Rừng của mỗi người
Hơi lạnh của núi rừng làm hắn tỉnh giấc. Bên ngoài, mưa vẫn rơi, lúc rả rích, khi ào ào gõ vào mái lán bằng tôn giòn tan. Ở giữa lán, bếp lửa vẫn bập bùng cháy. Bóng những người ngồi xung quanh nhảy múa trên vách.
Một người, hình như là A Gưới thì phải, quẳng mấy khúc gốc thông khô vào bếp, cười cười: Nhà báo thức rồi à. Qua đây ngồi cho ấm.
Gỗ khô nổ tí tách, bắn ra từng chùm, từng chùm hoa lửa. Khói quyện mùi gỗ thông thơm đến nhức mũi. Hắn quấn tấm mền len quanh người, xuýt xoa bước đến bên bếp.
Hồi trưa, khi hắn quyết định chạy xe máy lên thăm anh em trực ở trạm quản lý bảo vệ rừng nằm cheo leo trên đèo, anh bạn khuyên đợi nắng ráo đã, bởi đây là trạm xa xôi, heo hút nhất và khó khăn nhất.
Nhưng hắn vẫn quyết đi. Phần vì hắn muốn gặp chàng kỹ sư Thìn, được ví von như “bước ra từ tác phẩm Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long” xem sao. Phần vì hắn muốn biết, liệu có phải đến bây giờ, vẫn còn những con người như thế, âm thầm và lặng lẽ, làm nhiệm vụ ở nơi heo hút, quanh năm mây phủ này.
Cùng đi với hắn có A Hữu, A Gưới. Hay đúng hơn, đây là 2 người dẫn đường cho hắn.
Trước khi lên xe, vừa giật giật dây buộc con dao đi rừng bên hông xem đã cột chặt chưa, A Gưới vừa thủng thẳng nói: Nếu anh lên muộn tý nữa là không gặp được mình đâu. Mùa này phải đi sớm chút vì đi muộn hay gặp mưa rừng, khó xuống lắm.
Đúng như lời can ngăn của anh bạn, cả chặng đường dài vắng vẻ, thảng hoặc mới gặp người đi lấy măng. Xe bắt đầu lên đèo thì mưa rừng đổ xuống mờ mịt. Hơi lạnh thấm vào da thịt, rùng rùng từng đốt sống lưng.
|
Gọi là trạm, nhưng đó chỉ là căn lán nhỏ, vách gỗ, mái tôn nằm chơ vơ lưng chừng đèo. Ba bề bốn bên là rừng, là núi. Từ lúc mở mắt ra đến lúc đi ngủ, thấy độc cây rừng. Làng gần nhất cũng cách 6-7 cây số. Mùa khô, gió núi gầm gừ suốt ngày đêm. Mùa mưa, núi rừng đen kịt, tối tăm, mù mịt.
Chàng kỹ sư Thìn đón mọi người bằng ánh nhìn áy náy, khi cả ba cái giường đều bề bộn: Anh xem, ở nơi “khỉ ho cò gáy” này, hiếm người qua lại, mà anh em bận tối tăm mặt mũi, suốt ngày quần quật trong rừng nên cũng chẳng có thời gian lo chuyện nhà cửa. Tối về mệt quá, quăng mình lên giường đánh một giấc là xong.
Ở đây không điện thắp sáng, không ti vi, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không. Trong lán là ba cái giường ghép bằng cây, mặt rải nứa đập dập đặt liền nhau. Giữa lán là một cái bếp củi con con dùng để nấu nướng.
Ấy vậy mà trong mấy năm Thìn và anh em lên đây cắm chốt, nạn phá rừng làm rẫy giảm dần và dứt hẳn. Thậm chí, qua sự vận động của anh em, một số hộ gia đình đã tự giác trả lại diện tích rừng đã phát trước đó, để anh em trồng rừng phục hồi.
Làm nhiệm vụ bảo vệ, quản lý khoảng 2.000ha rừng, anh em Thìn luôn bận tối mặt tối mày. Mùa khô lo cháy rừng, mùa mưa lo phòng người dân phát rẫy, mùa nào việc ấy.
