Tết này ta lại mặc áo dài!
Đáng lý ra thì vào gần tết như thế này, chị dâu tôi đã than mệt đừ. Nhưng tài thật, không những không mệt mà lại còn tươi hẳn lên là khác. Ấy là vì làm việc nhiều mà quên mệt? Ấy là vì tiết xuân dịu dàng? Ấy là vì thương chồng, thương con mà không quản ngại vất vả chăng?
Cũng có thể!
Nhưng ngẫm cho kỹ thì tôi cho rằng, lý do quan trọng nhất là chị không còn phải mất nhiều thời gian, mất nhiều tinh lực để lo lắng, để băn khoăn về chuyện mặc gì trong những ngày tết của mấy mẹ con. Phụ nữ mà, chuyện ăn mặc vào những dịp lễ tết luôn làm họ lo lắng nhất.
Tết này ta lại mặc áo dài nhé? Chị hỏi mà cũng là quyết định. 2 cô con gái, và cả ông chồng “cổ hủ”, gật đầu ngay.
Mấy năm trước, cứ gần tết là chị và 2 cô con gái lại làm rộn cả nhà vì cái nỗi ngày Tết mặc gì cho cả năm sung túc? Màu sắc nào phù hợp với phong thủy năm nay? Kiểu váy áo nào đang trên đà thành mốt? Nghĩ thì cũng khó cho chị, 2 cô con gái thì không sao, còn chuyện mặc gì của chị cũng khá… nhiêu khê, bởi có ông chồng khó tính.
Thực tình, mấy ông “công chức bàn giấy” có lúc đáng yêu thật, nhưng cũng có một vài khi làm cho chị em bực cả mình. Như chuyện ăn mặc chẳng hạn, chị hỏi thì cứ ậm ừ: Mặc gì cũng đẹp cả (nịnh gớm). Nhưng khi mặc váy thì kêu không hợp, mặc đồ “kín cổng cao tường” thì chê nghiêm túc quá, mặc đồ trẻ trung thì phán “cưa sừng làm nghé”… Rõ là khó chịu.
|
Tết năm ngoái, cũng đang loạn cả lên vì chuyện ăn mặc, thì nhóm bạn của chị rủ nhau sắm áo dài đi chụp ảnh và mặc tết. “Đấy, thiên hạ chẳng mặc đầy ra đấy thôi. Đẹp lắm”- họ rỉ tai nhau. Chị nghĩ: Thôi thì thử xem sao.
Ai ngờ, khi 3 mẹ con xúng xính trong bộ áo dài thêu hoa, thêu phượng thì ông anh “cổ hủ” ngẩn tò te ra, rồi thẫn thờ buông một câu: Thật không ngờ. Khi bị vặn: Cái gì không ngờ? Thì câu trả lời còn thẫn thờ hơn: Đẹp không ngờ.
Đó, tôi dám cá rằng, bất cứ gã đàn ông nào đều cũng sẽ bị hút hồn, cũng ngơ ngẩn bởi tà áo dài “bay bay bay bay trên phố nhẹ nhàng” ấy. Và biết đâu, vài ba gã trong số ấy, sẽ thành thi sĩ.
Bỗng dưng, tôi nhớ những tà áo dài duyên dáng của các mẹ, các chị, các bạn trong ngày tết thuở thiếu thời. Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, như những bông hoa, như những cánh bướm dập dờn trên đường, cho không khí ngày xuân thêm trọn vẹn.
Giáp tết, gặp trời nắng ráo, mẹ tôi lại giục giã chị gái giặt giũ, phơi phóng áo dài. Loại trang phục này phải giặt thật nhẹ tay và không được phơi ở thời tiết nắng quá lâu, ủi ở nhiệt độ vừa phải, có như thế mới giữ được áo dài luôn mới.
Lớn lên đi học đại học, rồi đi xa lập nghiệp. Ở quê mới, áo dài chỉ xuất hiện thấp thoáng trong các ngày lễ, ngày chào cờ đầu tuần của một số trường PTTH, trong các buổi liên hoan văn nghệ hay các cuộc thi. Còn ngày tết thì rõ ràng là “sân chơi” của đủ các loại trang phục hiện đại, thịnh hành nhất là áo váy, đầm. Còn đâu bầu không khí dịu hiền, khi mẹ và chị giặt áo dài phơi trước sân; còn đâu hình bóng cô bạn học thướt tha áo dài sáng mùng Một?
Ngày đầu năm, đi tha thẩn một mình trên các đường phố mà thương, mà nhớ áo dài. Những đêm xuân trằn trọc, da diết nhớ về những tà áo dài du xuân nơi quê nhà, trong đó có tà áo trắng đơn sơ mà dịu dàng, thánh thiện của cô bạn học.
