Rừng “mó nước”
Chiều muộn. Mặt trời vẫn hừng hực tỏa từng quầng nắng chói chang xuống núi đồi, thôn xóm. Bầu trời trong xanh, không một gợn mây, báo hiệu những ngày khô hạn còn kéo dài!
A Blê bước lên bậc hè, trong chiếc gùi thưa nặng trĩu sau lưng là những quả bầu khô chứa đầy nước trong văn vắt.
Y Thi từ nhà bếp chạy ra, đỡ chiếc gùi xuống, rồi hào hứng xếp từng quả bầu khô quanh cột nhà. Áp tay lên lớp vỏ đen bóng của bầu nước, cô cảm nhận hơi mát đến kỳ lạ, làm tan biến đi sự oi bức, ngột ngạt, dù cái nóng vẫn hầm hập.
Y Thi nhẹ nhàng mở nút, thận trọng nghiêng quả bầu khô cho nước chảy ra lòng bàn tay. Dòng nước mỏng manh trong lành, mát rượi thấm vào da thịt, mơn trớn, vuốt ve, làm dịu từng đường gân, từng mạch máu đang nóng ran, khô khốc.
Mát quá. Y Thi rùng mình, đôi tay vốc nước xoa lên mặt. Lạ thật, đôi tay này luôn vững vàng, chắc khỏe khi cầm cuốc, cầm rựa hay lái máy cày, lại run run khi đón dòng nước mát.
A Blê vui vẻ nhìn Y Thi, rồi nói: Tối nay chuẩn bị cơm với cá nướng cho anh, sang sớm mai đi tuần tra rừng “mó nước” với làng.
Y Thi gật đầu, rồi nhìn về khu rừng “mó nước” hiện lên phía xa, đen thẫm dưới ánh nắng chiều.
|
Với dân làng, khu rừng vừa là nhà, là vườn, vừa thiêng liêng vừa gần gũi, nơi trú ngụ của thần linh, nơi ôm ấp, chở che và cung cấp nguồn nước nuôi sống con người.
Nhưng đã từng có những năm tháng rừng đầu nguồn bị xâm hại, bị tàn phá nặng nề. Người ta khoét dần từng mảng, từng mảng để trồng mì; những cây gỗ to dần biến mất, rồi đến cây nhỏ hơn cũng không còn. Con chim, con thú cũng tứ tán.
Không còn rừng che chở, làng nằm trơ trọi dưới chân núi. Không còn rừng giữ nước, con suối chảy qua làng cạn kiệt, không còn bắt được giọt nước nữa.
Khô khát làm cuộc sống của dân làng chật vật, phải chắt chiu từng giọt nước mát.
Sau này, dân làng được vận động đào giếng lấy nước. Nhưng các giếng cũng cạn kiệt vào mùa khô.
Hàng năm, làng vẫn tổ chức lễ cúng giọt nước, nhưng vì không còn nguồn nước, thay vì cúng ở rừng thì dân làng chỉ tổ chức tượng trưng tại nhà rông. Rừng hết cây lớn, người già lo hồn vía của người chết không còn nơi trú ngụ.
Mỗi khi mùa khô đến, dân làng lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt kéo dài. Giếng nước của nhà A BLê cạn rất nhanh, gạn cả ngày cả đêm cũng chỉ được mấy can nhựa, để dành cho ăn uống, còn tắm giặt thì đi mấy cây số để ra sông, mà sông mùa này cũng cạn trơ đáy rồi.
Cuộc sống đảo lộn hết cả vì thiếu nước. Giếng cạn, nên dù đã tiết kiệm hết mức có thể thì vẫn thiếu nước. “Thấy khổ hơn cả thiếu ăn”- Y Thi ngậm ngùi.
Lớp người già đau đáu nhớ lại cái thời rừng già bao bọc làng; sông suối cuồn cuộn chảy, nước giọt luôn tuôn trào. Dân làng không muốn dùng nước suối, nước sông thì cũng có nước giọt, dùng thoải mái.
Trong suy nghĩ giản đơn của họ, không bao giờ tồn tại chuyện sông suối sẽ khô, nước giọt sẽ cạn kiệt.
