Thân thương đường làng
Sinh ra từ làng, nên khi lớn lên xa quê, nó luôn hoài niệm về quê nhà với bao kỷ niệm đẹp đẽ, thân thương. Trong đó có hình ảnh con đường làng in dấu những ký ức tuổi thơ sâu lắng.
Nó nhớ hoài hình ảnh con đường đất ngoằn ngoèo, nằm giữa cánh đồng lúa xen lẫn những vạt mía, dưa… trải dài. Con đường uốn lượn chia thành nhiều nhánh dẫn về các xóm nhỏ.
Nói là đường đất, chứ đường làng quê nó ngày ấy không bụi mù mịt như bây giờ. Chắc có lẽ do thời đó xe cộ chưa nhiều, dân cư cũng còn thưa thớt.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình nó nằm cạnh cánh đồng nên luôn thoang thoảng hương thơm của lúa, của rơm rạ và mùi ngai ngái, nồng nàn của đất.
Nó nhớ, mùa cấy lúa, mạ non chất đầy đường làng. Nó thích được ngắm những bó mạ non xanh ngắt; được nhìn những cô thôn nữ xinh đẹp, quần xắn tới gối, đầu đội nón lá lội ruộng cấy mạ, bắp chân tròn lẳn sáng cả đám ruộng.
Ông nó làm ở tòa soạn báo của tỉnh, có lần về quê nhìn thấy cảnh này đã nài nỉ xin phép mấy cô cho chụp ảnh để minh họa cho một bài báo của ông. Ngày ấy, cô Hà là người đẹp nổi tiếng ở làng, lại cấy mạ giỏi nên được ông nó chọn làm người mẫu để chụp ảnh.
Cô gái nhà quê chân chất, thật thà, ngại ngùng khi được nhờ “tạo dáng” để chụp ảnh, vì vậy ông nó tốn nhiều thời gian lắm mới thuyết phục được. Ít lâu sau, bức ảnh của cô Hà được đăng lên tờ báo tỉnh, ông nó đem về, cả xóm cùng chuyền tay nhau đọc bài, xem ảnh cô, và ai cũng tấm tắc ngợi khen.
|
Mùa lúa chín, lúa gặt xong được bà con mang lên đường làng tuốt, rê, rồi cho vào bao, chờ đến chiều đánh xe bò chở về nhà. Mùa nắng, rơm rạ phơi ngoài ruộng vài ba ngày rồi mới chở về nhà. Dù được chất cẩn thận thế nào thì rơm cũng bị vương vãi khắp đường làng. Vì vậy mà sau mỗi mùa vụ thu hoạch lúa, các cô, các chị lại tranh thủ làm vệ sinh đường làng.
Mùa mưa, đường làng quê nó được bà con tận dụng chất đầy rơm rạ. Rơm gặp nước mưa chẳng còn mùi thơm mà chuyển sang mùi ngai ngái, nồng nồng. Rơm ủ mấy ngày, lũ trẻ tụi nó lại rủ nhau ra bới móc tìm nấm rơm mang về xào với lá lốt.
Đường làng, nơi sáng sáng, chiều chiều nó vẫn thường ra đứng nhìn các bà, các mẹ, các chị kẽo kẹt đôi quang gánh ra chợ, hay đi mua bán hàng hóa. Thích nhất là mỗi buổi sớm mai, khi những giọt sương còn đọng trên cành lá, cô Năm của nó đã quẩy gánh bún băng băng trên con đường làng. Chị em nó thức dậy sớm, bưng sẵn cái rổ đứng chờ. Đi ngang qua, thể nào cô cũng tạt vào đường, lấy mấy khoanh bún quấn vào miếng lá chuối đưa cho chị em nó, rồi lại rong ruổi khắp làng trên, xóm dưới.
Lớn lên, nó phục lăn khi biết được rằng, chính gánh bún rong ruổi mỗi buổi sáng trên con đường làng ấy, mà cô Năm của nó nuôi mấy người con của mình vào đại học.
Nhắc đến đôi quang gánh, nó cũng cảm thấy nhớ làm sao hình ảnh bà ngoại của mình. Ngày nhỏ, chị em nó có thói quen canh bà đi chợ về, để được cho quà bánh. Để không bị má la, vì không cho ăn vặt, bà thường dặn chị em nó chạy ra con đường làng phía trên nhà để khỏi bị phát hiện.
Đường làng cũng là nơi lũ trẻ con chúng nó thường tụ tập chơi các trò chơi dân dã một cách đầy thích thú, hứng khởi. Mỗi buổi chiều được nghỉ học, lũ trẻ con chúng nó thường rủ nhau ra bờ ruộng bứt cỏ mang ra một bãi cỏ nào đó ven đường làng ngồi đá gà. Xôm tụ nhất là những ngày hè, đám con nít ở làng thường túa ra con đường thả diều, tập xe đạp. Con dốc thoai thoải nằm ở phía dưới nhà nó là nơi có bao đứa trẻ bị ngã sứt đầu mẻ trán chỉ vì cố tập đi xe đạp cho bằng được.
Lớn lên chút nữa, ngày hai buổi đến trường, nó đều đi trên con đường làng thân thuộc. Bao trò nghịch ngợm của tuổi học trò sau giờ tan học của lũ con trai, con gái diễn ra trên con đường làng, vui ơi là vui. Đến bây giờ vẫn luôn trong tâm trí nó, và có lẽ sẽ theo nó suốt cuộc đời này.
Cũng trên con đường làng ấy, ba má nó đã tiễn nó vào đại học. Nó nhớ hoài dáng má xiêu xiêu đứng nhìn theo ba chở nó trên chiếc xe cub 50 để xuống đường nhựa bắt xe vào thành phố. Nó đoán lúc đó mắt má nó đang nhòa lệ. Ngồi sau ba, nó ngoái đầu nhìn dáng má, nhìn đường làng mà lòng buồn rười rượi. Đó là lần đầu tiên nó xa nhà, xa quê, xa con đường làng quen thuộc in dấu bao kỷ niệm của thời thơ ấu.
Sống xa quê, mỗi lần trở về, làng quê nó lại có thêm chút đổi thay. Thay đổi rõ nhất là con đường đất ngày nào giờ đã được mở rộng, bê tông hóa sạch đẹp. Cánh đồng lúa xen lẫn mía, dưa bạt ngàn ngày nào giờ đây tuy đã bị thu hẹp diện tích (do mở đường), chỉ còn lại màu xanh của lúa nhưng vẫn giữ được cảnh đẹp thôn quê, tạo cho con người ta cái cảm giác mát mẻ.
Tản bộ trên con đường làng thoáng nghe mùi hương của lúa, bao mệt mỏi của cuộc sống phố thị náo nhiệt nhanh chóng tan biến trong nó. Ký ức tuổi thơ chợt ùa về. Nó thả hồn mình trôi nhẹ giữa yên bình của quê hương để lắng nghe tiếng quê gọi về.
Sông Côn