Sa Loong: Các điểm chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường
Người dân thôn Cao Sơn, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) phản ánh, từ nhiều năm nay, cứ đến mùa thu hoạch cao su là họ phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm do một số hộ gia đình làm nghề thu mua, chế biến mủ cao su gây ra.
Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã đến tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do một số hộ thu mua, chế biến mủ cao su gây ra trên địa bàn xã Sa Loong.
Ông Đặng Văn Nghĩa người dân ở thôn Cao Sơn bức xúc cho biết: Đã nhiều năm nay, gia đình tôi và nhiều gia đình ở thôn Sơn Phú (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi) phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường do cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su của hộ gia đình ông Vũ Duy Khuỹnh và bà Vũ Thị Toan gây ra. Cơ sở chế biến mủ cao su này còn lợi dụng đêm tối, trời mưa thường xuyên lén lút xả thải ra suối Đăk Kan làm ô nhiễm môi trường nước. Bà con ở dưới hạ nguồn của dòng suối ở thôn Sơn Phú đã nhiều lần có ý kiến nhưng họ vẫn cứ xả thải ra môi trường. Gần đây, trong lúc đi làm cỏ tôi còn phát hiện cơ sở này chôn 2 đường ống ngầm dẫn nước thải ra bên ngoài khu vực sản xuất. Trong đó, có 1 ống xả nước thải dẫn xuống ao nhà tôi và 1 ống dẫn nước thải ra suối. Sự việc trên đã được tôi phản ánh với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của huyện xuống kiểm tra, nhắc nhở và xử lý, nhưng sau đó mọi việc lại tái diễn, kể từ năm 2013 đến nay.
|
Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi cho biết, ngay sau khi nhận được ý kiến phản ánh từ phía người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng với một số hộ dân tiến hành kiểm tra cơ sở thu mua mủ cao su của gia đình bà Toan. Qua kiểm tra, đoàn cũng đã phát hiện 2 ống nước được chôn ngầm dưới lòng đất từ điểm thu mua dẫn ra bên ngoài. Tuy nhiên, đại diện gia đình giải thích đây là 2 đường ống để bơm nước mưa chảy tràn ra suối chứ không phải nước thải của mủ cao su. Cơ sở này tổ chức thu mua, chế biến mủ cao su từ nhiều năm nay nhưng tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hồ sơ đất đai và không có hồ sơ về bảo vệ môi trường.
Ông Trần Sỹ Hải - Chủ tịch UBND xã Sa Loong khẳng định: Người dân phản ánh tình trạng điểm thu mua mủ cao su của hộ gia đình bà Vũ Thị Toan gây ô nhiễm là có thật. Đến nay, UBND xã Sa Loong đã 2 lần ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 7.500.000 đồng đối với hộ gia đình này và yêu cầu gia đình bà Toan tháo dỡ 2 đường ống dẫn nước chôn ngầm dưới đất nhằm để xả thải ra môi trường. Đồng thời, địa phương yêu cầu gia đình bà Toan nhanh chóng liên hệ với Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Kon Tum tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng nước, đất tại khu vực xả thải…
Theo phản ánh của người dân một điểm thu mua, chế biến mủ cao su khác của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh nằm ngay trong khu đông dân cư của thôn Cao Sơn cũng gây ô nhiễm nặng nề.
Bà Phan Thị Hồng cho biết: Nhà tôi sát vách với điểm thu mua, chế biến mủ cao su của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Cao Sơn. Trước đây, giếng nước nhà tôi vẫn sử dụng bình thường, nhưng từ khi gia đình ông Thanh thu mua mủ và mua máy chế biến đặt ở phía sau nhà, hầm chứa nước thải của gia đình ông Thanh gần giếng nước của gia đình tôi nên giếng nước nhà tôi cũng có mùi hôi thối không thể sử dụng. Tôi đành phải lấp giếng nước và vay tiền đào giếng khác ở phía trước nhà cách xa khu vực chế biến của ông Thanh. Tôi cùng một số hộ dân trong xóm đã nhiều lần sang nhà góp ý và đề nghị di chuyển điểm thu mua, chế biến mủ cao su ra xa khu dân cư nhưng gia đình ông Thanh vẫn không chịu tiếp thu...
Cách nhà bà Hồng chừng 5m, nhà bà Bùi Thị Chiến cũng chịu cảnh tương tự. Năm nay bà Chiến đã 61 tuổi nhưng hàng ngày cũng phải đi xin nước về sử dụng vì giếng nước gia đình bà cũng bị ô nhiễm mà nguyên nhân được cho là do điểm thu mua, chế biến mủ cao su của hộ gia đình ông Thanh gây nên.
Việc các điểm thu mua, chế biến mủ cao su tự phát ở các khu dân cư không có những thủ tục cần thiết như giấy phép xây dựng, hoạt động chế biến, cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải, nước thải…; chất thải không được xử lý đúng quy định nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở di dời ra xa khu dân cư và cương quyết xử lý những cơ sở vi phạm theo quy định để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Bảo Châu