Thân thương bếp củi
Bây giờ ở phố, nấu ăn đã có bếp gas, bếp điện, nhưng lâu lâu có thời gian, hay nấu những món ăn gì đó đặc trưng của quê hương thì chị vẫn dùng bếp củi. Nhìn chị chụm củi, ngửi mùi khói bếp cay cay, tôi lại thương dáng má lui cui bên bếp củi nơi quê nhà.
|
Cả anh và chị đều là con nhà nông, nên ai cũng quen với bếp củi. Xa quê, nên nhiều lúc nhớ quay quắt mùi khói bếp, nhớ những món ăn quen thuộc ở quê, nên cứ muốn được nấu bếp củi- chị nói.
Anh đầu tư hẳn “gian bếp” ở hiên nhà làm chỗ cho chị nấu bếp củi cho khói bếp đỡ bám vào nhà. Góc bếp giản đơn mà rất ngăn nắp, gọn gàng. Chị xếp mớ củi anh mua của người trong làng đã chẻ sẵn sát mép tường thẳng tăm tắp. Những miếng gỗ thông làm mồi lửa cũng được chị chẻ nhỏ cắm vào chiếc ụ đất xinh xinh.
Thường ngày, khi nấu ăn cho cả nhà, chị dùng bếp điện, chỉ vào dịp cuối tuần, hay có bạn bè đến thăm nhà, chị mới có thời gian nhóm bếp củi. Lạ thay, bạn bè của anh chị cũng “mê” bếp củi, cũng thèm những món ăn được nấu từ bếp củi.
Chị kể rằng, có một người bạn, lần nào đến chơi cũng “đòi” nhóm bếp củi làm món cà tím nướng chỉ vì nhớ ngày xa xưa, nhà nghèo nên ngày nào cũng được mẹ cho ăn món cà tím nướng. Trước khi đi làm, mẹ anh thường lùi vào bếp lửa mấy quả cà tím rồi phủ lớp tro bếp lên trên ủ cho quả cà chín từ từ, sao cho đến trưa vẫn còn nóng để các con ở nhà có cái ăn. Vậy nên mỗi lần nhìn thấy bếp củi, anh lại nhớ món cà tím của mẹ.
Anh nói, cà tím nướng bếp củi khác nướng bếp điện ở chỗ, sau khi quả cà chín, dù có lột hết lớp vỏ bên ngoài ra sạch sẽ, dằm vào chén nước mắm rồi thì vẫn ngửi được cái mùi ngai ngái, nồng nồng mà thơm thơm của khói bếp thân thương xen lẫn trong đó.
Còn vợ chồng chị thì lại “nghiện” món cơm cháy ăn với mắm kho quẹt nấu bằng bếp củi.
Chị nhớ như in ngày nhỏ, khi nhà không có gì ăn, mẹ lại làm nhóm bếp nấu cơm và nồi mắm kho quẹt. Đến bữa, chỉ cần chén mắm kho quẹt, hay thêm một đĩa rau luộc, cũng đủ cho cả nhà ăn một bữa ngon lành. Vì thế, mắm kho quẹt xuất hiện thường xuyên trong bữa cơm của gia đình chị.
Nhà đông con, cơm trắng nhường phần cho con, mẹ thường “vét” cơm cháy. Chị thương mẹ nên cũng thường ăn cơm cháy cùng. Bây giờ, lâu lâu nghĩ đến lại thấy nhớ. Chị nói, có những món ăn chưa hẳn đã là ngon thực sự mà do cảm giác, hoài niệm khiến ta luôn thấy nhớ, thấy thèm mà thôi.
Chị bảo, nấu cơm bếp củi dùng nồi gang thì mới gọi là “đỉnh”, cơm cháy cứ vàng rộm, thơm ngon chứ không bị xém. Ngày ở quê, mẹ chị cũng hay dùng nồi gang để nấu cơm bếp củi như vậy. Có lần về quê, chị ca na cúm núm mang cho được chiếc nồi gang lên, sử dụng gần chục năm nay.
Để có những tảng cơm cháy vàng ươm, thơm ngon, giòn rụm thì khâu nhóm bếp, chụm lửa cũng hết sức quan trọng. Từ khi vo gạo, bắc nồi lên bếp đến khi cơm sôi thì lửa phải bén, cháy đều. Khi nước trong nồi bắt đầu cạn dần, mang đũa bếp ra xới cơm xong là phải dập tắt lửa ngọn, để lại những cục than hồng hong nồi cơm trên bếp. Nếu than hồng quá, thì lấy khăn ướt phủ lên nắp nồi cơm một lúc sẽ giảm bớt nhiệt, tránh cháy xém.
Tranh thủ có than bếp củi, chị lùi mấy củ khoai lang vào cho khách thưởng thức. Mùi của khói bếp, của khoai lang nướng thơm lừng cứ lan tỏa, bao trùm cả căn nhà. Mọi người tụ lại xung quanh hít hà: Thích quá. Ở phố mà cứ ngỡ ở quê.
Nhìn chị chụm củi, mùi khói bếp cay cay, tôi lại thương dáng má lui cui bên bếp củi nơi quê nhà.
Ở quê tôi bây giờ, nhà nào cũng có bếp gas, bếp điện, nhưng lạ là vẫn không thể thiếu bếp củi. Nhà tôi có hẳn một gian nhà sau để nấu bếp củi. Người già thường khó ngủ, ba tôi dậy rất sớm, nhóm bếp nấu nước pha trà, má thì nấu nồi xôi, có khi là nồi khoai, nồi cơm hay lục đục gạt than nướng mấy cái bánh tráng cho cả nhà dùng bữa sáng.
Mỗi khi kho cá diếc với khế, với gừng hay cá nục sốt cà chua, má cũng thường nhóm bếp củi để lửa riu riu mấy tiếng đồng hồ cho cá chín nhừ. Bàn tay tảo tần của má và bếp củi đơn sơ đã làm nên những món ăn “gây thương nhớ” cho tôi trong suốt cuộc đời này.
Mỗi dịp về quê, tôi cũng thường nhóm bếp củi để được ngửi cái mùi khói bếp ngai ngái, nồng nồng, dù nó làm cho khóe mắt cay cay. Bếp củi gắn với biết bao kỷ niệm tuổi thơ và một thời gian khó của gia đình tôi. Xa quê, những hình ảnh đơn sơ ấy lại khiến ta nhớ nhung, nhất là những sáng mùa Đông, cùng má dậy sớm nhóm bếp, hong tay bên bếp lửa.
Và đôi khi, những điều giản dị ấy làm cho cuộc sống ở phố thị chậm lại hơn, bớt căng thẳng và ngột ngạt hơn.
Cảm ơn bếp củi của chị đã cho tôi có một bữa cơm thật ngon và ấm áp tình quê.
SÔNG CÔN