Thầm thì cùng mẹ mỗi ngày
Đều đặn mỗi ngày mẹ và con đều gọi điện thoại cho nhau, chuyện trò rỉ rả. Biền biệt mưu sinh phương xa, con và mẹ nào có được may mắn như câu ca xưa: “Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho”. Con có về hay mẹ lặn lội từ quê vào thăm, mỗi năm cũng chỉ gặp nhau một, hai lần vội vã, rồi lại ngậm ngùi tiễn tiễn, đưa đưa. Cả mẹ lẫn con đành chỉ biết thầm thì câu chuyện mỗi ngày qua chiếc điện thoại thông minh cho vơi niềm thương nỗi nhớ.
Ngày nào cũng gọi, vậy mà chuyện mẹ, chuyện con cứ miên man, kể hoài, kể mãi chẳng dứt. Hết chuyện nhà đến chuyện làng, chuyện xóm, kéo dài cả tiếng đồng hồ. Hôm thì mẹ kể chuyện nay đi chợ, hè về là quê mình có nhiều cá biển tươi ngon lắm. Con mà ở nhà, thể nào mẹ cũng nấu cho nồi canh cá nục với lá chua me hái quanh vườn nhà. Nói rồi, mẹ nghiêng nghiêng chiếc điện thoại quay mớ cá nục tươi xanh. Nhìn hộp cá nục mẹ đã rửa sạch sẽ, cắt vi, bỏ mang, ướp chút mắm muối, hành củ thái lát mà sao những tháng ngày đã xa như những thước phim chầm chậm quay về. Cũng tầm tháng năm này, vùng quê chài lưới được mùa cá nục và bữa cơm những tháng ngày gian khó triền miên với cá nục kho, cá nục nấu canh lá chua me, cá nục hấp. Loại cá dành cho nhà nghèo mà ngon đáo để, bữa cơm nào con cũng ăn vài ba chén, cả nhà rộn rã chuyện trò. Hồi đó, mỗi lần mẹ đi chợ về, con hay nhanh nhảu cắp chiếc rổ tre ra vườn hái lá chua me, lá ngò gai cho mẹ nấu món canh chua. Rau chua nấu cá mộc mạc thôi, mà sao hợp nhau, đưa cơm lắm. Giờ nghĩ lại, con thích làm việc đó, nào đâu chỉ để ngóng chờ nồi canh chua chua ngòn ngọt đưa cơm mà còn như một cách đỡ đần được chút nào hay chút đó cho bao vất vả lo toan của mẹ.
|
Hết kể chuyện chợ búa, cơm nước, mẹ lại chuyển sang chuyện nhà. Bao nhiêu lần gọi điện là bấy nhiêu lần mẹ dặn dò nhắc nhở mấy cháu học hành. Lần nào mẹ cũng một câu, sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi, ráng mà dành thời gian chăm chút cho con cái nghe con. Cả đời tần tảo, hy sinh, mẹ hết lo cho từng đứa con lại đến lo cho từng đứa cháu. Lại nhớ những buổi tối nơi bộ bàn ghế đầu góc nhà, con ngồi học bài, mẹ ngồi trước mặt soạn bài cho buổi dạy ngày mai. Nhớ hình ảnh mẹ đeo chiếc kính trễ xuống cả mũi, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn con, cái đứa con chậm chạp nhất trong mấy anh chị em, xem thử học hành, làm bài vở thế nào mà lòng con như chùng xuống với bao yêu thương, bao gánh nặng mưu sinh theo năm tháng.
Lan man chuyện trò, mẹ lại kể sang chuyện xóm, chuyện làng. Chuyện hôm qua con trai lớn nhà chú lối bên cưới vợ. Mẹ thức dậy từ sớm, mặc bộ quần áo dài thật đẹp đi đón cô dâu ở tận tỉnh khác, rồi chú nhờ mẹ dẫn cô dâu mới vào phòng, trải chiếu cho đôi tân hôn. Nghe con thắc mắc già rồi mà sao đi xa thế, mẹ bảo, người ta cũng chọn mặt gửi vàng, tục ở quê cưới hỏi phải nhờ người lớn tuổi có con cháu đùm đuề, đủ nếp đủ tẻ. Giúp cho bà con xóm làng có phúc phần là giúp thôi con, mẹ chẳng nề hà. Nghe mẹ nói vậy mà thầm thương. Giống cha nên cả mấy anh chị em con hầu như ai cũng điềm tĩnh, ít nói. Khác với mẹ khi nào cũng sôi nổi, xốc vác, xóm làng ai có chuyện buồn, chuyện vui đều nhanh nhảu lo toan, chia sẻ. Chúng con vẫn hay đùa, cái bệnh bao đồng khiến mẹ trở thành địa chỉ tin cậy từ hồi nào chẳng hay.
Sau bao nhọc nhằn, buồn vui, thầm thì câu chuyện mỗi ngày với mẹ như ly nước mát lành rưới lên tâm hồn con xanh lại giữa bộn bề cuộc sống. Mẹ cũng vui lắm. Vừa mở điện thoại lên là giọng đã rổn rảng, mẹ bảo cảm giác như con đang ở gần bên mỗi ngày.
Hôm rồi, con chợt nghe câu hát “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần” từ bên nhà bên vọng lại mà thấy lòng rưng rưng. Biết “tre già măng mọc”, chúng con cũng sẽ già đi, con cái chúng con cứ thế lớn lên, cuộc sống cứ thế vẫn tiếp diễn. Biết chẳng ai có thể cưỡng lại vòng quay sinh, lão, bệnh, tử của cuộc đời nhưng trong con vẫn mơ hồ nỗi lo sợ vô hình. Sợ rồi, sẽ đến một ngày xa mẹ, con chẳng còn ai để rỉ rả chuyện trò, để thầm thì bao nghĩ suy, trăn trở
Con đã rưng rưng tự hứa với lòng mình rằng, sẽ cố gắng để được gặp mẹ cha nhiều hơn. Để con được đếm tuổi mẹ, tuổi cha bằng những sợi tóc bạc, bằng những nếp nhăn trên gương mặt, bằng những vết đồi mồi trên đôi tay. Để con được thầm câu chuyện mỗi ngày, được nghe những dặn dò, cả những cằn nhằn của mẹ, dù chỉ là qua điện thoại. Để qua tháng năm, con đếm mừng mẹ thêm một tuổi, mừng vì con vẫn còn có một “lòng chung thủy tuyệt đối”, một tình thương bao la không vụ lợi để nương nhờ, sẻ chia. Con chỉ ước mong sao mẹ cha thật khỏe, thật trẻ để sống thật lâu với chúng con mà thôi.
NGUYÊN PHÚC