Tết với trẻ con
Khi tôi đang lu bu với hàng tá công việc của những ngày cuối năm, thì cậu con cứ lẽo đẽo theo sau, bảo mẹ bày hát bài đón Tết. Không biết tựa đề cũng chẳng thuộc lời, ngọng líu ngọng lo, cậu hát được đúng một câu: Tết tết tết là tết là tết, ý để mẹ biết bài hát mình cần.
|
Thấy con háo hức, dù bận bịu, tôi cũng dành thời gian bật nhạc theo yêu cầu. Nhạc vừa lên, cậu con cứ thế nhún nhảy. Chỉ vài phút sau, nhà đã đầy một băng trẻ con. Đứa nào đứa nấy đứng trước ti vi, vừa hát, vừa nhảy, nói cười giòn tưng.
Cả tháng nay, kể từ khi trường làm trại xuân, cậu con đã rộn ràng. Ngày nào đi học về, cũng bắt mẹ ghé qua trại của lớp rồi dặn dò mẹ nhớ chuẩn bị áo dài cho con. Thế rồi, ngày hội đến, cậu con vui vẻ trẩy hội, cùng với lớp, với các phụ huynh gói bánh chưng. Những hôm ấy, cậu phấn khởi, nói cười kể không hết chuyện ở lớp.
Vốn ít để ý, quan sát, vậy mà thời gian trở lại đây, cậu cũng nhận ra sự thay đổi của phố phường. Dọc đường đi học về, cậu rôm rả với hàng loạt các câu hỏi: mẹ ơi, sao nay trụ đèn được gắn nhiều hoa vậy? Đi qua chợ hoa, cậu cũng chẳng quên hỏi: sao bữa nay nhiều hoa ngoài đường vậy?
“Sắp Tết đó con!” - tôi trả lời
Dù chưa hiểu rõ Tết là gì, cậu con đã Yeah yeah rồi vỗ tay đốp đốp. Cậu con cười cả buổi khi mẹ cho biết, Tết sẽ được nghỉ học, được lên ông bà nội gói bánh chưng, về nhà cậu Hai chúc Tết... Vì háo hức mà tối nào cũng như tối nào, dù mẹ đã ríu mắt vì buồn ngủ, cậu con vẫn còn lẩm nhẩm: chúc ông bà sức khỏe dồi dào, bình an, vui vẻ...
Sếp hối thúc kế hoạch, việc nhà ngổn ngang, chuyện tất niên, cúng ông Táo... khiến bản thân trở thấy áp lực với thời gian. Nhiều lúc cảm thấy... sợ Tết. Nhưng, nhìn thấy cách con chờ đón Tết, mọi mệt mỏi như tan biến. Chậm lại vài phút để hòa nhịp, mới thấy, Tết với trẻ con thật đẹp!
Với trẻ con, Tết như một bức tranh vui tươi, tràn đầy nhựa sống. Trong suy nghĩ vô tư, vô lo, dường như những đứa trẻ nào cũng mong đến Tết. Bởi đó là khoảng thời gian để được nhận tiền lì xì, được vui chơi, được thỏa sức ăn những món bánh kẹo ngon, được mặc áo quần đẹp, được đi đây đi đó để gửi lời chúc năm mới đến mọi người...
Thật ra, ai cũng có tuổi thơ và ai cũng trải qua một thời như thế. Hồn nhiên đếm ngược từng ngày cho đến Tết. Thậm chí, chờ Tết đến mức mất ăn, mất ngủ rồi mang cả tiếng cười, mang cả niềm háo hức vào trong giấc mơ.
Quay ngược thời gian trở về với tuổi thơ, ngày trước, mới đến tháng Chạp, khi gió đông về, lũ trẻ trong xóm đã chờ Tết. Tầm 25 Tết trở đi, chẳng đứa nào còn màng đến bài vở. Lúc đó, từ đầu đến cuối xóm, hễ gặp nhau, đứa nào đứa nấy chỉ kể đến chuyện mua đồ Tết, khoe nhà mình nhiều hay ít bánh kẹo.
Thời ấy khó khổ, một năm, đến Tết mới được mua đồ mới một lần. Nhà nào khấm khá, con cái được vài bộ đồ, cái mũ, đôi dép; nhà nào không có điều kiện, mỗi đứa con cũng được sắm cho 1 bộ đồ mới nhưng đều mua trừ hao để mặc được trong cả năm. Chỉ nhiêu đó thôi, đã thấy phấn khởi.
Biết rằng, Tết, nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng, nên chẳng cần phải đợi nhắc nhở, từ trai đến gái, nhà nào, lũ trẻ cũng chung tay dọn dẹp. Có đứa lười lắm nhưng nhìn qua hàng xóm, thấy bạn dọn nhà, cũng chẳng thể đứng im. Thế rồi, đứa quét mạng nhện, đứa dọn tủ kính để lau, rửa mấy cây cảnh nho nhỏ bằng nhựa; đứa chà bộ bàn ghế cũ rích, xịt nước khắp nền nhà để chà, để lau cho sạch sẽ.
Ngày đó, mỗi lần người lớn gói bánh tét, bánh chưng, trẻ con cứ lẩn quẩn ở bên. Nhiều lúc, chạy ra chạy vô, bị người lớn la rầy nhưng vẫn chộn rộn tìm cách ngồi gói. Không gói được bánh tét thì ngồi xin ít nếp, ít nhân, trộn trộn, gói gói làm bánh ú. Cứ thế, cho đến khi nổi lửa, bánh chín, được vớt ra, lũ trẻ mới thôi...
Kí ức luôn thật đẹp! Và càng rực rỡ khi được sống lại qua đôi mắt long lanh, qua niềm mong chờ của những đứa trẻ. Tết với người lớn thật bộn bề. Nhưng, với trẻ con, thật thú vị. Như cậu con bây giờ, ngày nào cũng rộn ràng, bao giờ đến Tết!
Hoài Tiến