Sắc hương ngày Tết
Mới đó mà đã Tết. Không khí mùa Xuân rộn rã muôn nơi. Dù dịch bệnh Covid-19 dự báo có những diễn biến phức tạp, nhưng dường như mỗi người, mỗi nhà đều cố gắng để có được cái Tết đủ đầy.
Xác định Tết năm nay chẳng đi đâu, cũng hạn chế đến chúc Tết nhà mọi người, nhưng anh bạn tôi không vì thế mà qua loa, đại khái.
Anh nói, Tết mà im ắng quá cũng không ra ngày Tết. Dẫu không đi chúc Tết nhiều và chắc hẳn cũng không nhiều người đến chúc Tết nhà mình nhưng anh chị vẫn mua gạo nếp về chuẩn bị gói bánh tét, rồi hùn hạp với mấy anh em “đụng” heo. Cuối tuần, anh chị tất bật dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn màn và đi sắm sửa ít bánh mứt.
Mấy hôm nay, chợ hoa xuân cũng đã rộn ràng, nên hai vợ chồng anh chị tranh thủ dạo qua mấy lượt, ngắm nghía kỹ rồi “rinh” về mấy chậu hoa cúc, làm cho căn nhà nhỏ sáng bừng sắc xuân.
Cậu con trai học lớp 5 của anh chị thấy ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp mấy chậu hoa cũng vui ra mặt. Nó hí hửng bảo, nhìn cảnh này giống cảnh chuẩn bị đón Tết nhà ông bà ngoại ở quê. Và rối rít hỏi ngày nào ba mẹ sẽ cho nó về chúc Tết ông bà ngoại.
Nghe con trai hỏi, mà chị vợ đượm buồn. Bởi vợ chồng chị dự định năm nay cả nhà sẽ về ngoại ăn Tết, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên anh chị lại thôi.
“Không được về quê nên cũng cố gắng tạo hương vị Tết để cho có không khí và cũng để vơi bớt nỗi nhớ quê”- anh bạn tôi tâm sự.
|
Nghe anh nhắc đến hương vị ngày Tết, tôi chợt nhớ đến ông bà mình lúc còn sống cũng hay nhắc đến điều này. Khi ấy, mỗi dịp Tết đến Xuân về, ông thường nhắc bác, ba và chú tôi “làm gì làm, Tết đến, trong gia đình phải giữ được hương vị ngày Tết, bởi đó chính là hồn cốt Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam”.
Ngày trước, Tết đủ đầy phải là “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bây giờ, cuộc sống ngày càng phát triển, nhưng hầu hết những nét văn hóa ấy vẫn không mai một. Trừ “tràng pháo” ra, còn thịt heo, dưa hành, câu đối, bánh chưng, bánh tét… vẫn là đặc trưng của Tết. Nhiều vùng vẫn còn giữ phong tục làm cây nêu đón năm mới.
Ở mỗi vùng miền còn có thêm những loại bánh, mứt đặc trưng. Chẳng hạn như ở nhiều tỉnh thành miền Trung, Tết đến không thể thiếu bánh tấp lô, bánh in làm bằng bột nếp; bánh thuẫn làm bằng trứng gà và bột mình tinh. Hay như các tỉnh miền Nam, Tết đến không thể thiếu kẹo thèo lèo…
Nếu ở thành phố, nhiều gia đình bận rộn với công việc hoặc do không gian nhà ở chật hẹp, không thể tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh mứt truyền thống, mà bằng lòng với việc ra siêu thị, cửa hàng sắm sửa, thì ở quê, hầu như các gia đình vẫn tự chế biến các món truyền thống, giữ được không khí Tết và hương vị đậm đà của món ăn ngày Tết.
Nếu về các vùng quê những ngày giáp Tết, sẽ không khó để chứng kiến cảnh làm bánh thuẫn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa, với sực nức mùi thơm trong mỗi nếp nhà. Nếu nhà nào bận rộn hơn chút thì có thể ra cửa hàng sắm sửa bánh mứt, giò chả, nhưng vẫn tổ chức gói bánh chưng, bánh tét để con cháu đi xa về có thể tận hưởng không khí Tết đến Xuân về.
