Tết làng!
Ở nơi ấy, trên khoảng nghiêng nghiêng, van vát giữa núi đồi và sông suối có một ngôi làng đang rộn ràng vào Xuân. Ở nơi ấy, có những ngôi nhà, những nụ cười, những bữa cơm ấm cúng bên bếp lửa đang vẫy gọi tôi về.
Từ làng, Y Mây gọi về: Anh có về làng ăn Tết không? Hôm nay nhà bắt cá ăn Tết rồi. Pa nói anh ráng về. Pa để dành cho anh con cá to nhất ao đấy.
Tiếng Y Mây khọt khẹt trong điện thoại do sóng yếu. Hẳn là cô đang ở trên gò đất trước nhà.
Về làng ăn Tết. Nghe sao mà náo nức, mà chộn rộn!
Và trong đầu tôi hiện lên ngôi làng nằm trên một con dốc nhỏ, ở cái khoảng nghiêng nghiêng, van vát giữa đồi và sông.
Người già vẫn thường lấy làm đắc ý về cái thế của làng lắm. Để rồi đêm đêm, bên bếp lửa giữa nhà rông ấm áp, thán phục sự kiên trì, nhẫn nại của người già năm xưa, khi đi 5 đồi 7 núi tìm cho được nơi đắc địa mới lập làng. Nơi này, lên đồi thì có thể tỉa lúa, trỉa bắp, trồng mì; xuống sông thì có thể chài lưới bắt cá, tôm.
Cứ như người già kể lại, thì khi dời từ núi cao xuống, làng chỉ có chưa tới 20 nóc nhà. Họ quây quần dựng lều ở cái khoảng nghiêng nghiêng, van vát giữa đồi và sông mà người già đã chọn, khi ấy còn là rừng rậm, sống yêu thương, đùm bọc nhau.
|
Ban ngày, đàn ông chặt cây rừng, phát lau lách, gieo hạt; đàn bà, trẻ nhỏ tìm rau rừng, củ mài, xuống suối bắt cá, mò ốc, nuôi gà… Tối đến, bên bếp lửa, mọi người quây quần ăn uống, kể chuyện.
Dần dần, cuộc sống khá hơn, các gia đình mới rời khỏi lán cũ, làm nhà ở riêng. Trải qua năm tháng, làng dần trở nên đông đúc với gần 100 nóc nhà quây quần xung quanh nhà rông.
Nhưng có một điều không thay đổi, đó là sự kính trọng và lòng biết ơn của dân làng đối với những người có công khai khẩn, dựng làng.
Tôi được nghe ông A Phưng- bố của Y Mây, một cô giáo “mới tinh” nơi bạn tôi làm hiệu trưởng- kể chuyện về làng vào một đêm giáp Tết năm ngoái.
Hôm ấy, trong khi Y Mây dẫn bạn trai đi chào hỏi bà con, tôi cùng ông A Phưng đi dạo khắp làng. Những ngày cuối năm ở đây, nắng cứ vàng quánh lại, làm săn da mặt, và trong hơi thở thoang thoảng lẫn vào hương vị của các loài thảo mộc.
Câu chuyện dần trở nên cởi mở từ lúc nào không hay. Và đến khi ông A Phưng nói “tao coi mày như con Y Mây, thằng A Hùng nhà này” thì giữa chúng tôi đã không còn chút gì xa cách.
Nơi đây, nhà bao nhiêu gian thì bấy nhiêu gian đầy gió núi, gió sông. Chỉ cần mở cửa, là được ở giữa nghĩa tình xóm làng thơm thảo.
Bình yên nằm ở từng mái nhà, từng mâm cơm, trong bộ điệu lừng khừng, chậm chạp của chiếc công nông chở lúa trên đường. Ngay cả chú chó nằm cạnh cửa cũng chỉ ngóc đầu lên ngó rồi lại lim dim ngủ khi tôi đẩy cánh cổng bước vào.
Bình yên nằm ở bồn nước, nơi mấy bà, mấy chị đang cọ rửa chén đĩa, cười cười nói nói; mấy đứa trẻ đùa giỡn dưới gốc bằng lăng già. Trên các mái nhà, khói ấm bốc lên, ánh đèn nhảy nhót ở các ô cửa sổ.
Đi khắp làng, tuyệt không gặp một nét mặt thăm dò hay ánh mắt nghi kỵ dõi theo. Không cái gì cho ta cảm thấy yên bình, gần gũi, thân thuộc như thế. Nó hợp với tính cách dân làng, khoáng đạt, cởi mở, và chân thật như cây rừng, như đá núi.
Cuối năm, ngày như ngắn đi. Không giống ở phố, thấy Tết từ đầu tháng Chạp ở các hiệu tạp hóa với hàng hóa ngồn ngộn, ở làng, Tết đến muộn hơn, vì bà con bận chuyện ruộng rẫy.
Đến khi gốc mai già đã loáng thoáng cánh vàng tươi rói mới nhận ra Tết đã sát sau lưng. Thế là quýnh quáng bắt tay vô dọn dẹp nhà cửa, trồng cây nêu; đi sắm đồ mới cho tụi nhỏ; chuẩn bị vài ba ghè rượu, mua bánh mứt, chung nhau mổ heo, bắt cá suối.
