Tết nay đã về rồi
Theo con đường xẻ giữa quả đồi bát úp, tôi đi về làng. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trời miền cao càng lạnh. Đứng trên đỉnh dốc nhìn về, sương mù giăng kín làng, quẩn quanh trên từng mái nhà sàn tạo nên vẻ bảng lảng mê hoặc. Làng khi ấy như được khoác tấm khăn voan trắng mỏng, phất phơ theo từng cơn gió thổi hun hút, ngóng đợi chút nắng ấm ban mai.
Buổi sớm yên ả, trong lành. Chỉ có gió và lạnh. Những vạt gió sớm từ đỉnh núi tràn xuống, từ trong rừng ùa ra. Gió có hương thơm của hoa núi, có vị ngọt của quả rừng, có tinh khiết của sương sa. Gió như đưa tôi về với làng, về với không khí sum vầy bên bếp lửa gia đình già ngày giáp Tết.
Những cơn gió cứ rin rít, lùa qua từng kẻ hở dẫu nhỏ trên lớp ván thưng khiến cái lạnh tràn vào căn nhà sàn đã sẫm màu theo thời gian. Già trầm ngâm nhìn căn nhà, nhìn cậu con trai lớn mới cưới vợ vừa được già và dân làng chung sức dựng cho căn nhà sàn mới ở kế bên mà bảo, căn nhà này và nó bằng tuổi nhau đấy, bảo sao không phủ màu thời gian. Giờ nó có nhà riêng rồi, Tết đầu tiên trong căn nhà mới đấy. Tụi nó cũng chuẩn bị các thứ để đón Tết, cũng có cặp bánh chưng xanh mà cán bộ xã, thanh niên trong thôn, các thầy cô giáo gói, nấu cả ngày trời đem tặng, cũng có món thịt khô gác bếp truyền thống của dân làng… nhưng già vẫn chuẩn bị thêm cho phần của gia đình nó nữa. Đoàn viên, sum họp chứ! Tết mà!
|
Tết mà! Lời của già trầm ấm, cách nói sao mà gần gũi, mến thương. Làng già có hệ thống lễ tết theo vòng đời và vòng cây. Ngày thóc lúa đầy kho cả làng mừng vui mở hội. Nghe tin dân làng mở lễ cúng Giàng, mấy nhà người Kinh ở đầu làng hân hoan đón đợi. Tết Nguyên đán, họ hoan hỉ sửa soạn, bà con trong làng cũng vui chung. Xen cư và cộng hưởng văn hoá trong sinh hoạt, lâu dần cả làng cùng nhau đón Tết Nguyên đán - Tết của cả dân tộc Việt Nam.
Ngoài trời lạnh, lạnh lắm, lại thêm những cơn gió thổi thông thốc tràn cả vào căn nhà sàn đã hai mươi mấy năm nhưng hơi ấm từ bếp lửa than góc nhà, hơi ấm của tình đoàn viên, sum họp những ngày giáp Tết khiến không gian gần gũi, nồng ấm. Bình thản đút thêm thanh củi, cời sáng ngọn lửa, già dặn anh con trai lớn chặt bớt những cành cây rậm rạp quanh vườn, làm cỏ trước sân, quét dọn lại nhà cửa. Tết mà, phải quét dọn đi những gì u ám, không may để đón chào hương thanh khiết đất trời năm mới, hồn ấm no của cây lúa, cây mì, cây cà phê vụ mới… Tết mà, cửa nhà phải tinh tươm, năm mới mới hanh thông, thắng lợi. Thực phẩm ngày Tết không phải lo nữa. Thịt heo đã mổ chung với nhà bên. Nhà còn đàn gà, vạt rau sau nhà; bánh chưng xanh được tặng, lại thêm mớ cá mà già và anh con trai lớn đánh bắt hôm qua được cô con dâu mới tỉ mẩn chế biến kho một nồi lớn. Còn thết đãi họ hàng, khách quý đến thăm, ngoài món thịt heo khô gác bếp già chuẩn bị từ mấy tháng trước, có cả mứt gừng nhà người Kinh đầu làng năm nào cũng tự tay làm lấy, ân cần mang đến biếu già đón Tết. Rượu cần đã ủ ba ghè từ mấy tháng trước, nhà dùng hai ghè, cho nhà anh con trai lớn một ghè đãi bạn năm đầu đón Tết nhà mới. Vậy là đủ rồi, vui thôi, chứ không được vui quá, già quán triệt. Sau ba ngày Tết còn cắt cử nhau tưới nước cho rẫy cà phê vụ mới…
Cả nhà lại chuyển sang bàn chuyện làm ăn trong năm mới, vun chỗ nọ, trồng thêm ít cây ăn quả, xới chỗ kia đào ao thả cá cải thiện bữa ăn hàng ngày… Nghe nhà bên vọng tiếng lộc cộc đàn bò đi ăn sớm, già dặn con dâu nhớ cắt ít cỏ, chuẩn bị ít rơm để đàn bò cũng được ăn no mấy ngày Tết.
