Sống chậm
Cuộc sống ngày càng phát triển, áp lực công việc càng nhiều, thì khái niệm “sống chậm” càng được nhắc đến nhiều hơn, đặc biệt là với những người trẻ.
“Nhiều khi tôi cảm thấy mình sống quá vội vàng mà không thể tận hưởng cuộc sống”.
“Tôi có cảm giác luôn luôn bị cuốn theo thói quen và luôn vội vã. Tôi đã di chuyển khắp nơi trong thế giới của tôi, từ thứ này sang thứ khác với áp lực và sự tách rời bị thúc đẩy trong nhiều năm”.
Hàng ngày chúng ta thường nghe những lời phàn nàn như vậy, nhất là từ các bạn trẻ. Và điều họ muốn là sống chậm lại.
Vậy sống chậm là gì? Và tại sao phải sống chậm?
Nhiều người cho rằng, hiểu đơn giản nhất, sống chậm là sống không nhanh, không vội vã. Nhưng hiểu sâu sắc hơn thì sống chậm không phải là trì hoãn thời gian sống, mà để mỗi người chúng ta tìm được sự cân bằng trong cuộc sống, để thư giãn; là kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi, để cải thiện chất lượng cuộc sống.
|
Tôi thường nói vui với bạn bè trong cách hiểu này có nghĩa là vừa làm vừa biết hưởng thụ. Không lao mình vào công việc quá mức, để rồi không cho mình có thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến tự tạo thêm áp lực, căng thẳng trong cuộc sống cho chính mình.
Tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống, biết thư giãn, nghỉ ngơi đúng lúc để tái tạo sức lao động, từ đó, mang lại hiệu quả, chất lượng công việc được tốt hơn, đó là điều thật tuyệt vời mà ai cũng mong muốn.
Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng giữa cuộc sống này, không phải ai cũng có thể “sống chậm” được. Gánh nặng mưu sinh, với “cơm - áo - gạo - tiền”, và áp lực của công việc khiến cho không phải ai cũng có thể cân bằng cuộc sống của mình một cách như ý.
Mới đây, tôi đọc được dòng trạng thái của một người bạn đã chia sẻ trên facebook: “Cuộc sống hiện đại, nhịp sống thật hối hả, lúc nào cũng cuốn mình trong guồng quay. Thấy mệt mỏi và thèm sống chậm lại”.
Đằng sau dòng trạng thái ấy, tôi hiểu bạn đang nghĩ ngợi điều gì. Bạn đang chịu đựng áp lực từ công việc, cuộc sống. Bởi con người của bạn là con người của công việc. Bạn sẵn sàng bỏ qua tất cả niềm vui của bản thân, thậm chí là không có thời gian dành cho gia đình, vì công việc.
Cuốn vào vòng xoáy công việc là điều mà những người tham công tiếc việc hay mắc phải, nhất là trong nhịp sống sôi động ngày nay. Hậu quả của áp lực, căng thẳng với công việc là điều mà các nhà tâm lý học cảnh báo khá nhiều, nhưng điều quan trọng mà ai cũng nhìn thấy đó là sự tồi tệ trong chính cuộc sống của chính mình và có khi còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Có nhiều cách để sống chậm, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và suy nghĩ tích cực của mỗi người. Tôi khá ấn tượng khi bước vào một quán cà phê mang tên “Cà phê Chậm”. Tò mò hỏi chuyện chủ quán, anh kể, sở dĩ anh đặt tên quán như vậy là vì muốn truyền đi thông điệp rằng, giữa bao bộn bề, hối hả, nhộn nhịp của cuộc mưu sinh, chúng ta phải biết cân bằng cuộc sống, cải thiện chất lượng cuộc sống.
|
Với tôi, những buổi tỉ mẩn ngồi chọn lựa và rang những hạt cà phê trên bếp lửa than để phục vụ mọi người trong ở thời buổi công nghệ, máy móc hiện đại này, dù kỳ công, lại cho tôi những phút giây thư giãn và nghỉ ngơi rất giá trị.
Tất nhiên, có nhiều cách để sống chậm. Có người thực hiện phương châm sống chậm bằng cách tự tạo cho mình những niềm vui, thư giãn bằng những cuộc gặp gỡ bạn bè để hàn huyên tâm sự, hay tổ chức những chuyến dã ngoại, du lịch nghỉ dưỡng bên bạn bè, người thân.
Có người sống chậm bằng cách thật đơn giản, chỉ là cho bản thân mình được nghỉ ngơi, thư giãn, thoát ly đầu óc mình ra khỏi công việc thường ngày. Hay cũng có người, sống chậm với những giây phút hoài niệm của chính mình. Người ta bảo, sống hoài niệm là già nua, là xưa cũ; nhưng nếu hoài niệm về những điều tốt đẹp sẽ giúp ta có thêm năng lượng tích cực để tin yêu hơn vào cuộc sống, vốn dĩ xô bồ, hối hả này.
Và cho dù có chọn cách gì đi chăng nữa thì mục đích của sống chậm cũng là để ta có thể tận hưởng những điều tốt đẹp đang diễn ra xung quanh mình, gạt bỏ những muộn phiền trong cuộc sống, nạp thêm năng lượng tích cực để cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Sống chậm cũng là một cách để ta thêm yêu thương cuộc đời này và yêu thương chính bản thân mình hơn.
Sông Côn