Tản mạn “ngày trở gió”
Chiều muộn, tôi phóng xe trên con đường thường ngày vẫn đi về, bỗng thấy lành lạnh, gió từng hồi phả vào mặt, luồn vào manh áo mỏng, thoáng chút rùng mình.
Buổi tối, tôi lại chui vào trong chăn ấm áp, nằm nghe tiếng lá xào xạc bên hông nhà, dậy lên một nỗi nhớ, nhớ về những mùa trở gió thuở ấu thơ…
Tôi quê ở miền Bắc. Vào khoảng tháng 10 (âm lịch) là lúc tiết trời chuyển dần sang mùa Đông, từng đợt không khí lạnh tràn về, cái gió heo may mang theo chút rét ngọt đầu mùa. Những ngày trở gió là lúc mẹ tôi gói ghém mớ quần áo mùa hè cất gọn vào trong rương và mang ra những chiếc áo ấm giặt phơi, để mọi người trong nhà mặc khi giá lạnh lúc mùa Đông về.
Những năm 90 của thế kỷ XX, nhà tôi còn nghèo lắm (mà nói vậy chứ lúc bấy giờ trong làng hầu như nhà nào cũng nghèo). Vì vậy, mùa Đông đến mang theo bao nỗi lo toan của mẹ với chăn, với áo, bởi nóng bức thì còn chịu được chứ rét buốt mà thiếu chăn, thiếu áo thì không thể nào chịu nổi.
Thế nên, khi nghe trở trời, gió lạnh đầu mùa tràn về báo hiệu mùa Đông tới, là lúc mẹ lại hì hụi rút từng bó rơm khô rồi chuốt cho thật sạch sẽ, phẳng phiu trải xuống dát giường, sau đó trải chiếu lên để chúng tôi nằm cho ấm. Mẹ tôi bảo đó gọi là lót ổ. Mẹ soạn từng chiếc áo len, áo mút, áo bông, xem kỹ những chỗ thủng, chỗ rách rồi vá víu lại để chúng tôi có cái mặc khi giá rét.
Tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi sáng đi học, mẹ luôn bắt chúng tôi mặc rất nhiều áo ấm. Thật ra, bây giờ nhớ lại những chiếc áo ấm mình mặc lúc ấy, tôi thường tủm tỉm cười. Với tôi, đó là “sự phối hợp ngộ nghĩnh”, cái thì ngắn cũn, cái thì rộng thùng thình, tạo thành lớp lang che ấm cho lũ chúng tôi, miễn sao cho ấm. Nhưng cấm cãi, mẹ bắt chúng tôi mặc cho kỳ được, bởi mẹ sợ chúng tôi bị nhiễm lạnh mà ốm thì lấy đâu ra tiền thuốc men. Chị em tôi cũng chẳng mấy quan tâm tới chuyện xấu đẹp, chỉ nghĩ đơn giản là có áo mặc để không phải xuýt xoa mỗi khi cơn gió heo may thổi táp vào mặt...
Theo năm tháng, giờ mẹ tôi đã già, chúng tôi trưởng thành. Nhưng mỗi đợt heo may về, nghe trời trở gió mẹ lại nhắc “sắp lạnh rồi đấy” để con cháu biết chuẩn bị chăn, áo. Nỗi lo toan một đời đã trở thành thói quen nên mẹ tôi không bao giờ quên nhắc nhở con cháu, dẫu bây giờ đời sống kinh tế gia đình đã khác xưa rất nhiều, thậm chí là dư thừa mọi thứ.
Mùa Đông ở Kon Tum không rõ rệt, không rét buốt như ngoài Bắc. Thế nhưng, mỗi độ tháng 10 về, đất trời vẫn chuyển mình, giã từ mùa mưa để chuyển sang mùa khô. Những cơn gió Tây Nam mang theo từng đợt mưa không thổi nữa mà thay vào đó là những cơn gió mùa Đông Bắc mang theo chút se se lạnh.
Với tôi, đây là khoảng thời gian Kon Tum đẹp nhất vì cái ẩm ướt, ủ dột của mùa mưa không còn, nhưng cái nóng nực, hanh hao, khô cháy của mùa khô Tây Nguyên lại chưa tới, chỉ có những cơn gió lành lạnh thổi và trời hanh hanh nắng.
Buổi sáng, không khí hơi lạnh để cho những người phụ nữ được thoả sức trưng diện những chiếc áo ấm. Buổi trưa, trời lại nắng ấm để mọi người không phải ngại ngùng khi ra đường. Buổi tối, cái lạnh sâu hơn một chút đủ để cho người ta phải xuýt xoa…
Mùa Đông Kon Tum đủng đỉnh đến, nhưng lại ra đi vội vã. Dẫu giờ chưa cảm thấy rõ rệt, song chỉ đến Tết Nguyên đán là nắng bừng lên, tiết trời chuyển sang khô nóng.
Mùa này, ở Tây Nguyên có một loài hoa dại được rất nhiều người yêu thích đó là hoa dã quỳ - sứ giả của mùa khô.
Tôi đã từng nghe một ai đó ví mỗi bông dã quỳ như một mặt trời bé con trên vùng đất cao nguyên. Kon Tum không có những con đường hoa dã quỳ vàng rực như ở Đà Lạt hay cả đồi hoa rực rỡ như của Gia Lai, nhưng khắp các vùng quê xen lẫn trong màu xanh của cà phê, cao su và các loài cây cỏ khác thỉnh thoảng điểm tô những khóm dã quỳ vàng óng, đủ để nhắc nhở người ta rằng chớm Đông rồi, mùa khô đang tới.
Trong suốt cả năm, tôi thích nhất khoảng thời gian này. Những buổi sáng cuối tuần hay những ngày rảnh rỗi, tôi hay rủ vài người bạn ra Công viên 2-9 (đường Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum) uống cà phê vừa chuyện trò, vừa ngắm những cây tram liễu cành lá thướt tha tỏa bóng xuống mặt hồ. Từng đợt gió lạnh từ dưới hồ thổi hắt lên, tôi thu lu trong chiếc áo ấm, nhấp ngụm nước trà nóng, đợi ly cà phê tí tách rơi từng giọt, từng giọt và những câu chuyện không đầu không cuối của chúng tôi cứ thế miên man, bất tận, tôi thấy thật thi vị...
Chỉ là chớm vào Đông, nhưng những ngày trở gió, đi giữa tiết trời se se lạnh lòng tôi lại chùng chình nhớ nhớ, thương thương. Những cơn gió heo may thổi khẽ khàng qua khe cửa, khiến cho những ai dẫu có vô tình cũng hiểu rằng mùa Đông đang gõ cửa.
Tôi nhớ, có một ai đó đã viết những dòng thơ rất hay về quãng thời gian này: “Đông chuyển mình gió đổi chiều luống cuống. Rối đêm dài cho nỗi nhớ đi hoang. Cuộn vào đêm một chút gió thu vàng. Cho đông tới nhẹ nhàng thay áo mới”... Và, tôi nhẩm nha đọc lên, khi mà trong lòng trào dâng những cảm xúc khó tả vào thời khắc “mùa trở gió”- như cách gọi, cách lưu giữ của riêng tôi lúc mùa Đông chớm sang!
Thuỳ Hương