Tắm mưa
Đi qua nắng nóng và khô hạn, Tây Nguyên lặng lẽ bước vào những ngày mưa. Và trên đường làng, đã thấy đám trẻ hò hét, đùa nghịch dưới những cơn mưa.
Chiều mưa, đi làm về ngang qua bãi đất trống đầu làng, tôi dừng lại thích thú nhìn đám con nít tắm mưa. Đây vốn là “chiến trường” của chúng, nơi diễn ra những trận bóng “nảy lửa” mỗi chiều đi chăn bò.
Mưa tuôn ào ạt. Đám trẻ chạy nhảy, vui đùa, rượt đuổi, vật nhau dưới màn mưa trong veo, đứa nào đứa nấy mình trần, đen nhẻm. Nhìn bọn trẻ, tôi lại nhớ ngày thơ ấu của mình.
Ở miền Trung quê tôi, tháng 10 mới bước vào mùa mưa. Nhưng không phải cứ có mưa là tắm, chúng tôi bị người lớn “giữ chặt” lắm, phải bỏ qua những cơn mưa đầu mùa, chờ mặt đất mát lành rồi mới được ra tắm. Người lớn giải thích là “để không bị mắc hơi đất, tránh đau ốm”.
Tôi nhớ, ngày ấy lũ con nít trong xóm tôi thường rủ nhau tắm mưa trên những khoảnh sân rộng hay trên đường làng. Con trai thì cởi trần, mặc vỏn vẹn chỉ cái quần đùi; con gái thì lịch sự hơn, mặc cả bộ đồ đùi để đi tắm mưa. Đứa nào đứa nấy đen nhẻm bởi suốt ngày nghịch ngợm trên cánh đồng làng, không chăn bò, cắt cỏ thì cũng mò cua, bắt ốc, tắm ao.
Có lẽ tắm mưa cuốn hút bao đứa trẻ là vì được vùng vẫy thỏa thích trong bùn đất, thỏa thuê chơi những trò đắp đê ngăn nước, dông thuyền ra khơi. Những đứa có tính nghịch ngợm thì có thể “trình diễn” trò tạt nước, trượt trên những khoảnh sân sình lầy, những chiếc máng xối bên hiên nhà mà không sợ bị la rầy hay ăn đòn.
|
Hình ảnh thằng Tèo, thắng Tí, thằng Đen, con bé Hai, bé Ba và cả tôi nữa la hét inh ỏi vì vui mừng được tắm mưa trên con đường làng bây giờ vẫn còn in đậm trong ký ức.
Thằng Tèo lớn nhất bày trò chơi trượt nước trên những khoảnh sân có độ dốc. Nó ngồi lên chỗ có độ cao rồi trượt cái vèo xuống thấp, như trò chơi cầu trượt của con nít bây giờ vậy.
Thằng Tí, thằng Đen thấy thế cũng trượt theo khiến cả bọn ngã nhào úp mặt xuống vũng sình đen nhẻm. Mài cái đũng quần thiếu đàng muốn rách, mặt mày lấm lem bùn đất, ấy thế mà cả bọn vẫn khoái chí cười.
Mấy đứa con gái không thích chơi trò cảm giác mạnh như bọn con trai, mà cắt những bẹ chuối làm thuyền để thả trôi theo dòng nước.
Gọi là tắm mưa, nhưng không phải tắm cho sạch, mà là chúng tôi lấy cái cớ tắm mưa để bày các trò chơi dưới mưa mà thôi.
Đúng như trong bài thơ Tắm mưa của nhà thơ Phạm Hổ đã miêu tả:
Mưa rồi! Em rủ bạn
Ùa ra sân tắm chơi
Vật nhau cho bẩn người
Giơ lưng nhờ mưa dội
Cóc bé và cóc cụ
Đua nhau nhảy mừng vui
Cây cối và nhà cửa
Cũng hả hê reo cười
Nhà tắm ta rộng quá
Mênh mông bốn chân trời
Nước mát tắm sao hết
Cả một trời mưa rơi”.
Có lẽ nhờ tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, thích ứng với thời tiết nắng mưa từ nhỏ nên bọn trẻ chúng tôi dù dầm mình dưới trời mưa cả tiếng đồng hồ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Thậm chí, tắm mưa còn có thể làm cho rôm, sảy lặn hết. Tôi nhớ ngày đó, nhiều đứa bạn bị rôm, sảy đầy người, nhưng khi tắm mưa mấy lần thì đều lặn đi đâu hết, chỉ còn lại làn da đen nhẻm nhưng khỏe khoắn.
Trò chơi tắm mưa của con nít ai ngờ là một kỷ niệm để sau này dù có trải qua bao chông gai, thử thách của cuộc đời vẫn luôn nhớ đến. Và tắm mưa trở thành một phần ký ức đẹp của những ai đã từng.
Tôi nhớ, sau này, khi đã lên thành phố học đại học, mỗi khi mùa mưa đến, cả bọn bạn chúng tôi còn nổi hứng rủ nhau dầm mình dưới những cơn mưa sau giờ tan học về trên những con phố. Đi dưới mưa không phải để tìm chút cảm xúc lãng mạn như những nhà văn, nhà thơ thường nói, mà là nhớ về ký ức đẹp của tuổi thơ.
Lấy chiếc áo mưa để gói ghém cặp sách cho khỏi ướt, còn cả bọn thì hồn nhiên dầm mình đạp xe dưới những cơn mưa. Phố sá đông đúc, ồn ào, dễ làm cho con người ta mệt mỏi. Đi dưới những cơn mưa cảm giác thấy mình như vẫn còn ở cái tuổi trẻ thơ, hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ. Đó cũng chính là kỷ niệm một thời đại học của những đứa bạn từ quê lên thành phố, mà chắc rằng giờ đây, mỗi chiều mưa về vẫn còn gợi lên trong tâm trí của những ai sống xa nhà, trong đó có tôi.
Chiều mưa, nhìn những đứa trẻ ở làng tung tăng tắm mưa, vui đùa hồn nhiên ấy mà da diết nhớ một thời tắm mưa của mình.
SÔNG CÔN