Tôi nhớ rằng, má tôi chuẩn bị cho Tết từ… tháng 3. Để có nguyên liệu cho các món bánh mứt ngày Tết, thời điểm ấy, má bắt đầu lên luống trồng mình tinh, đậu xanh. Rồi cũng tầm đó, má thả con heo vào chuồng, ngày ngày chăm bẵm để đến Tết có thịt.
Chờ đến đầu tháng Chạp, má gieo cải, gieo hành, ngò để Tết đến có rau cho cả nhà dùng. Trồng cây này, nuôi con này để chờ Tết- như cách ba má vẫn thường nói- làm cho lũ trẻ chúng tôi thấy Tết thật ý nghĩa.
Bây giờ, tuổi già, ba má không còn lo được nhiều thứ như vậy, nhưng ở quê, thấy ai làm được nguyên liệu gì ngon, má đều dặn dò phần mình để Tết đến có cái làm bánh mứt cho có không khí Tết và cũng để cho con cháu vui mừng.
Năm nào cũng vậy, tầm 27-28 Tết là ba má bắt đầu ngóng con cháu về để tổ chức cho cả nhà làm bánh mứt, gói bánh chưng, bánh tét.
Ba thường nhận nhiệm vụ làm mứt dừa, má làm mứt gừng; đám con cháu lít nhít thì xúm vào phụ đánh bột, rửa khuôn làm bánh thuẫn, bánh in. Mỗi người một việc, tiếng cười nói râm ran, vui nhộn, ấm áp cả căn nhà. Năm nào công việc cũng vậy nên dần dần đã thành nếp. Mỗi khi Tết đến Xuân về, con cháu đều mong để được trở về nhà, được quây quần bên nhau, vừa làm việc vừa hàn huyên tâm sự cho thỏa nỗi nhớ cả năm dài xa cách.
Mùi thơm thơm, béo béo, ngòn ngọt của mứt dừa; nồng và ấm của mứt gừng; hương thơm nhẹ thanh tao không lẫn vào đâu được của bánh thuẫn, bánh in cứ làm cho ta luôn nhớ về Tết.
Tết đến, nhà nhà ở quê vẫn còn giữ thói quen trồng bông vạn thọ. Hoa cho sắc vàng hoặc cam rực rỡ. Hương hoa thơm nồng nồng.
Tầm tháng 10, má bắt đầu xuống giống bông vạn thọ. Có năm má hái chùm bông của năm trước treo gác bếp để năm sau lấy hạt ươm cây con. Năm nào cây cho bông không đẹp, thì năm sau má lại ra chợ mua ít cây giống về trồng. Ở quê tôi, Tết đến, trước khoảnh sân vườn nhà nào gần như cũng đều trồng bông vạn thọ. Cây dễ sống, dễ chăm nên thường ra hoa đúng Tết. Bây giờ, hoa Tết đa dạng về chủng loại, nguồn hàng phong phú, chứ ngày trước, Tết đến chỉ có những sắc hoa truyền thống như vạn thọ, thược dược, mào gà… Và dù bây giờ sắc hoa ngày Tết có đa dạng, phong phú nhưng trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình vẫn lựa chọn bông vạn thọ để cúng ông bà, tổ tiên.
Cuộc sống ngày càng phát triển, mọi thứ dường như càng có xu hướng trở về ngày xưa. Đó cũng là lý do, nhiều năm nay, vạn thọ ở quê tôi trở nên hút hàng cùng với hoa mai, hoa cúc trong dịp Tết. Mà cũng thấy thích làm sao khi đi chúc Tết gia đình nào chưng bông vạn thọ. Sắc vàng của hoa quyện với nắng xuân làm cho ngày Tết thêm rực rỡ.
Kể ra, cũng có lắm câu chuyện tạo nên sắc hương ngày tết. Không quá cầu kỳ, không phải những thứ cao sang, mà sắc hương ấy được tạo nên từ chính trong tâm thức mỗi con người Việt Nam cùng với ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Mùa Xuân đã về, Tết đã cận kề. Sắc hương ngày Tết đang lan tỏa, mang những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người, mọi nhà.
SÔNG CÔN