Tản mạn chuyện nghề
Với chúng tôi, được học, theo nghề và làm việc ở các cơ quan báo chí luôn là niềm tự hào của bản thân và cả gia đình, bạn bè. Với đam mê, nhiệt huyết, những người làm báo luôn muốn làm tròn nhiệm vụ: cung cấp thông tin trung thực, chuẩn mực, bảo vệ lẽ phải…
Linh hoạt, học hỏi, bắt kịp với xu thế nhưng luôn giữ vững đạo đức làm nghề, là những gì mà chúng tôi - những phóng viên trẻ - đã học được và luôn cố gắng gìn giữ khi bén duyên với nghề viết báo. Hơn ai hết, độc giả có thể nhận thấy rằng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, cùng với các cơ quan điều tra, công an, báo chí luôn phát huy vai trò xung kích. Báo chí luôn tiên phong trong việc phát hiện, phanh phui các vụ việc vi phạm pháp luật. Từ các vụ chặt phá rừng, những “công xưởng” ma túy, những ổ mại dâm núp bóng quán bar… được phanh phui, đều có sự góp sức của đội ngũ làm báo chân chính.
Phóng viên cũng lăn lộn đến những nơi hẻo lánh, heo hút để phản ánh về những đối tượng khuyết tật, trẻ mồ côi; tìm đến tận những ngôi trường cheo leo trên đỉnh dốc để kêu gọi sự quan tâm của xã hội. Và rồi, hiệu ứng tích cực là những hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ; những ngôi trường với học trò nghèo được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Hay những lúc dịch bệnh, phóng viên, nhà báo cũng vượt qua gánh nặng tâm lý, theo từng sự kiện, thông tin kịp thời, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của địa phương, đưa tin về những cách làm hay, tinh thần đoàn kết trong đại dịch… Những lúc ấy, chẳng nghĩ đến vất vả, cũng chẳng cần ai phải hô hào, khen ngợi. Đơn giản, phóng viên thấy cần phải viết, cần phải làm. Viết vì mọi người chứ chẳng phải cho riêng mình!
Hơn ai hết, chúng tôi - những người làm báo hiểu rằng, như mọi nghề khác trong xã hội, người làm báo phải đặt tâm, đức lên hàng đầu. Và, mỗi phóng viên, nhà báo luôn đặt mình ở vị trí là độc giả để tự nhìn nhận, mong mỏi những tác phẩm viết nên chứa đựng đầy đủ tâm, tầm và tài.
Trong cơ chế thị trường, cùng với sự bắt nhịp linh hoạt, người làm báo thường xuyên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh, nhân cách. Chúng tôi dặn lòng phải giữ cho trái tim nóng, cái đầu lạnh và một bàn tay ấm, làm nghề với tất cả nhiệt huyết nhưng không để cuốn theo xu hướng thương mại hóa báo chí hoặc vì lợi ích cá nhân mà có những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Rõ ràng, cái nghề này, chỉ cần tâm không sáng thì lời nói, hành động, trang viết chắc chắn cũng sẽ lệch lạc.
Nhưng thực tế, không phải ai cũng “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, không phải ai cũng giữ được đạo đức với nghề. Trước những cám dỗ về vật chất, lợi ích, một bộ phận người cầm bút bị chênh chao bản lĩnh, ngả nghiêng tâm thế, trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến nghề làm báo cao quý bị “vấy bẩn”.
Đã hơn 2 năm trôi qua, câu chuyện về một phóng viên tại huyện Ngọc Hồi bị tạm giữ vì yêu cầu doanh nghiệp phải chung chi 50 triệu đồng luôn bị nhắc đi nhắc lại. Với phóng viên chúng tôi, đó là lời cảnh tỉnh, bài học về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi luôn tự dặn mình phải lòng trong, bút sắc, không được giẫm vào “vết xe đổ”. Nhưng với nhiều người, câu chuyện trên lại là cái cớ để quy chụp. Hãy hiểu rằng, làm nghề nào cũng vậy, nơi đâu cũng có người này, người khác. Và chắc chắn rằng, một bộ phận nhỏ trên chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn những phóng viên, nhà báo chân chính vẫn luôn làm tốt với sứ mệnh của mình.
Với yêu cầu, tính chất của công việc, nghề làm báo phải luôn bắt nhịp với thời cuộc. Người làm báo bây giờ không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn thành thạo các kỹ năng, công nghệ để chuyển tin, bài một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua là một minh chứng. Phóng viên không chỉ “xông pha” vào “mặt trận” mà còn linh hoạt, nhanh nhạy trong cách đưa tin, chuyển tải hình ảnh. Thông qua những hình ảnh xác thực ấy, người dân từ khắp mọi miền hiểu về một Việt Nam đoàn kết, “chống dịch như chống giặc” để đạt được những kết quả mà cả thế giới nể phục.
Vượt qua những truân chuyên trong nghề, chúng tôi vẫn đam mê để tiếp tục công việc của mình, hướng đến góp sức xây dựng một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, nhận được sự tin cậy của bạn đọc và góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Bên cạnh sự cố gắng, những người làm báo cũng cần được tôn trọng. Mong muốn rằng, trong quá trình hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, phóng viên, nhà báo được quan tâm, bảo vệ để yên tâm cống hiến, góp phần đưa ra ánh sáng những hành vi tiêu cực, sai trái, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và Tổ quốc.
Hoài Tiến