Thân thương “trường làng”
Sinh ra ở làng, lớn lên từ làng, nên với tôi, hai tiếng “trường làng” thân thương lúc nào cũng in đậm trong tâm khảm với tất cả sự yêu quý và biết ơn. Bởi nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn, dạy dỗ những kiến thức đầu tiên làm hành trang vào đời cho bao thế hệ, trong đó có tôi.
Xa “trường làng” đã mấy chục năm rồi nhưng cứ mỗi mùa tựu trường đến là ký ức về trường làng thân yêu lại ùa về.
Ngày ấy, dù là trường cấp 1 hay cấp 2 mà tôi theo học đều có tên đàng hoàng, nhưng không hiểu sao mọi người vẫn quen gọi chung là “trường làng”. Hồi còn nhỏ, tôi nghĩ đơn giản, hẳn rằng trường nằm ở làng nên gọi luôn là trường làng cho tiện. Lớn lên chút nữa, suy nghĩ rộng ra hơn, tôi lại cho rằng, người ta gọi vậy cho thân thuộc, hoặc cũng có khi là để phân biệt với những ngôi trường ở vùng có điều kiện hơn, trường chuyên, trường ở thị trấn, huyện, thành phố.
Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, thì “trường làng” vẫn được mọi người chấp nhận, và là tên gọi đem lại cảm giác thân thuộc, gần gũi nhất với mỗi người. Bởi nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn, dạy dỗ những kiến thức đầu tiên làm hành trang vào đời cho bao thế hệ.
|
Tôi may mắn khi “trường làng” ở gần nhà, chỉ cần đi trên đường làng một đoạn là tới trường, trong khi có nhiều bạn nhà cách trường rất xa, mỗi buổi đi học khá vất vả, nhất là khi mưa bão hay ngày đông lạnh giá.
Tôi nhớ như in đó là một ngôi trường rợp bóng cây, chỉ có 1 dãy phòng học xây tường gạch hơi thấp, quét vôi trắng, mái lợp ngói, nền đất. Bên trong mỗi phòng học là những bộ bàn ghế cũ kỹ, nhiều chiếc đã ọp ẹp, bong mặt, long chân. Nơi làm việc của giáo viên cũng là một phòng học nhỏ, chứ không có nhà hiệu bộ, tường rào, cổng ngõ như bây giờ.
Điều thú vị là phòng học có nhiều cửa sổ để nắng chan hòa, gió thoải mái ra vào và học sinh ngồi gần cửa sổ tha hồ thả hồn cùng thiên nhiên. Vì vậy cũng không ít lần, tôi và các bạn bị… nhắc nhở vì mải nhìn theo chim chóc, hoa lá, bướm ong qua cửa sổ, không tập trung vào việc học.
Sân trường luôn nhộn nhịp, ồn ã mỗi giờ ra chơi. Chỉ cần nghe tiếng trống, cô giáo chưa kịp xếp trang giáo án lại, chúng tôi đã ùa ra sân, nhanh chóng chia phe, bắt cặp chơi nhảy dây, đánh nẻ, đá gà.
Do không có hàng rào, có khi sân trường còn bị người dân xung quanh thả bò phóng uế bừa bãi, nên hàng tuần, nhà trường phát động phong trào dọn vệ sinh. Sau này phân công học sinh làm tấm gai để rào bao quanh sân trường.
Mỗi năm, khi chuẩn bị khai giảng, mỗi học sinh đều được phân công làm một tấm gai để mang lên trường làm hàng rào. Bờ rào dài cả mấy trăm mét, được rào kín bằng những tấm gai. Cổng trường cũng được làm bằng tấm gai. Mỗi sáng, cổng trường được mở ra để đón học sinh vào trường, khi tan học, lớp nào ra về cuối phải có trách nhiệm khép “cổng” trường lại.
“Tuổi thọ” của bờ rào và cổng trường làm bằng những tấm gai ấy phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm mưa bão nhiều thì có khi chưa hết năm học đã bị ngã đổ; nếu năm mưa bão ít thì cũng được hết năm học.
Khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng ngày đó chúng tôi hồn nhiên lắm. Thầy cô cũng dành tất cả tình yêu thương cho học sinh. Chính ngôi trường làng ấy đã ươm mầm bao ước mơ, hoài bão thật đẹp trong mỗi chúng tôi. Để rồi lớn lên, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm một thời cắp sách đến trường lại tự hào biết bao về ngôi trường làng dấu yêu một thưở.
Bây giờ, sống ở phố, tôi vẫn nghe nhiều người gọi một ngôi trường nào đó ở vùng ven thành phố, chứ không hẳn chỉ có trường ở làng, là “trường làng”. Rồi cũng có nhiều phụ huynh mong muốn con em mình có điều kiện học tập tốt hơn đã cố gắng cho con thi cử để rời khỏi trường làng chuyển về những trường ở trung tâm thành phố để học.
Trong cái nghề của mình, tôi may mắn được tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều tấm gương hiếu học, những thầy cô hết lòng vì học sinh thân yêu ở những “trường làng” vùng sâu, vùng xa. Điều khiến tôi cảm động nhất, trân quý nhất ở thầy cô giáo và học sinh ở những ngôi trường ấy là ý chí và nghị lực vượt khó, là tấm lòng nhân ái và sự sẻ chia.
Ngay trong kỳ tốt nghiệp THPT vừa qua, ở nhiều địa phương trong cả nước, “trường làng” còn vượt qua cả “trường phố”, trường chuyên, vươn lên dẫn đầu, hoặc có thứ hạng cao.
Năm học mới sắp bắt đầu, bên cạnh những ngôi trường vùng thuận lợi, các cấp, các ngành và toàn xã hội cũng đang hướng về những “trường làng” ở vùng sâu, vùng xa để có thể sẻ chia phần nào những khó khăn, thiếu thốn và động viên tinh thần thầy cô giáo và các em học sinh vượt khó vươn lên trong giảng dạy và học tập mà thấy ấm áp hẳn.
Trong không khí háo hức chào đón ngày khai giảng năm học mới, lại thấy nhớ sao ngôi trường làng một thời gian khó nhưng đầy ắp những kỷ niệm thân yêu của mình.
SÔNG CÔN