Sông Đăk Bla hết “thở than”
Tôi đứng trên cầu treo Kon Klor, cây cầu được mệnh danh là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Kon Tum, nhìn ngược về phía thượng nguồn. Nước sông mùa khô lững lờ chảy, liếm nhè nhẹ vào cù lao xanh rì những vạt bắp nếp.
Cách đây 3 năm, tháng 5/2017, tôi cũng đứng trên cầu treo Kon Klor nhìn ngược về phía thượng nguồn. Dường như trong tiếng gió thổi lồng lộng, tôi nghe tiếng sông Đăk Bla đang thở than.
Cách cầu không xa là con đập do Công ty TNHH MTV Xuân Tài đào đắp dài hơn 80m, sừng sững chặn đứng một nhánh sông, dồn dòng chảy của sông Đăk Bla về nhánh sông phía bên xã Đăk Rơ Wa. Phía trên đập, nước dâng lên như một hồ chứa thủy lợi; phía dưới đập cạn trơ cát sỏi như một nhánh sông chết.
Trên đoạn sông ấy, còn có doanh nghiệp tư nhân Trí Thành đắp 2 con đập nắn dòng chảy để khai thác cát, sỏi ở lòng sông bằng máy đào. Sự việc được cơ quan chức năng phanh phui chỉ sau ít ngày.
Vào thời điểm ấy, khó có thể thống kê hết những cái vòi đen sì đang thò xuống sông Đăk Bla hút cát ngày đêm. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp sẵn sàng “xé rào”, khai thác sai phép, ngoài phép. Cũng vì lợi nhuận, các đối tượng khai thác cát trái phép luôn tìm cách “đục khoét” lòng sông. Trong khi đó, một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che cho các hành vi sai phạm.
Nhìn con đập lừng lững kia, bỗng nhiên tôi có ước muốn kỳ lạ rằng, các nhà quản lý cùng đứng ở đây, trên cây cầu treo nổi tiếng này, để thấy cảnh đau lòng ấy.
Không biết họ sẽ nghĩ gì nhỉ? Tôi tự hỏi.
|
Mừng thay, sau khi người dân phản ánh, báo chí lên tiếng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Và sau đó, một cuộc chiến không khoan nhượng với “cát tặc” được khởi động với việc thành lập các Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Đăk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum.
Nó khác hẳn những cuộc ra quân mang tính hình thức, “trống dong cờ mở” lúc đầu, sau đó lặng lẽ kết thúc trước đây, bởi có sự thống nhất từ tỉnh xuống xã, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và ngành chức năng, giữa các ngành có liên quan với nhau.
Ngay trong năm 2017, các lực lượng chức năng, trong đó chủ lực là Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã mất hàng tháng trời lặn lội dọc triền sông Đăk Bla, để “định vị” sơ bộ những “điểm đen” về khai thác cát trái phép; dự báo những vị trí có thể xảy ra vi phạm.
Tất cả các “điểm đen” này đều được đưa vào diện theo dõi thường xuyên. Mặt khác, lực lượng chức năng còn mở các đợt kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào, từ đó ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm.
Hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân có vi phạm được phát hiện. Tất cả đều bị xử phạt theo đúng quy định của luật pháp, có trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; không có chuyện dung túng, bao che, hay được bỏ qua, được “xử nhẹ” vì quen biết, nể nang. Những con đập bị phá bỏ, trả lại dòng chảy yên bình cho Đăk Bla.
Có thể nói, cuộc chiến chống “cát tặc” đã được triển khai với quy mô và cường độ chưa từng có trong suốt 3 năm qua.
|
Gần đây nhất, trong tháng 4/2020, UBND thành phố Kon Tum đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản. Trong đó, xử phạt 30 triệu đồng đối với 1 trường hợp khai thác cát trái phép tại thôn Kon Klor, xã Đăk Rơ Wa; xử phạt 2 triệu đồng đối với 1 trường hợp khai thác cát trái phép tại phường Lê Lợi; lập biên bản vụ việc và phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, xử lý 1 trường hợp khai thác cát trái phép tại thôn 2, xã Hòa Bình.
Sự quyết liệt của cuộc chiến chống “cát tặc” không chỉ thể hiện ở tần suất kiểm tra, xử lý, mà còn “nóng” cả trong việc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra khai thác cát trái phép. Thành phố Kon Tum từng kỷ luật 1 bí thư đảng ủy, 1 chủ tịch UBND phường với hình thức khiển trách vì để “cát tặc” hoành hành.
Nhờ quyết tâm cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng nên thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đăk Bla, đoạn qua thành phố Kon Tum đã giảm rõ rệt.
Những cái vòi đen sì, từng công khai và ngang ngược thò xuống sông suối hút cát ngày đêm, cả trái phép, sai phép, ngoài phép đang dần biến mất. Người dân sinh sống bên những dòng sông, suối cũng dần cảm thấy yên tâm hơn.
Hiện, chúng tôi đang phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương siết hoạt động khai thác cát, sỏi thông qua việc quản lý chặt nguồn gốc, xuất xứ cát xây dựng; quản lý chặt bến bãi, cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng; tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép khai thác đối với những vị trí, khu vực đang có nguy cơ sạt lở, sụt lún bờ sông; yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát công khai các thông tin về diện tích, cắm mốc ranh giới; lắp đặt trạm cân và hệ thống camera tại kho chứa, điểm mỏ - ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin.
Chiều này, tôi lại đứng trên cầu treo Kon Klor, nhìn về ngược lên phía thượng nguồn. Nước sông mùa khô lững lờ chảy, liếm nhè nhẹ vào cù lao xanh rì rau màu, chia lòng sông thành 2 dòng chảy.
Xung quanh tôi có khá đông khách du lịch. Hầu hết còn trẻ. Họ háo hức tạo dáng chụp ảnh lưu niệm. Họ trầm trồ khi ngắm bãi bồi như một cù lao xanh mát chia dòng chảy sông Đăk Bla thành hai, và ao ước được dạo bước trên vạt đất mướt xanh ấy.
Tất nhiên, trong số họ không ai biết rằng, khúc sông này từng đứng trước nguy cơ bị “bức tử” bởi một số người. Cù lao không còn xám xịt bởi sỏi đá và nham nhở hố sâu như ngày nào mà đã được phủ kín màu xanh của bắp, của rau màu. Một con thuyền dập dềnh thả lưới ven bờ. Yên ả và thanh bình.
Và trong gió lồng lộng thổi, tôi không còn nghe tiếng dòng sông thở than!
Hồng Lam