội sách. Mà hà cớ gì phải chờ đến ngày hội sách? Từng ngày, từng giờ, mỗi chúng ta hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa về niềm đam mê và tình yêu sách, khát vọng lan tỏa giá trị của sách như là sự đánh thức, khơi nguồn cho hàng vạn ý tưởng không hẳn chỉ mang tính khẩu hiệu “Sách cho bạn, cho tôi”, “Sách: nhận thức-đổi mới-sáng tạo”.
Giữa ngày hè tháng Tư rực nắng, tôi bồi hồi lật giở lại từng trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, bỗng lặng người khi đọc những dòng tự sự khát khao về sách của một người lính: “Dạo đi đem sách ít quá, cứ sợ nặng và mất mát. Đành vậy thôi, mất cũng chịu chứ vắng sách thế này thì buồn lắm. Chao ôi, càng đi càng tiếc những ngày ở trường, bao nhiêu sách mà chịu chết, không nuốt chửng được để bây giờ nhai lại. Giá quân đội có tủ sách lưu động, luân phiên cho lính đọc thì khoái lắm” (Mãi mãi tuổi hai mươi - liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên 2005, Tr.100, 101).
|
Chiến tranh khốc liệt, sự sống và cái chết chỉ là lằn ranh giới mong manh, vậy mà tình yêu sách của các thế hệ cha anh thực sự đáng để chúng ta khâm phục. Có thể thấy thời ấy, trong ba lô của bộ đội người nào cũng có cuốn sổ chép thơ văn, nhật ký. Lớp trẻ bây giờ nhìn lại, không khỏi rưng rưng khi ngắm những cuốn sổ tay được vẽ hình ảnh, nắn nót từng lời tựa cho mỗi bản nhạc, bài thơ hay mấy câu châm ngôn tâm đắc. Tôi mường tượng rằng, chỉ cách ít giây thôi, trái tim các chiến sĩ mới rạo rực với triết lý sống đầy hoài bão: “Trước hết hãy cầm súng bằng cả hai tay. Rồi trong phút nghỉ ngơi hãy cầm bút và viết… Hãy cống hiến cho đời bằng dòng máu và thơ” (Mãi mãi tuổi hai mươi, Tr.151), thì bất ngờ tiếng bom rơi ầm ào nhấn chìm các anh trong khói lửa! Dẫu thế, nhưng tình yêu sách của các anh thì mãi còn lại, để cho các thế hệ hôm nay kính cẩn cúi đầu ngưỡng mộ và kính phục.
Mấy hôm nay, hòa chung trong không khí của cả nước, Kon Tum rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội sách. Ngày hội sách như là lời nhắc nhở, là sự vực dậy giá trị văn hóa đẹp tưởng chừng đã chìm vào quên lãng. Xưa, cái thời chưa có điện thoại thông minh, chưa có Internet, chưa có wifi thì sách báo là món ăn tinh thần không thể thiếu. Có lẽ rằng, nhiều bạn đồng trang lứa như tôi ở thế hệ 7X đều khát sách. Sách hồi đó chưa hẳn đã khan hiếm nhưng để đầu tư mua một cuốn sách thì không phải dễ dàng. Bởi vậy, những cuốn sách mà chúng tôi đọc rồi chuyền tay nhau, đổi qua đổi lại cuối cùng trở nên cũ kỹ, sờn gáy, quăn mép, thậm chí lắm khi tôi còn phải kiếm giấy cứng đóng lại bìa và gáy sách cho tinh tươm. Khát sách là thế, nên mới có chuyện hài hước về việc có đứa bị đòn vì tội mê đọc sách đến nỗi cơm khê, hay trốn ngủ trưa mà vắt vẻo trên nhành cây, say sưa đọc sách đến chạng vạng chiều tối, muỗi bu cắn đỏ chân mà chẳng hề hay biết.
Ngày nay, sách được xuất bản rất phong phú, đa dạng về mọi thể loại; việc cầm trên tay đọc một cuốn sách giấy cũng không còn là lựa chọn duy nhất. Cùng với sự phát triển như vũ bão của không gian mạng xã hội, bên cạnh hình thức đọc sách truyền thống thì độc giả còn lựa chọn hình thức đọc sách online trên các ứng dụng của nền tảng số.
Tôi từng mong ước Kon Tum mình có vài quán cà phê sách thật bài bản. Rất may, và cũng là tin vui cho những người yêu sách, những bậc phụ huynh muốn cho con em mình có sự trải nghiệm thú vị với sách thì hãy đến với Cafe Melody - Câu lạc bộ Sách Kon Tum tại địa chỉ 127 Hoàng Văn Thụ, thành phố Kon Tum.
Câu lạc bộ Sách Kon Tum mới được thành lập chỉ cách đây hai tháng- vào ngày 17/2/2023, do một nhóm các bạn trẻ yêu sách và muốn truyền cảm hứng về tình yêu ấy đến với tất cả mọi người. “Trân trọng cảm ơn bạn khi đã chọn sách ngồi cùng bạn trong lúc này. Trân trọng biết ơn vì sách đã có một chút trong bạn”- đó cũng là tình cảm gửi gắm từ Câu lạc bộ đến với bạn đọc yêu sách, được treo trang trọng trên giá sách của quán.
Tháng Tư có ngày hội sách. Mà hà cớ gì phải chờ đến ngày hội sách? Từng ngày, từng giờ, mỗi chúng ta hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa về niềm đam mê và tình yêu sách, khát vọng lan tỏa giá trị của sách như là sự đánh thức, khơi nguồn cho hàng vạn ý tưởng không hẳn chỉ mang tính khẩu hiệu “Sách cho bạn, cho tôi”, “Sách: nhận thức-đổi mới-sáng tạo”.
Hạnh Phước