Rượu bia với văn hóa giao thông
Vì tính mạng con người, vì một xã hội văn minh, bản thân mỗi người hãy nói không với rượu bia trước khi tham gia giao thông!
Mới gặp nhau cà phê buổi sáng, anh bạn đồng nghiệp tôi đã mở lời: Từ nay anh em mình chắc chỉ uống cà phê thôi. Mà có tham gia đám xá gì thì cũng chỉ dùng nước lọc, nước ngọt, chứ giờ ai dám uống rượu bia. Bị phạt tiền nặng lắm đấy. Nghe bạn nói, tôi nhận ra sự phân trần xen lẫn lo lắng. Từ đầu tháng 1/2020 khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực, dường như ở đâu cũng nghe mọi người bàn luận về vấn đề này!
Ở nước ta, từ xa xưa, không đơn giản chỉ để uống, rượu còn gắn với các hình thức nghi lễ trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Người Việt ta từ trước đã biết sử dụng rượu một cách hữu ích trong việc chữa trị bệnh, duy trì sức khỏe, gợi hứng cho sáng tác nghệ thuật, thậm chí trở thành một trong những thú vui tao nhã, nhàn dật…. Thậm chí, rượu còn từng được xem như là bản lĩnh nam nhi: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (Con trai không uống rượu như cờ không có gió).
|
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là nhiều người đã quá lạm dụng rượu bia trong đời sống, gây ra những tác hại khôn lường. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ sử dụng rượu bia cao trên thế giới. Rượu bia được bày bán mọi nơi, có thể mua và sử dụng dễ dàng. Nhiều người quá chén đến mức say xỉn, không làm chủ được bản thân dẫn đến những ứng xử thiếu văn hóa, gây rối trật tự công cộng, thậm chí dẫn đến những tệ nạn xã hội khác. Đặc biệt nguy hại là có nhiều trường hợp sử dụng rượu bia lại tham gia giao thông gây tai nạn, thiệt hại cho bản thân cũng như cho người khác, trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội trong nhiều năm qua.
Ngay từ đầu tháng 1/2020, khi lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn và xử lý nghiêm đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, nhiều chủ phương tiện giao thông vi phạm vẫn chưa quen hoặc tìm cách bao biện, chống chế khi bị xử phạt. Người viện lý do đi đám tiệc nhà người thân nên không thể không uống; người lại giải thích nhà ở gần đây, uống một chút vui với anh em rồi về ngay; thậm chí, có người còn dám mạo danh cả ông nọ bà kia để mong tránh bị xử phạt.
Trước việc xử phạt nặng, bạn tôi băn khoăn nói: Tết này, chắc rượu bia ế hết, rồi mai mốt các nhà hàng, quán nhậu cũng đóng cửa luôn, rồi các đám tiệc nữa, không có rượu bia cũng mất vui. Nhà nước sẽ mất đi một khoản thu lớn từ nguồn thuế sản xuất cũng như kinh doanh rượu bia. Và rồi, chắc là dịch vụ đưa đón bằng taxi sẽ có dịp phát triển… Nghe bạn nói một hồi, tôi cười xòa rồi từ tốn tìm cách giải thích cho bạn hiểu, rằng việc tăng mức xử phạt đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia đã được cụ thể hóa thành luật là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Bởi không có gì quý bằng tính mạng con người. Thực trạng những năm qua cho thấy ngày càng có những tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra có sử dụng chất kích thích, trong đó có rượu bia. Thực tế đó đã gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng cho chính những người tham gia giao thông, đồng thời còn trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình, xã hội.
Vì tính mạng con người, vì một xã hội văn minh, bản thân mỗi người hãy nói không với rượu bia trước khi tham gia giao thông!
An Viên