Tất cả cũng tại mình!
Mẹ lặn lội từ quê vào thăm. Mới 2 năm không gặp, mà thấy lần này mẹ già hơn nhiều. Nhìn mẹ đi lại chậm chạp, bước lên xuống cầu thang lưng khòng, tay vịn, mà tôi lòng rưng rưng…
Tôi nghĩ, tôi đúng chẳng ra gì, biền biệt xa nhà, xa mẹ đã hơn 20 năm - từ những tháng năm son trẻ…
Học xong 12, tôi xa quê vào thành phố học đại học. Ngày tôi làm hồ sơ thi đại học, mẹ muốn tôi thi sư phạm Văn (điều mà mẹ cũng từng làm một cuộc thương thuyết với chị gái thứ ba). Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao mẹ muốn tôi đi học sư phạm - khỏi phải nộp học phí. Nhưng, phần vì thuận theo sở thích của tôi, phần thì mẹ cũng nghĩ đến chuyện các anh chị dần ra trường nên chiều theo ý… Khi đó, mẹ mới xong “nghĩa vụ” với chị gái đầu và anh trai thứ hai, tức là mới ra trường và có việc làm.
Chưa kịp thảnh thơi, mẹ lại tiếp tục gánh gồng lo cho chị gái thứ ba đang học đại học năm tư ở Hà Nội, tôi năm nhất ở Huế và cậu em út học phổ thông. Nuôi cả mấy người con cùng lúc đi học, cha tôi nghỉ mất sức từ khi tôi mới học lớp 2, lương nhà giáo của mẹ những tháng ngày đó chẳng đáng là bao. Vậy là mẹ sau buổi dạy lại vun vén lo toan cho con heo, đàn gà, nồi rượu… để có thêm ít tiền gửi cho tôi có cuộc sống tương đối “sang chảnh” so với bạn bè cùng quê thời đó.
4 năm trời, xa nhà trọ học, tôi và các anh chị em tôi tiêu tốn của mẹ một số tiền khủng so với đồng lương của mẹ cha. Mãi sau này, có lần về quê tìm giấy tờ cá nhân trong hàng loạt các loại giấy tờ mà cha mẹ lưu trữ trong tủ, một cuốn vở học sinh nhàu nhĩ ghi chép cẩn thận cùng hàng loạt biên lai gửi tiền qua bưu điện rơi ra.
Ngày… tháng… năm…, gửi G 500 nghìn đồng tiền ăn tháng 11 của hai chị em; ngày… tháng… năm…. gửi S 500 nghìn đồng nộp tiền học tiếng Anh; ngày… tháng…. năm… gửi H 2 triệu đồng làm luận văn tốt nghiệp; ngày… tháng… năm, gửi H… 1 triệu đồng đi thực tập; ngày…. tháng… năm, gửi V 20 triệu đồng tiền lo các thủ tục đi du học ở Pháp…
Xấu hổ với lòng mình, trời ạ, chả trách, mẹ luôn keo kiệt với chính bản thân mình. Mẹ chẳng bao giờ sắm cho mình chiếc áo, chiếc quần, đôi giày mới, toàn mặc lại đồ cũ không hợp mốt của các cô con gái thải ra – dù mẹ là cô giáo mỗi ngày phải đứng lớp trước bao nhiêu học trò.
Hết 4 năm xa mẹ cha lên thành phố trọ học, tôi khăn gói đi xa quê lập nghiệp. Mẹ hết dặn dò, lại chuẩn bị cho tôi ít tiền mua sắm tư trang cho một chặng đường mới…
Mới đây, trước khi chuyển sang nhà mới, tôi lục lại những thư từ, giấy tờ cũ để phân loại đã bắt gặp những bức thư của mẹ đầy ắp những nhớ thương, lo toan cho cô con gái nhỏ bé của mình lặn lội phương xa, trăm bề lạ lẫm. Nào là con phải biết kính trên nhường dưới, nào là đừng đánh đổi thiện lương của lòng mình với những hư vinh, nào là người con gái tha hương phải biết chọn người thật lòng thương yêu mình mà yên bề gia thất, vun vén cho cuộc sống riêng mình…
Đến tận bây giờ, tôi đã 17 năm xa quê kiếm sống, gần bằng quãng thời gian 18 năm đầu đời ở với mẹ, được mẹ lo cho miếng ăn, giấc ngủ, đến sáng sáng, tối tối lại nhắc nhở học hành…
Suốt cả bao nhiêu năm xa quê ấy, mẹ khi nào cũng nói (chẳng phải với riêng tôi mà cả hai anh chị và cậu em xa quê lập nghiệp), xe cộ ngày tết lễ đông đúc, các con vội vàng về, đèo bòng con cái thêm khổ, nháo nhào năm ba hôm cũng chẳng giải quyết được gì. Thương mẹ cha, thăm hỏi qua điện thoại, cố gắng chăm chút cho chồng con như mẹ đã từng làm cho con là mẹ thấy vui rồi.
Còn tôi, phần lấy lý do phần đường sá xa xôi, phương tiện đi lại không có gì khác hơn ngoài ô tô, phần con cái nhỏ dại, rồi công việc…, cứ thế mà biền biệt, một vài năm, chỉ về với mẹ một lần.
Đã vậy, lần nào cũng theo kiểu “vội vã trở về, vội vã ra đi”. Loanh quanh vài ba ngày, xuống nhà chị gái thứ ba ở phố lê la chơi cả một hai ngày, rồi ghé thăm nhỏ bạn cùng lớp phổ thông, ghé thăm cậu bạn ngày đại học, … thời gian ở với mẹ chẳng là bao.
Lần nào ngồi trên xe, nhìn cha mẹ ngày càng già hơn, chậm chạp hơn lần về trước; nhìn mẹ cha vẫy tay chào tạm biệt, miệng cố cười thật tươi mà lưng quay vội để che những giọt nước mắt lăn trào, tôi tự hứa với lòng mình, lần sau, lần sau nữa, sẽ về ở với mẹ cha thường xuyên hơn và ở cũng thật lâu hơn…
Nhưng rồi, công việc, chồng con muốn dứt không dứt nổi; lại thêm, lần nào trình bày sắp tới con về thăm mẹ cha là mẹ gạt phăng, trong đó chẳng có tuyến máy bay nối với quê mình, đi xe ô tô mẹ thấy nguy hiểm quá, cha mẹ đều khỏe mạnh, vui vẻ, không có công việc gì đừng về con ạ…
Cứ thế, những lời hứa của tôi cũng chỉ là hứa suông mà thôi… Ngẫm lại, chẳng phải đổ lỗi cho ai, tất cả cũng tại mình!
Nguyên Phúc