Tết quê
20 năm xa quê, là từng ấy năm tôi luôn đau đáu ước muốn về nhà ăn Tết cùng bố mẹ. Nhưng vì nhiều lý do mà Tết này tôi mới thực hiện được.
Hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi vội vàng gói ghém hành lý cùng gia đình nhỏ Bắc tiến. Sợ mẹ lo lắng nên tôi không báo trước là sẽ về quê ăn Tết. Chặng đường dài gần 1.300km, cùng với bao vất vả, mệt nhọc phía trước không làm vơi chút nào sự háo hức trong tôi.
“Đường về nhà là vào tim ta/Dẫu nắng mưa gần xa/Thất bát vang danh/Nhà vẫn luôn chờ ta. Đường về nhà là vào tim ta/Dẫu có muôn trùng qua/Vật đổi sao dời/Nhà vẫn luôn là nhà” – ca khúc “Đi về nhà” luôn vang lên suốt hành trình, và cả nhà hát theo say sưa bằng tất cả tình cảm, nỗi nhớ mong.
Rồi bao mệt mỏi tan biến đi khi tôi thấy mẹ ngồi nhặt rau trước sân nhà!
|
Vừa nhìn thấy tôi, mẹ vội vã bỏ mớ rau xuống, mắc rưng rưng lệ, cảm xúc vỡ òa, lập cập chạy ra ôm vào lòng, rồi mắng: “Cha mày, về mà không báo trước mẹ một câu”. Còn tôi, cứ ôm chặt lấy mẹ, nước mặt cũng trào ra.
Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm im lìm. Vườn rau bên hiên nhà mẹ trồng đủ loại luôn xanh ngát. Trong nhà, mẹ trang trí đơn giản đón Tết.
Nghỉ ngơi giây lát, tôi theo mẹ đi chợ tết như ngày xưa, chỉ khác là thay vì mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cũ thì nay tôi chở mẹ trên chiếc xe máy của cha.
Buổi tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm đoàn viên. Con cháu về, mẹ chộn rộn bày biện đủ món, không thể thiếu món giò thủ, bánh chưng bố gói; đĩa hành củ mẹ muối, gà luộc rắc lá chanh thơm lừng.
Mẹ sụt sùi: “Lâu lắm rồi, mới đông đủ thế này”. Bùi ngùi, rôm rả cứ đan xen trong bữa cơm sum họp với những câu chuyện, ký ức xưa và nay. Lại nhớ, ngày xưa, khi con cái còn nhỏ, bữa cơm gia đình luôn đông đủ thì lại thiếu cơm, thiếu mắm. Ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy, chúng tôi trưởng thành thì lại khó có thể đông đủ các thành viên trong gia đình.
Tôi kể cho mẹ nghe về chuyến đi mang nhiều cảm xúc dọc đường từ Kon Tum về đất Bắc trên chuyến xe vội vã chiều cuối năm chất chồng hành lý, lao vùn vụt trên đường. Chúng tôi đã “dìu” nhau đi dọc dài đất nước để trở về nhà, nơi có cha, có mẹ và những người thân đang đón đợi những người con xa quê trở về.
Tôi thủ thỉ với mẹ về quê ăn Tết không chỉ là đơn thuần là đón Tết, hưởng không khí tết quê, ăn Tết với gia đình, mà đó còn là tìm về nguồn cội. Mẹ xuýt xoa: “Mong con về nhưng đường xa quá, thân gái dặm trường, khổ thân con”. Tôi nói với mẹ: “Với những người xa quê như con, mỗi khi Tết đến Xuân về là lúc muốn được về nhà nhất; chỉ cần còn người mong ngóng, chờ đợi, dù xa đến mấy, chúng con vẫn háo hức chạy về, đó là hạnh phúc mẹ ạ!”.
|
Sáng mùng 1 Tết, mẹ dậy sớm, sửa soạn mâm cơm mời gia tiên. Trời lạnh buốt, tôi cố gắng chui ra khỏi chiếc chăn bông to sụ, vươn vai hít thở rồi lò dò xuống bếp. Bếp lửa cháy rực, ấm áp. Bếp ga, bếp điện đủ cả, nhưng mẹ vẫn thích đun bếp củi bởi có hơi lửa, hơi khói nhà mới ấm, mới thơm. Mẹ lại khuyên: “Con ngủ thêm đi, trời lạnh lắm, mẹ làm loáng cái là xong”. Vẫn câu nói quen thuộc từ khi tôi còn nhỏ, bao năm trôi qua rồi vẫn thế!
Cả gia đình sum họp bên bàn ăn, thưởng thức những món ăn truyền thống của gia đình. Sau bữa sáng, con cháu xúng xính trong những bộ đồ mới, đứng thành hàng ngang chúc Tết ông bà, bố mẹ và nhận phong bao lì xì đầu tiên. Tôi cùng bố mẹ đi chúc Tết những người thân trong gia đình, đi lễ chùa đầu năm cầu sức khỏe, bình an cho mọi người.
Mùng 2, mùng 3 Tết là thời gian dài cho việc thăm bạn bè, người thân và trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ngoài ra, những ngày này cũng là dịp để cả gia đình tham gia các hoạt động vui Xuân; cuối ngày cùng nhau nấu nướng và sum họp bên bữa cơm gia đình.
Ngoài trời, mưa rơi lắc rắc từng hạt, gió mùa Đông Bắc tràn về rít khe khẽ qua khe cửa. Cuộn tròn trong chiếc chăn ấm, rúc nách mẹ như ngày còn nhỏ, tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm. Giá như hơi ấm của mẹ có thể gói lại, bỏ vào trong túi xách, lâu lâu lại hé ra nhìn để đỡ nhớ, để có đủ niềm vui đi trọn những ngày tháng mới đến Tết sau.
Những ngày bên cha mẹ qua nhanh. Gói ghém từng món quà quê mà cha mẹ chuẩn bị, tôi lại lên đường, trở lại nơi công tác để bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên của năm mới với bao niềm tin, hy vọng và quyết tâm.
Để lại phía sau một lời hẹn: Đến Tết con lại về!
DƯƠNG NƯƠNG