Sẽ lập hồ sơ xử phạt hành chính hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường của Nhà máy tinh bột sắn Phương Hoa
Sáng 14/6, thực hiện chỉ đạo khẩn của đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum phối hợp với UBND huyện Đăk Glei tiếp tục kiểm tra hiện trường các giếng nước bị ô nhiễm ở làng Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) của Công ty TNHH Phương Hoa.
Theo chân Đoàn kiểm tra, phóng viên Báo Kon Tum ghi nhận, tại nhà ông A Hoàng, giếng nước có màu đen, bốc mùi khó chịu.
Ông A Hoàng cho biết, giếng này đào từ năm 2005, sâu 12m, khoảng tháng 2/2017, khi xuất hiện bãi tập kết bã sắn rộng hàng ngàn mét vuông ở sát nhà thì nước giếng có hiện tượng đổi màu (thành màu đen), nổi bọt, có mùi khó chịu, không dùng trong sinh hoạt được.
Đoàn kiểm tra cũng đã khảo sát giếng nước của các hộ gia đình ở làng Đăk Sút gồm: A Meo, A Hiếp, A Noa, Bùi Văn Nội, Phạm Đức Bền, A Hoàng, A Lương, A Tỷ và A Vơn. Tất cả các giếng này đều là giếng đất, không đổ bi bê tông, nước đều không đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt.
Tại bãi chứa bã sắn có 2 xe máy múc và xe tải đang thực hiện bốc và vận chuyển bã sắn đi nơi khác. Theo quan sát của phóng viên Báo Kon Tum, lượng bã sắn hiện còn tại bãi đã giảm hơn 2/3 so với thời điểm kiểm tra chiều 12/6.
|
Ông A Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei khẳng định: Ô nhiễm nguồn nước do hoạt động tập kết bã sắn tươi của Nhà máy tinh bột sắn Phương Hoa là có thật. Nhà máy không thể nói đã bán bã sắn cho đơn vị khác, nên đơn vị đó phải gánh chịu. Vì trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã đề cập việc này, gây ô nhiễm môi trường xung quanh hoạt động chế biến sắn là công ty chịu trách nhiệm.
Chắc chắn rằng, trong vòng 5-7 năm nữa, người dân ở đây vẫn không thể dùng nước giếng đào được, vì vậy Công ty TNHH Phương Hoa cần có biện pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đảm bảo ổn định, lâu dài và đảm bảo chất lượng. Mặt khác, dừng ngay hoạt động tập kết, buôn bán bã sắn tươi ở khu vực dân cư; sớm hoàn tất việc vận chuyển lượng bã còn tại bãi đi nơi khác. Về lâu dài, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống sấy khô bã sắn để hạn chế gây ô nhiễm môi trường - ông Phương yêu cầu.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Phan Đăng Thảo - Phó giám đốc Công ty TNHH Phương Hoa thừa nhận: Việc tập kết bã sắn ở đây có gây ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân. Vì vậy, chúng tôi đã kéo đường ống cung cấp nước sinh hoạt cho 4 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp; hỗ trợ 9 hộ gia đình bị ảnh hưởng mua bồn chứa nước; cam kết lắp đặt đường ống, hỗ trợ mua bồn nước cho các hộ gia đình có nhu cầu; vận chuyển tất cả bã sắn ra khỏi vùng này, hoàn thành trước ngày 20/6.
Theo ông Trương Đạt - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn kiểm tra, trước mắt, đình chỉ ngay các hoạt động gây ô nhiễm môi trường của nhà máy, kể từ ngày 14/6 đến khi nhà máy khắc phục xong hậu quả; yêu cầu doanh nghiệp cam kết cung cấp nước đầy đủ, ổn định, lâu dài và đảm bảo chất lượng cho các hộ dân. Cùng với việc báo cáo UBND tỉnh, sẽ chỉ đạo Thanh tra sở lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phương Hoa và tiến hành xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Tin, ảnh: Thành Hưng