Tháng Chạp
Xé tờ lịch trên tay, tôi bần thần, tháng Chạp rồi, Tết đến nơi rồi. Thời gian trôi nhanh như cơn gió. Ngoảnh tới ngoảnh lui, mới đó mà đã hết ngày, hết tháng, hết năm. Thảo nào hôm qua mẹ gọi điện nhắc, nhớ tranh thủ mua cái này, sắm dần cái kia đi cho mấy nhỏ có Tết đủ đầy.
Tết đủ đầy. Tôi biết, như một người đau chân có bao giờ quên được cái chân đau của mình đâu, nên suốt cuộc đời mẹ vẫn mãi vô thức nghĩ làm sao để con cháu có những cái Tết đủ đầy. Nhưng, cuộc sống hiện đại có phần vội vã, tháng Chạp nay chẳng phải tất bật nhiều, chẳng phải kì cạch đánh bột làm bánh thuẫn, chẳng phải cả mấy mẹ con mất cả buổi xúm xít cạo vỏ gừng, rồi thái lát mỏng đủ các kiểu. Giữa ê hề mứt bánh kẹo tây ta xanh đỏ đủ sắc, mấy nhỏ lớn lên ở phố ở phường giờ đây làm sao biết cảm giác ngóng chờ tháng Chạp như mẹ chúng năm nảo năm nào để thèm thuồng, để tận hưởng những món ăn mà ngày thường chẳng có.
Mà nói đến ngóng chờ những ngày tháng Chạp, mấy chục năm trôi qua rồi cảm giác đó vẫn vẹn nguyên. Tuổi thơ của hầu hết những đứa trẻ lớn lên từ đất quê ruộng làng ngày ấy luôn đi kèm với đói, thiếu và thèm đủ thứ. Bữa đói bữa no, nên tháng Chạp về lòng lại như reo hát.
Lòng reo hát từ đầu tháng Chạp khi mẹ bắt tay vào “công cuộc” chuẩn bị tết. Mẹ vẫn thường nói tháng Chạp việc đuổi sau lưng, làm được việc nào trước thì làm. Ngày nhỏ nghe mẹ nói vậy, tôi biết vậy. Sau này lớn lên, tôi hiểu với đồng lương ít ỏi, lo cho các con ngày tết đủ đầy, mẹ đành chọn kiểu “kiến tha lâu cũng đầy tổ”.
|
Việc đầu tiên mẹ làm là món bánh thuẫn. Có sẵn trứng từ mấy con gà mái đẻ gom góp lại, còn bột từ đám củ dong trồng sau góc vườn mẹ đã thu hoạch, xay củ, lọc bột, phơi khô từ tháng trước, chỉ mua thêm ít đường, dầu nữa là ổn. Các thứ sẵn sàng, mẹ bắt tay vào làm bánh thuẫn để dành dâng cúng ông bà tổ tiên, tiếp đãi khách tết. Món này khâu đánh bột quan trọng lắm, bột có tới thì khi đổ bánh mới bung nở như bông hoa. Chẳng có dụng cụ đánh bột như bây giờ, mẹ dùng mấy đôi đũa tre đan xéo vào nhau, anh trai lớn tay khỏe được mẹ giao cho nhiệm vụ đánh bột. Cả thau bột to tướng, tay anh cầm mấy đôi đũa đánh nhịp nhàng, liên tục cho bột, trứng gà, đường trộn đều, đến lúc sánh mịn, vàng mơ mới được. Đến khâu đổ bánh, tôi hí hửng lắm, thể nào cũng lân la ngồi bên, kiểu thỉnh thoảng chạy lấy cái này, cái kia. Mẹ múc từng muỗng bột đổ vào cái khuôn bánh bằng đồng với chục lỗ hình xoài có bông hoa, khi mười khuôn đã đầy bột, đậy nắp lại cẩn thận. Phía dưới nồi cho lửa nhỏ liu riu, phía trên nắp khuôn bột cho than đỏ đều thì thành phẩm bánh mới ngon, đẹp mắt. Lần nào cũng vậy, tôi ngóng chờ nhất mẻ bánh cuối cùng. Bột còn ít chẳng còn đủ mẻ, mẹ vét số bột còn sót lại, cũng đổ vào khuôn. Chẳng được bung nở như những bông hoa, nhưng những chiếc bánh lèm lẹm này mới đổ xong nóng mềm tơi xốp, thơm thơm mùi trứng, ngòn ngọt mùi đường, deo dẻo mùi bột. “Đại tiệc” của đám trẻ con nhà nghèo bắt đầu từ bánh thuẫn.
Vừa nguôi niềm vui với món bánh thuẫn, lòng tôi lại tiếp tục reo hát với món mứt gừng. Kì cạch cạo vỏ, thái lát, ngâm, luộc gừng xong, mẹ hướng dẫn mấy chị em cách rim mứt. Gì thì gì rim mứt gừng phải canh lửa nhỏ, đều. Tôi thường nhận nhiệm vụ “phụ bếp”, tem tém mớ lá phi lao đang đà bốc cháy cho liu riu lại hộ mẹ. Lửa nhỏ đều cho đến lúc gừng và đường quện lại sền sệt, mẹ nhanh tay đảo, rồi đổ ra mâm có tờ giấy báo lót sẵn. Để một lúc, lát mứt khô, đường bám đều, đẹp. Mẹ chọn những lát mứt gừng to, đẹp đem gói trong tờ giấy báo, bỏ vào lọ thủy tinh đậy chặt và cất hẳn vào tủ. Còn phần thưởng cho mấy chị em sau cả buổi lăng xăng là những mẩu mứt vụn nhỏ như đầu ngón tay được mẹ đong vào từng chiếc cốc nhỏ chia đều. Trời tháng Chạp miền Trung mưa phùn gió bấc, thỉnh thoảng nhấm nháp tí mứt gừng cay cay pha lẫn vị ngòn ngọt của đường, vậy là háo hức, xoắn xuýt, mút tay, liếm cốc, rổn rảng cười vui cả ngày trời.
Mỗi lần tháng Chạp về nhớ lại những chuyện đã qua sao mà thấy thương thời thơ ấu mênh mang, thấy như Tết đến gần lắm rồi. Tết đến từ khoảnh khắc được ăn chiếc bánh thuẫn lèm lẹm, chút mứt vụn còn sót lại hay chiếc bánh chưng từ phần gạo nếp dư chẳng có tí nhân của những ngày tháng Chạp. Tết đến từ những lần mấy chị em gái tranh thủ hôm được nắng, ôm chăn màn, ri đô ra giếng làng giặt giũ, soạn lại tủ quần áo, sắp xếp lại nồi niêu bát đĩa. Tết đến từ cảm giác như đang bay lâng lâng khi tháng Chạp về, mẹ mua vài xấp vải cho mấy chị em may áo quần mới.
Không khí tất bật, ngóng trông nhưng rất đỗi ấm áp, chan chứa yêu thương của những ngày tháng Chạp ấy khiến cho tôi mãi xốn xang. Tôi nhận ra rằng, có nhiều thứ đổi thay, nhưng có những điều vẫn luôn ở trong tâm thức mỗi dịp tháng Chạp về. Đó là yêu thương, là khơi dậy bao giá trị. Đó là dịp để nhớ về những góc nhỏ mến thương, những ký ức thẳm sâu mà ngày còn thơ bé chẳng bao giờ nghĩ rằng lại hằn sâu, lại hồi cố, lại tới lui đến mức chỉ cần gợi lên là lòng lại rưng rức, lại cho tôi thêm một lần trôi về ngày cũ...
NGUYÊN PHÚC