Say sưa tiếng hót chào mào
Từ ngày anh Bảy về làm nhà ở trên mảnh đất trống gần ngã tư đường, con phố nhỏ đông vui, náo nhiệt hẳn lên. Thứ bảy, chủ nhật, nhiều người trong “hội” chơi chim đến tụ tập, bàn tàn về những “cô”, “cậu” chào mào mà họ yêu quý.
Căn nhà có vẻ đơn sơ, khiêm nhường, song là nơi gặp gỡ của những người có cùng thú vui và sở thích nuôi chào mào đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Xuất phát từ một vài nhóm lẻ tẻ, đến nay, “hội” những người yêu chim chào mào tại địa bàn tỉnh (thuộc Hội Sinh vật cảnh ) đã có cả nghìn hội viên, không chỉ tập trung ở thành phố Kon Tum, mà còn mở rộng đến các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Kon Rẫy. Người ít đôi ba con, người nhiều dăm bảy con. Chăm nuôi chào mào không chỉ là niềm yêu thích, đam mê, niềm vui giản dị; mà còn trở thành niềm tự hào của chính chủ nhân những con chim nhỏ.
“Cũng phải thôi! Chào mào vừa đẹp, vừa hót hay, lại là loài chim bình dân, dễ tìm, dễ nuôi. Nâng niu, chăm sóc chào mào có cái thú của người nuôi so với những loài chim khác” - anh Nguyễn Hồng Vinh, ở đường Trần Phú, thành phố Kon Tum, từ bé đã đắm đuối với việc chăm nuôi các loại chim rừng, xác thực.
Vẫn theo anh Vinh, những người yêu chim ở Kon Tum còn có thuận lợi vì vùng rừng núi Bắc Tây Nguyên vốn là “quê hương” tươi đẹp của đa dạng các loại chim rừng; từ loài bình dân, mộc mạc đến những hàng quý hiếm, khó tìm. Riêng chào mào thì vô cùng dồi dào, phong phú; là môi trường lý tưởng cho những người ưa thú vui tao nhã này lựa chọn, gây nuôi.
|
Cuộc sống còn vất vả không ngăn được niềm yêu thích, say sưa tìm đến sự thư giãn, nhẹ nhàng, tự nhiên, giản dị của những người nuôi chào mào. Ngoài phần lớn thời gian lao động, công tác, học tập; hằng ngày, họ dành ít phút để nâng niu, chăm sóc loài chim tinh anh, nhanh nhạy. Cùng chung một mối quan tâm thanh cảnh, lành mạnh cũng kéo họ đến gần nhau để cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi băn khoăn theo diễn biến thường tình của vật nuôi.
Anh Trần Văn Thành ở đường Sư Vạn Hạnh (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) vốn được những người yêu chào mào ở Kon Tum “phong” là “ Giáo sư ” trong lĩnh vực này. Anh Thành cho hay: Chào mào dễ nuôi, ăn uống không cầu kỳ. Thức ăn của nó chủ yếu là chất bột, trái cây, châu chấu, cào cào, sâu. Cũng như các loài động vật khác, chào mào cần đủ các nhóm dinh dưỡng để phát triển một cách tốt nhất; song làm thế nào để đảm bảo sự cân đối về đạm, bột, vitamin và muối khoáng cho mỗi con chim trong quá trình chăm nuôi lại rất cần sự tinh tường, kinh nghiệm của mỗi người nuôi.
Thỉnh thoảng, vẫn có những “hội thi” được mở, để trong hàng chục, hàng trăm chú chim chào mào vang giọng hót, luôn có những “chiến binh” xuất sắc xứng đáng được “tôn vinh”. Đó là những “chiến binh” không chỉ hội đủ tiêu chuẩn hót hay, hình dáng đẹp, mà còn thể hiện “sức bền” đáng nể, kiên cường chống chịu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Chăm nuôi chào mào không cầu kỳ, tốn kém như một số loại chim khác, nhưng cũng rất cần sự tỷ mỷ, kỹ càng, chẳng khác gì “chăm con mọn”. Không chỉ đảm bảo ăn uống đầy đủ, mà hằng ngày, chào mào cần được phơi nắng và tắm táp cẩn thận, vào những thời điểm thích hợp tùy theo mùa nóng - lạnh - nắng - mưa. Đó là sự “rèn luyện” tại gia, cho chim làm quen với từng “thử thách”, để có thể ra “trường đua”, thi thố và hòa nhập với những “đồng đội” khác. Trong quá trình chăm nuôi, không thể không để tâm vào nhưng lúc “trái gió trở trời”, những khi chào mào “khó ở ” cần thuốc men phù hợp; hay cần lưu ý bảo vệ chào mào khỏi nanh vuốt của chuột, mèo.
Cũng có những điều tưởng đơn giản nhưng lại rất cần lưu ý trong quá trình nuôi chào mào. Chẳng hạn như, bình thường, có hai loại lồng (hình chữ nhật đứng và hình trụ) làm bằng mây, tre theo thói quen của các chú chim. Đôi khi, chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng quyết định đến quá trình sinh trưởng, phát triển từ chúng.
Người kinh doanh “buôn có bạn, bán có phường”. Người chơi chim không thể thiếu nhu cầu được giao lưu, kết nối. Không chỉ gặp gỡ để chim đua giọng hót, họ còn tích cực tham gia và đoạt giải tại các hội thi chim được tổ chức nơi các tỉnh bạn và trong khu vực miền Trung Tây Nguyên. Được tập hợp, đoàn kết trong “hội” của những người yêu chim chào mào, các thành viên bước đầu cũng quan tâm thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với người nghèo, người kém may mắn.
Niềm yêu thích, say sưa với tiếng hót của loài chim nhỏ đưa mọi người xích lại gần nhau, góp phần tạo nên những âm thanh trong trẻo cho cuộc đời.
THANH NHƯ