Nhiều nhà còn kỳ công làm món ăn truyền thống của người Xơ Đăng, như rau dớn nấu cá suối; thịt heo gác bếp hoặc nướng ống lồ ô… Mấy năm gần đây, dân làng nấu bánh chưng, chia cho từng gia đình.
Đêm ở làng trong veo. Giữa sân nhà Y Mây lửa đã rực hồng, ghè rượu đã nồng thơm mời gọi. “Uống với nhau một tí cho năm mới may mắn! Tết mà”- pa Mây kéo tay tôi nói. Không khí gắn kết và đầm ấm.
Nhà Y Mây thật vui vì được đón rất nhiều khách quý. Có già làng, trưởng thôn, có cán bộ xã, nhiều bà con bên nội, bên ngoại. Mọi người đến mừng cho Y Mây- đứa con gái đầu tiên của làng học xong đại học, thành giáo viên. Đặc biệt, mọi người còn muốn xem mặt chàng rể của pa Mây, người yêu của Mây, cũng về ăn Tết làng.
Khi ghè rượu thêm nước, cũng là lúc cồng chiêng vang lên, ban đầu thánh thót, trầm bổng, rồi ào ạt như suối nguồn về. Những chiếc chiếu gần đống lửa được cuốn lại, nhường chỗ cho những bước chân, những bàn tay mời gọi mở vòng xoang.
Ngày Tết, ở làng không thể thiếu vắng tiếng chiêng ngân vang, không thể thiếu vòng xoang thắm thiết. “Ngày Tết mà không có cồng chiêng thì dù có ăn nhiều heo, ăn nhiều bò thì cũng không mấy vui” - người già bảo nhau như vậy.
|
Ngắm nhìn những giương mặt chất phác, cởi mở ấy, tôi chợt nghĩ về sự giao lưu, tiếp biến những yếu tố văn hóa giữa các dân tộc một cách tự nhiên đang diễn ra trước mắt. Khi đồng bào các DTTS tại chỗ tổ chức các lễ hội của họ thì người Kinh cũng hòa nhập và chia sẻ. Tết Nguyên đán cũng trở thành dịp vui chung của các dân tộc.
Đến nay, các dân tộc anh em tại chỗ ở Kon Tum đã đón Tết và tổ chức vui Tết. Đồng bào hiểu rằng, Tết Nguyên đán là một sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn, hiểu biết, sẻ chia và yêu thương nhau nhiều hơn.
Ngày Tết, bà con cũng qua thăm nhà và chúc tụng lẫn nhau; trẻ con được cho quà bánh, được mặc áo mới, được đến các điểm vui chơi cộng đồng. Tết đối với họ là dịp nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi sau một năm mưu sinh cực nhọc.
Đây thật sự là một nét đẹp, một sự hòa hợp rất giàu ý nghĩa. Nó chứng minh một điều, văn hóa không phải là sự áp đặt. Sức lan tỏa và phổ biến của nó là quá trình vận động theo điều kiện sống và theo quy luật khách quan, trong quá trình giao lưu văn hóa lâu dài.
Đang miên man suy nghĩ, có người vỗ vào vai: Anh coi, ăn Tết ở làng có phải thanh thản hơn ở thành phố không? Thì ra là A Hùng, anh trai Y Mây, làm cán bộ văn hóa xã. Tôi cười, gật đầu: Giờ này, ở ngoài đó đang chạy tơi bời vì Tết.
Cứ thế, tôi chếnh choáng với Tết làng!
Những ngày sau đó, giữa nhịp sống đô thị, đôi lúc tôi lại đau đáu nhớ về làng. Phải chăng vì ở vạt đất nhỏ nhoi ấy, trời cao và xanh lắm, nắng thì mênh mang, hừng hực, gió thì cởi mở, phóng túng, cây trái thì xanh rưng rức đến nao lòng?
Hay vì ở vạt đất nhỏ nhoi ấy, con người sống mộc mạc, hiền hòa, nhưng đã yêu là yêu sâu, đã nhớ là nhớ đậm. Đã nhận ai làm anh em, dẫu không nhỏ máu ăn thề thì cũng lời ra như dao chém đá, bền chặt mãi không thôi.
Nên khi nghe Y Mây hỏi có về làng ăn Tết không, là lòng tôi náo nức, chộn rộn lắm. Muốn bỏ thành phố sau lưng mình, cùng với những tất bật lo toan ngày Tết, để về với làng.
Để được đi mỗi nhà uống cang rượu thơm nồng, ngọt dịu. Để được đắm đuối vòng xoang, khi về đến nhà già A Phưng đã là chếnh choáng, lâng lâng chìm vào giấc xuân. Tỉnh dậy đã là năm mới, thấy đời tươi hơn, bao nhiêu khó khăn trôi qua hết; thấy mình còn đủ sức để đi tiếp./.
Bài và ảnh: Thành Hưng