Tháng Giêng “không ăn chơi”
Nếu như trước Tết, có ai đó nói với tôi tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi” nữa, hẳn rằng tôi sẽ bán tín bán nghi trả lời “để xem sao”. Nhưng bây giờ thì tôi đã tin vào điều đó.
Sáng mùng 6 Tết (tức ngày 30/1/2020), cô em làm ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chia sẻ hình ảnh khá đông người dân đến Trung tâm giao dịch. Lời chú thích dí dỏm làm cho không khí làm việc đầu năm thêm hứng khởi hơn “Ai nói tháng Giêng là tháng ăn chơi?”.
Ừ nhỉ. Tháng Giêng có còn là “tháng ăn chơi” không?
Tôi lại nhớ đến những ngày đi làm đầu năm của mấy năm trước. Cũng có mặt khá đông đủ, nhưng với một số người sau buổi gặp mặt chúc tết của lãnh đạo đơn vị là “cuộc vui mới bắt đầu”, với những cuộc nhậu tưng bừng, những chuyến du xuân vui vẻ, gác công việc lại sau lưng.
Nói rộng ra, xưa kia, sở dĩ người Việt ta nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là bởi vì nông dân là đại bộ phận, chiếm đến hơn 90%. Trong sách "Văn hóa Việt Nam-Tìm tòi và suy ngẫm", cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phân tích rất kỹ rằng: Đặc điểm của nghề nông là công việc theo thời vụ, có lúc đầu tắt mặt tối nhưng có lúc lại chẳng có việc gì, như tháng Giêng chẳng hạn, tương đối nhàn rỗi, người dân chưa phải tất bật với công việc, do vậy người ta mới mở hội hè.
Cho nến, nếu như trước tết, có ai đó hỏi tôi câu trên, hẳn rằng tôi chỉ bán tín bán nghi nói “Để xem sao”.
Nhưng bây giờ, chỉ qua mấy ngày đầu tháng, tôi đã có câu trả lời: Tháng Giêng không còn là thời gian “ăn chơi”, mà là lúc nhiều người đưa ra quyết định của năm mới. Một trong những quyết định đó, có thể là việc biến những lời hô hào thành hành động thực tiễn.
|
Cũng trong buổi sáng mùng 6 Tết, màn hình điện thoại nhấp nháy liên tục. Bạn bè gần xa hào hứng chia sẻ hình ảnh ngày đi làm đầu tiên của năm Canh Tý. Cũng chộn rộn lắm, náo nức lắm. Nhưng bên cạnh sự chộn rộn, náo nức ấy vẫn thấy rõ sự chỉn chu, nghiêm túc trong công việc, với đồng phục chỉnh tề, với tất bật sổ sách, giấy tờ.
Trong ngày 7 Tết, khắp nơi trên địa bàn tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đều rầm rộ ra quân, không khí thi đua tưng bừng phấn khởi, nào đâu có cái sự đủng đỉnh hội hè? Nào đâu có cái sự nhàn nhã ăn chơi?
Ở tít xã biên giới Ia Đal (huyện Ia H'Drai), người dân đã đi thăm vườn cây cao su từ ngày mùng 3 Tết. Anh Lê Văn Hào (thôn 3) nói rằng, 3 ngày Tết nghỉ ngơi, du xuân là đủ, phải lo chuyện làm ăn thôi.
Lễ ra quân xây dựng nông thôn mới ở thôn 1, xã Ia Dom gần như không thiếu hộ gia đình nào. Cánh thanh niên hò nhau trộn bê tông, đẩy xe rùa rầm rầm, quyết tâm hoàn thành bê tông hóa tuyến đường giao thông nông thôn từ xã vào khu sản xuất thôn 1 với chiều dài hơn 2.800m, nền đường rộng 5m, mặt đường bê tông rộng 3,5m, dày 18cm.
Trên toàn huyện Ia H’Drai, trong ngày đầu ra quân có khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ và người dân tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn, diệt trừ 1 ha cây mai dương tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4; phát dọn 26 km đường làng ngõ xóm; thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn.
Mới mùng 4 Tết, không cần phát lệnh, người trồng cà phê ở Hà Mòn đã nô nức rủ nhau kéo máy, rải ống bước vào mùa tưới; người trồng cao su ở Ia Chim đi dọn thực bì phòng cháy; người trồng lúa ở Diên Bình hò nhau ra đồng lấy nước, bón phân, làm cỏ... mà trong lòng chộn rộn hi vọng một vụ mùa thắng lợi.
Anh bạn tôi dự kiến sau Tết đưa vợ con đi chơi xả hơi mấy ngày, ấy mà đến ngày mùng 4 Tết, nước về, thế là xoay trần ra tưới cà phê, vợ con cũng tất bật phụ giúp, quên cả ước muốn được du xuân cho “bằng anh bằng em”.
Người dân thì vậy, cơ quan hành chính thì sao? Sau kỳ nghỉ Tết, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (mùng 6 Tết), tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, không khí làm việc đã trở lại bình thường, nghiêm túc, an toàn, vì dân phục vụ.
Tại thành phố Kon Tum, ngay từ sáng sớm của ngày làm việc đầu tiên, từ các cơ quan hành chính, sự nghiệp đến các doanh nghiệp nhà nước, không khí làm việc đã trở lại nhộn nhịp, nghiêm túc. Ở trụ sở UBND thành phố Kon Tum, cán bộ, công chức đã có mặt đông đủ, bắt tay vào làm việc bình thường; tập trung nắm bắt tình hình trong dịp Tết, triển khai các hoạt động ra quân đầu năm ở các xã, phường. Cán bộ lãnh đạo thành phố đã sớm xuống các cơ sở xã, phường để kiểm tra, nắm bắt tình hình công việc đầu năm. Tại bộ phận giải quyết các thủ tục hành chính, cán bộ, công chức luôn thường trực để kịp thời giải quyết các công việc của công dân.
Vậy đấy. Đừng nghĩ câu “vui xuân không quên nhiệm vụ” chỉ là khẩu hiệu suông, là hô hào cho vui, mà đã là thực tế từ mỗi cánh đồng, từ mỗi nếp nhà hay xa hơn là mỗi công sở. Có thể thấy rõ quyết tâm của tỉnh trong việc chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, trong việc dần dẹp bỏ những thói quen cố hữu không phù hợp ngay từ việc tổ chức lễ ra quân đầu năm trên toàn tỉnh ngày mùng 7 Tết.
Và cũng có thể thấy rõ sự thay đổi trong cách nghĩ, cách chơi xuân của bà con nông dân khi ra đồng chăm bẵm cây trồng từ khi hương vị Tết vẫn còn níu kéo trong nhà.
Và cũng từ tháng Giêng “không ăn chơi” này, những chồi non đang tí tách nảy mầm. Chẳng mấy nữa, một màu xanh mướt mát sẽ trùm lên mặt đất ướt mềm, thì thầm kể câu chuyện tháng Giêng.
Hồng Lam