Thân thương đường làng
Bẵng đi vài ba năm mới có dịp về làng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi những con đường làng bê tông thẳng tắp về từng xóm, ra tận từng cánh đồng. Mà lạ chưa, đường bê tông nối gần làng với phố cứ tưởng như sôi động, như hiện đại ấy nhưng thực ra vẫn giữ được nét yên bình, mộc mạc cố hữu của làng quê.
Mà không yên bình, không mộc mạc sao được khi dọc hai bên đường là những ngôi nhà sàn xưa cũ màu xam xám, những ngôi nhà mới xây khang trang như ẩn hiện giữa bạt ngàn màu xanh cây lá. Kia là rẫy mì đang chờ đến ngày thu hoạch, cây cao đã quá đầu người, nhìn từ xa những chiếc lá như bàn tay xòe to theo ngọn gió heo may đầu mùa thổi nhẹ vẫy tay chào đón khách xa về làng. Kia nữa là những rẫy cà phê vừa mới qua một vụ mùa bội thu, đang vươn rễ sâu cắm vào lòng đất, vươn ngọn cao lên hít khí trời, chắt chiu bầu sữa dưỡng chất cho hành trình nuôi hoa dưỡng quả mùa vụ năm sau. Và kia là cánh đồng lúa mênh mông sau bao ngày chắt chiu vị mặn mòi của đất đai, vị ngọt ngào của sương mai, của nắng chiều đang phô diễn màu vàng no ấm, chẳng mấy chốc nữa mà những chiếc xe cải tiến kĩu kịt chạy dọc theo những con đường làng chở những bó lúa vàng thơm nức về nhà. Thỉnh thoảng xen giữa những rẫy vườn lúp xúp ấy là những cây cổ thụ chẳng biết đã cắm rễ sâu xuống lòng đất, uống nước của dòng Đăk Bla bao nhiêu lâu mà cao lớn, tỏa bóng mát che kín cả một khúc đường làng.
|
Đâu chỉ người làng mà cả khách gần xa đều mê những hàng cây đào đậu dọc theo những con đường đi quanh làng, đường ra khu sản xuất, đường ra sông, ra suối. Cứ cách một quãng là có cây đào đậu. Có những đoạn đường làng các cây đào đậu mọc liên tiếp cạnh nhau phô diễn nét hoang dã, tự nhiên, không cắt gọt như níu giữ bước chân bao người ngang qua. Mùa này, đào đậu rụng lá, lặng lẽ ấp nụ nở hoa chào đón ngày xuân về. Cái khẳng khiu của cành đào đậu, xen lẫn màu xanh thắm của đôi chiếc lá còn sót lại cũng đầy chất phác và mộc mạc, cũng đầy sức vươn lên mạnh mẽ như con người nơi đây. Chỉ đôi tháng nữa thôi, trên những cành cây đào đậu cao gầy, khẳng khiu sẽ chúm chím những nụ hoa phơn phớt hồng hay trắng tinh khôi như thổi thêm hồn xuân, điểm trang cho vẻ đẹp đơn sơ, khiêm nhường, đầy chất wabi-sabi trên những cung đường làng.
Mỗi sớm mai, rảo bước trên con đường làng, ai nấy khoan khoái hít hà căng vào lồng ngực. Mùi tinh khiết của những ngọn gió thổi từ bên ngọn núi cao về làng, mùi thơm nồng nàn của lúa chín, mùi ngai ngái của cỏ cây, mùi nồng nồng của đất, mùi thơm nồi cơm gạo mới. Tất cả tạo thành mùi vị thân thương dâng tràn theo những nẻo đường làng, tỏa khắp không gian.
Dọc theo những con đường làng, những mùi vị, những thanh âm, nhịp điệu cuộc sống của làng luôn vang vọng. Giọng của người lớn khê nồng, í ới gọi nhau ra đồng, lên rẫy. Giọng con trẻ râm ran, chạy nhảy dọc theo con đường làng vừa được quét dọn sạch sẽ. Và kia nữa, tiếng gà mẹ cục ta cục tác nhảy ổ trong tiếng kêu vang nghé ọ của đàn bò đang dọc theo con đường làng bắt đầu hành trình kiếm ăn ngày mới.
Các cụ già ở làng vẫn hay rủ rê nhau tụm ba tụm năm ngồi trước sân nhà, vừa cặm cụi may may vá vá vừa tỉ tê chuyện nhà, chuyện làng. Bên góc nhà mong manh làn khói bếp tỏa ra từ chút than củi còn sót lại. Thỉnh thoảng các cụ lại ngưng câu chuyện dở, mắt nhìn ra đường làng buổi sớm đang ướt sũng sương đêm, không gian đẫm mùi lá rụng. Ký ức xa xưa về những con đường làng như trỗi dậy.
|
Những con đường làng đã được đổ bê tông thẳng tắp này xưa kia chỉ là những con đường đất lầy lội, ngày mưa bùn lầy quánh đặc đôi chân, ngày nắng bụi mù tung theo mỗi cơn gió. Nhớ nhất là những ngày mưa dầm dề, đất trời lạnh giá, đường làng hun hút trong màn mưa mịt mù. Mỗi lần có chuyện phải ra khỏi làng, cảm giác chao ôi là xa, là ngái. Từ ngày có đường bê tông, tiện đủ mọi bề, nhịp sống của làng càng thêm rộn rã. Đời sống dân làng khấm khá lên, mâm cơm có thêm thịt cá. Nhưng gì thì gì, người già bảo nhau, rồi nhắc nhở người trẻ, phải cùng nhau giữ gìn nếp sống bình yên đã ngấm sâu trong những nếp nhà sàn, trong những tiếng cồng chiêng, những điệu múa xoang mỗi dịp lễ hội về.
Sáng sáng, những đôi chân dẫm bước trên những con đường làng nhỏ bé ra đồng, lên rẫy, đến trường. Chiều chiều, những đôi chân lại dẫm bước trên con đường làng trở về những ngôi nhà nhỏ xinh ẩn hiện dưới những bóng cây xanh mát. Bước chân của người lớn chắc nịch, bước chân trẻ nhỏ tung tăng, hồ hởi. Những bước chân nối tiếp những bước chân rộn rã dọc theo những con đường làng.
Đường làng nhỏ bé thôi, lắm lúc còn khúc khuỷu nữa nhưng đã nâng bao bước chân người làng trong hành trình vươn ước mơ xa. Nhưng dẫu có xa bao nhiêu thì màu xanh cây trái, nếp nhà mộc mạc, bình dị, những câu chuyện làng, chuyện nhà rủ rỉ theo tiếng cồng, tiếng chiêng, theo điệu múa xoang bước dọc theo những con đường làng luôn thân thương, khơi gợi để những bước chân xa tìm về.
Nguyên Phúc