Vậy mà sự thay đổi lại diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt và chóng vánh. Khi A Blê cưới Y Thi, nước tự chảy kéo về tận nhà, làm heo, làm gà, chảy tràn ngày đêm, nhưng đến em gái A Blê lấy chồng thì nước chảy nhỏ giọt, không đủ dùng, đến giếng đào trước vườn cũng khô cạn, phải ra tận sông để lấy.
Ấy chính là những thay đổi ghê gớm nhất mà Y Thay tận mắt nhìn thấy, tự mình trải nghiệm.
Cho đến một ngày, cũng khá lâu rồi, khoảng giữa năm 2013, cán bộ huyện, xã vào làng, dẫn theo những người lạ nhưng thân thiện. Nghe cán bộ xã phổ biến họ đến để khảo sát, triển khai dự án hỗ trợ giao đất giao rừng gắn bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng DTTS.
Dân làng nghe, không hiểu hết những gì họ nói, nhưng cũng biết họ muốn giao khu rừng đầu nguồn cho dân làng bảo vệ, phục hồi và trồng thêm cây rừng.
Hôm ấy, dân làng ngồi chật nhà rông, vừa hào hứng vừa tò mò, lo lắng. Hào hứng vì Đảng và Nhà nước đã hiểu cái bụng của dân làng, khi giao quyền quản lý rừng cho làng. Rồi khu rừng kia sẽ thực sự của họ; rồi rừng “mó nước” sẽ trở lại đúng dáng dấp và hồn vía của nó.
Trưởng thôn chỉ nói ngắn gọn rằng, lâu nay, dân làng không có nước tự chảy là vì mất rừng đầu nguồn. Nước từ rừng ra chứ đâu.
Còn già làng thì nói nhiều hơn. Già nói: Khi được giao cái rừng “mó nước” rồi, phải bảo vệ. Ai vi phạm làng phạt, già phạt. Ai có công bảo vệ, được khen. Giữ được rừng sẽ có nước. Bất kể ai, lớn hay nhỏ, đều phải biết điều đó để làm.
Cả làng vỗ tay rào rào, bày tỏ sự đồng thuận!
Và từ đó, rừng đầu nguồn của làng bắt đầu hành trình phục hồi, âm thầm nhưng mạnh mẽ của mình!
Làng đã xây dựng quy ước, hương ước quản lý bảo vệ rừng; quy định trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, kết hợp với kiểm tra nguồn nước tự chảy.
Dân làng còn được hỗ trợ mấy nghìn cây giống gỗ quý, gồm trắc, hương, cẩm lai và sao đen để trồng trong rừng đầu nguồn.
Chỉ sau mấy năm được bảo vệ nghiêm ngặt, những mầm non mới bật lên ngày nào đã vươn cành xanh lá, như để tri ân dân làng đã vất vả qua bao mùa mưa nắng. Từ làng nhìn về phía rừng đã thấy ngằn ngặt màu xanh.
Rừng đầu nguồn xanh lại, dòng nước mát cho sinh hoạt, dòng nước cho tín ngưỡng cũng đã tuôn chảy. Lễ cúng giọt nước của làng được tổ chức theo đúng những gì được truyền lại.
Dù vào những ngày khô hạn gay gắt nhất vẫn đủ nước cho dân làng sử dụng hàng ngày. Và những quả bầu khô từng phải treo trên bếp của nhà Y Thi lại chứa đầy nước mát, theo nhịp bước của A Blê về nhà mỗi chiều.
Từ ngoài cổng, tiếng của A Phong oang oang “A Blê nhớ tập trung lúc 5 giờ sáng mai nhé” kéo Y Thi ra khỏi dòng hồi tưởng. A Phong là tổ trưởng tổ bảo vệ rừng của làng. Anh sẽ đến tận nhà từng thành viên để nhắc nhở.
Ngày mai, họ sẽ đi hết một ngày, nên phải chuẩn bị cơm đem theo. Từ những chuyến đi miệt mài ấy mà rừng “mó nước” luôn yên bình.
Nghĩa là dòng nước mát sẽ luôn tuôn chảy.
HỒNG LAM