Không chỉ vậy, mọi người còn thực hiện nhiệm vụ trồng rừng. Hôm tôi lên, Thìn và anh em vừa hoàn tất việc trồng dặm 10.000 cây thông 3 lá, cũng như phát dọn cỏ, chăm sóc gần 100ha rừng trồng 2 năm tuổi.
May mà có dân làng, có A Hữu, A Gưới giúp đấy- Thìn nói. A Hữu, A Gưới cười ngượng nghịu.
Hồi chiều muộn, trong khi anh em lúi húi nhóm bếp, nấu cơm với mấy cây củi ướt mèm, hắn đứng ở đỉnh dốc phóng tầm mắt ra xa và thấy mình nhỏ bé, yếu ớt, còn rừng thì luôn mênh mông, thăm thẳm như vậy.
Hắn nhớ đến khu rừng thiêng được bảo vệ nghiêm ngặt của làng Kà Bầy (Hơ Moong, huyện Sa Thầy); rừng thiêng ở làng Vi Pờ Ê 2 (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông); hay rừng ma ở làng Đăk Sao (xã Đăk Ring, huyện Kon Plông). Tất cả đều phủ lên một vẻ thâm u, kỳ bí.
Bên ngoài, mưa vẫn rơi, lúc rả rích, khi ào ào gõ vào mái lán bằng tôn giòn tan. Ở giữa lán, bếp lửa vẫn bập bùng cháy. Bóng những người ngời xung quanh nhảy múa trên vách. Nhìn Thìn ngồi rì rầm trò chuyện với A Hữu, A Gưới một cách thân thiết, hắn cứ băn khoăn tự hỏi: Điều gì đã gắn kết họ lại với nhau?
Phải chăng là rừng?
Nếu với kỹ sư Thìn và anh em trong trạm bảo vệ rừng, họ bảo vệ rừng bằng trách nhiệm của những nhân viên mẫn cán. Với họ, rừng là một thực thế, cần được bảo vệ bởi luật pháp và trách nhiệm của mỗi người như họ.
Thì với A Hữu, A Gưới, và nhiều, rất nhiều người khác, họ bảo vệ rừng bằng tình yêu luôn chảy trong mạch máu. Với họ, rừng là máu thịt, là tín ngưỡng và cũng là cuộc sống. Họ sinh ra ở rừng, lớn lên với rừng, sống với rừng, chết cũng về rừng. Nên rừng quen thuộc, thân thiết và gắn bó vô cùng. Họ giữ rừng như giữ nhà mình.
A Hữu, A Gưới nhận khoán chăm sóc, bảo vệ 28ha rừng. Đều đặn hàng tháng, hai người kết hợp với anh em trạm quản lý bảo vệ rừng đi kiểm tra rừng ít nhất 2 lần. Nên thuộc lòng từng bờ cây, bụi cỏ, từng giống gỗ, nhóm loài trong rừng “của mình” như thuộc lòng tính nết mấy đứa con vậy.
A Gưới kể, đường vào rừng xa lắm, leo dốc đến tức ngực, lội rừng đến không nhấc nổi chân. Nhưng đi riết thành quen. A Gưới thuộc lòng từng bờ cây, bụi cỏ, từng giống gỗ, nhóm loài trong khu rừng “của mình” như thuộc lòng tính nết những đứa con vậy.
Nhà A Gưới cũng còn khó khăn, nhưng anh thực hiện nghiêm ngặt lời hứa của mình hôm nhận rừng: Nhà A Gưới này dù còn nghèo cũng không bao giờ chặt cây, đặt bẫy săn thú, phá rừng để làm rẫy.
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Khói bếp không bay lên được, sà xuống, lãng đãng khắp căn lán, cay sè. Thìn cau mày nhìn ra ngoài, khẽ khàng nói: Hay là mai anh xuống đi, đừng ở đây nữa. Mưa như thế này, dễ có lũ quét, sạt lở đất lắm.
Hắn im lặng, nhìn từng gương mặt nhập nhòa trong ánh lửa. Tất cả đều lo cho hắn. Tự nhiên, trong lòng hắn như có dòng nước ấm và ngọt ngào đang êm đềm chảy.
Ở ngoài kia, rừng vẫn mênh mông, thăm thẳm như vậy!
HỒNG LAM