Mừng thay, và tự hào thay, mấy xuân gần đây, áo dài dần xuất hiện và “lên ngôi”. Những ngày xuân, chị em diện áo dài, nô nức rủ nhau tạo dáng chụp ảnh. Giữa muôn hồng nghìn tía, tà áo dài thướt tha như những cánh bướm la đà ghé vào những hàng hoa.
Nhìn nét mặt tươi roi rói của vợ chồng chủ tiệm may áo dài nằm khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ rợp bóng cây xanh, tôi đoán rằng, họ vui không chỉ vì lý do khách ra vào nườm nượp, 2 vợ chồng và mấy thợ phụ làm không ngơi tay, đơn đặt hàng còn tới tấp đến, mà còn cả vì niềm vui áo dài về với vàng son.
|
Suốt nhiều năm qua, kể cả khi áo dài thăng trầm nhất, ít người mặc nhất, 2 vợ chồng vẫn níu giữ lấy cái nghề mà sống qua ngày, mà mơ đến một ngày áo dài trở lại vị trí vốn có. Âm thầm, lặng lẽ mà kiên trì, cuồng nhiệt giữ cho nghề may áo dài gia truyền không mai một, dù trên vai cũng nặng gánh cơm áo gạo tiền.
Không biết vì sao mà nhà em cứ quả quyết rằng, sẽ có ngày áo dài lại lên ngôi, em có thể học may vét, may đầm, may quần tây, áo sơmi, nhưng anh ấy vẫn giữ nghề may áo dài, đêm đêm mày mò vẽ các mẫu áo dài mới, phác thảo trên giấy thôi, ai ngờ mấy năm nay đắc dụng thật- cô chủ cười, liếc anh chồng đang cặm cụi dồn tâm sức vào những đường cắt lả lướt trên vải lụa với ánh mắt tình tứ.
Tôi cứ muốn được nắm đôi bàn tay với những ngón thon dài, chạy những đường gân xanh xanh (đặc trưng của những người làm việc nhiều trong nhà) kia của cô vợ, và ôm chầm lấy người chồng để cảm ơn đã giữ mãi ngọn lửa đam mê với trang phục mang “quốc hồn quốc túy” nhất này.
Tôi cũng muốn cảm ơn nhóm bạn trẻ đang ríu rít thử mẫu áo dài kia nữa. Vì họ đã sớm quay trở lại với áo dài, lựa chọn áo dài để du xuân, thay vì những bộ váy áo đắt đỏ. “Bồ thấy thế nào”? Cô gái trẻ xoay một vòng trước gương, tà áo tím, thêu hoa bay như cánh bướm, ríu rít hỏi. Cả nhóm xúm lại, ồ lên: Trời ơi, đẹp quá.
Cô chủ tiệm may dịu dàng nhìn nhóm bạn trẻ, chia sẻ với tôi rằng, áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi, và mọi tầng lớp của xã hội. Từ người giàu cho đến người nghèo, từ trẻ con cho đến các cụ già đều có thể mặc áo dài. Đối với mỗi độ tuổi, áo dài lại có các cách thức và kiểu may phù hợp, giúp người mặc nó cảm thấy tự tin và xinh đẹp hơn.
Nếu ngày thường, áo dài kiểu truyền thống với cổ cao, tay dài, tà dài được lựa chọn nhiều thì vào dịp Tết, áo dài cách tân lại được ưa chuộng hơn. Bởi áo dài cách tân có nhiều kiểu hơn, tà áo cũng không quá dài nên dễ di chuyển, tiện lợi. Bên cạnh đó, áo dài cách tân thường được đặc biệt hoá về chất liệu và cách thể hiện để truyền tải thông điệp của mùa xuân là tình yêu, là sinh sôi nảy nở, là bình yên, là hy vọng một năm mới thịnh vượng.
Áo dài Tết dành cho các độ tuổi khác nhau, như trẻ em, thiếu nữ, trung niên, người già, cũng sẽ có sự khác biệt. Trong khi những bạn trẻ ưa chuộng áo dài cách tân với họa tiết trẻ trung và nhiều màu sắc, thì lứa tuổi trung niên thích áo dài mang phong cách tối giản nhưng không kém phần sang trọng, thiết kế tôn dáng và màu sắc cổ điển. Và cuối cùng là người già, thường tập trung vào sự cổ điển trong thiết kế, hoa văn quý phái, màu sắc nho nhã.
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, vợ chồng cô luôn tìm cách đưa vào áo dài những cách thể hiện mới về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, kĩ thuật thời trang... cũng như lấy cảm hứng từ những nét văn hoá dân gian Việt Nam.
Trò chuyện với họ, nhìn những bạn trẻ đang tìm đến với áo dài, tôi luôn tràn đầy niềm tin rằng, dù mỗi năm mỗi thay đổi, nhưng tà áo dài thướt tha, dịu dàng và quyến rũ kia vẫn sẽ mãi tung bay trên khắp phố phường mỗi dịp xuân về.
Đủ để bao gã trai si tình thành thi sĩ!
Hồng Lam