Sức hút của rau rừng
Mọc hoang dại ở ven suối, lưng đồi, trước kia rau rừng chỉ được xem là thức ăn mỗi khi khó khăn, giáp hạt của đồng bào DTTS ở những thôn, làng xa xôi. Nhưng nay các loại rau rừng đã trở nên hấp dẫn với nhiều người tiêu dùng, bước đầu tạo thu nhập cho bà con.
Tại phiên chợ các sản phẩm nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà năm 2020 vừa qua đã có hàng chục gian hàng với nhiều loại nông sản đặc trưng của các xã, thị trấn, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Hà và một số huyện trong tỉnh. Trong sự đa dạng, phong phú đó, ấn tượng nhất có lẽ là gian hàng của xã Đăk Ui. Ngoài bày bán các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống, gian hàng còn bày bán rất nhiều loại rau rừng như đọt mây, mướp đắng, rau dớn, môn róc, măng, lá mì muối chua…
Chị Y Hben, ở thôn Wang Hra, xã Đăk Ui cho biết, trước khi tham gia hội chợ vài ngày, gia đình chị đã vào rừng sâu để tìm các loại rau rừng. Mặc dù vậy, số lượng rau rừng mang ra phiên chợ bán vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách tham quan hội chợ. Với mức giá dao động từ 20 - 40 ngàn đồng/kg hoặc 1 bó rau, chỉ trong một buổi sáng đã bán gần hết. Chị Y Hben phấn khởi chia sẻ: “Năm ngoái tôi cũng tham gia hội chợ ở huyện Đăk Hà rồi, những đồ rừng được rất nhiều người quan tâm và gần như mua hết”.
|
Sở dĩ, các loại rau rừng đang dần trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng là bởi đây không chỉ là những loại thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và sạch, chế biến thành nhiều món ăn ngon, lạ miệng mà còn có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe. Trước kia, các loại rau rừng này hầu hết đều được sử dụng phổ biến ở trong cộng đồng các DTTS. Rau rừng, không chỉ phục vụ trong bữa cơm hàng ngày mà còn được bà con chế biến ra nhiều món ăn ngon để đãi khách quý trong những dịp lễ, hội của làng.
Ngoài bày bán ở phiên chợ lần này, có thể bắt gặp một số loại rau rừng dân dã được bán ở các chợ truyền thống, chợ phiên, chợ tự phát. Thậm chí, các loại rau rừng cũng đã bắt đầu được nhiều người rao bán trên các trang mạng zalo, facebook, thu hút lượng người mua khá đông. Từ mâm cơm giản đơn của các gia đình, nhiều loại rau rừng như rau dớn, lá mì chua, măng rừng, đọt mây… đã bắt đầu thâm nhập vào các quán ăn, nhà hàng sang trọng và nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều thực khách.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, trước tác động của biến đổi khí hậu cũng như việc rừng bị xâm lấn nên môi trường sinh trưởng của các loại rau rừng bị thu hẹp khá nhiều. Chưa nói đến việc cung cấp số lượng lớn và ổn định ra thị trường, mà ngay cả với những người dân địa phương, việc tìm các loại rau này để phục vụ bữa ăn hàng ngày cũng trở nên khó khăn và ít ỏi hơn.
Tham quan phiên chợ Nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà lần thứ 2 này, chị Hoàng Thị Thơm, tổ dân phố 2B, thị trấn Đăk Hà cho biết: Năm nào tôi cũng tới mua sắm ở hội chợ vì ở đây có bán rau rừng, bình thường không phải cứ muốn ăn là có, nếu muốn mua, tôi đều phải gọi điện đặt hàng trước.
Ở nhiều địa phương, đã có nhiều người yêu Tây Nguyên, đam mê các sản vật Tây Nguyên tìm cách phát triển quy mô, số lượng cho sản vật này với mong muốn định hình, duy trì và mở lối cho phong vị của Tây Nguyên được vươn ra khỏi căn bếp, cánh cổng làng. Mặc dù vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng ít nhất, các món rau rừng đậm đà bản sắc Tây Nguyên cũng đã tháo bỏ được mác “món ăn của nhà nghèo” và trở thành điểm nhấn trong văn hóa ẩm thực phong phú của Tây Nguyên.
Chung Loan