Cả nhà ngồi bên bếp lửa lắng nghe. Cô con dâu mới vẫn đều đều tay bên khung cửi, thỉnh thoảng góp cùng cả nhà dăm ba câu chuyện. Tấm vải thổ cẩm cô dệt để may áo mới cho già gần hoàn thiện với sắc màu chủ đạo đỏ - đen. Màu đen tượng trưng cho đất chân chất, bền bỉ. Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời rực rỡ, nồng ấm. Chất phác mà uy nghiêm.
Sáng mùng Một tết, già sẽ khoác chiếc áo mới này vào và cùng cả nhà ăn bữa cơm đầu năm. Bên bếp lửa nồng ấm, mỗi người nhấm nháp vài miếng thịt khô gác bếp từ mấy tháng trước, ăn chén cơm gạo mới, cùng chúc nhau những lời tốt đẹp, cầu mong mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy kho… Rồi cùng nhau đi chúc Tết bà con, xóm làng, chúc năm mới sức khỏe luôn dồi dào, vườn rẫy được mùa, thóc luôn đầy kho, lửa trong nhà không bao giờ tắt, gia đình luôn ấm áp và hạnh phúc.
Chỉ nghĩ đến đó già thấy vui. Tết mà, năm mới mà, bao giờ cũng mang theo nhiều hy vọng.
|
Lửa trong bếp thỉnh thoảng vẫn lép bép nổ, khói lên xộc vào mũi mùi nồng nồng, ngai ngái. Chuyện cũ, chuyện mới ở làng bao giờ cũng mang lại những cảm xúc thú vị. Người Kinh, người bản địa bao đời sinh sống đan xen trong những ngôi làng vùng cao. Nét đẹp văn hóa giao thoa. Tình làng nghĩa xóm bền chặt. Ai nấy đều nỗ lực chăm chút vườn cà phê, vườn cây ăn trái xanh tốt. Người giỏi kỹ thuật sẵn sàng hướng dẫn, bảo ban người chưa biết. Còn cho mượn cái này, giúp cái kia. Thấy nhà nào cũng khá dần lên, nhà cửa gọn gàng, xóm làng sạch đẹp mà vui, mà quý.
Ngoài trời vẫn những cơn gió thổi, nắng đã dần lên mang theo hơi ấm nồng nàn. Trong mênh mang cỏ cây, gió lộng, tôi ngửi thấy mùi ngai ngái của đất đai ruộng vườn. Tôi nghe những chồi non đang dần nhú lên trên những cành cây trụi lá. Tôi thấy những gương mặt háo hức đón Tết, từ gương mặt vợ chồng già chất phác, gương mặt hiền lành của mấy người con, đến sự hân hoan trẻ thơ tỏa bừng trên nét mặt của cô con gái út.
Bếp lửa vẫn âm ỉ cháy. Già chủ nhà vẫn từ tốn, hiền lành, giọng đều đều cắt cử việc nọ, việc kia. Còn già, giáp Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, cũng đem bộ chiêng quý ra trải đều trên sàn nhà, tỉ mẩn lau từng góc, từng chiếc. Già bảo, bộ chiêng có sạch, có đẹp thì tiếng cồng, tiếng chiêng mới vang xa, cho làn điệu dân ca cất lên cao vút, cho đôi má của các cô gái thêm hồng, cho bước chân trai tráng thêm khỏe, cho người trẻ, người già cùng nắm tay nối vòng xoang kết đoàn...
Câu chuyện kể mộc mạc, nghĩa tình của già bên bếp lửa sớm mai như dẫn dắt tôi rong ruổi khắp làng trên xóm dưới để tận hưởng trọn vẹn không khí háo hức, sum vầy, đoàn viên ngày giáp Tết ở làng. Mà nói đúng hơn là Tết sớm. Vì không khí Tết đã về với làng từ mấy hôm rồi, bên bếp lửa của già, của nhà bên, nhà bên nữa.... Tết đã về trong lòng của mỗi người, trong hân hoan đón đợi của già, trong nụ cười trong veo, má ửng bồ quân của cô con gái út. Một, hai hôm nữa thôi, bà con trong làng sẽ lộng lẫy váy, áo mới. Những gương mặt ngời sáng, miệt mài với ruộng rẫy, hăm hở với cỏ cây luôn yêu thương, trân quý nét đẹp văn hóa sum họp, đoàn viên ngày Tết nguyên đán của dân tộc.
Tết về trong những căn nhà bên chân núi. Những căn nhà chất chứa những tháng năm hạnh phúc của vợ chồng già, trong căn nhà mới ngập tràn những ước mơ xanh biếc của cặp vợ chồng trẻ.
Năm mới về, nắng xuân về, mầm non sẽ nhú, hoa sẽ nở trên những bàn tay dẫu gồ ghề, chai sạn nhưng bao giờ cũng thấm đẫm sự hồn hậu, nhiệt thành và tin yêu, hy vọng.
Nguyên Phúc